Tết năm nay bán được bằng năm ngoái là... may

Tết năm nay bán được bằng năm ngoái là... may

Thứ 5, 19/12/2013 17:14

"Năm nay, sức mua của người tiêu dùng sẽ giảm do kinh tế vẫn còn khó khăn. Đại diện hiệp hội Siêu thị Hà Nội và hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, Tết năm nay bán được bằng năm ngoái là... may.

Người "ôm" hàng Tết đang lo ngay ngáy... ế! Có hai yếu tố ảnh hưởng tới sức mua dịp Tết, đó là tăng cơ học số người và tăng số tiền trong túi của người dân. Tuy nhiên, Tết năm nay lương, thưởng đều sụt giảm, điều này ảnh hưởng lớn tới sức tiêu thụ hàng hóa", ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch hiệp hội Siêu thị Hà Nội, Phó chủ tịch hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho hay.

Hàng bình dân lên ngôi

Theo tìm hiểu của phóng viên báo ĐS&PL,  cho đến thời điểm này, hầu hết các tỉnh thành phố có nhu cầu tiêu dùng lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, TP. Hải Phòng..., kế hoạch chuẩn bị hàng Tết đã được triển khai. Các siêu thị cũng đã chuẩn bị lượng hàng Tết dồi dào để tránh tình trạng sốt giá. Bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại của hệ thống siêu thị Big C cho hay: "Big C đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá và cố gắng bình ổn giá cả các mặt hàng trong thời gian bán hàng Tết. Hiện, hàng Tết đã được nhập về kho".

Bà Trang cũng cho hay, năm nay những mặt hàng bình dân và hàng nhãn hiệu Việt được đặc biệt chú ý. "Chúng tôi tăng cường thêm các mặt hàng mang nhãn hàng riêng Big C thuộc loại hàng hóa tiêu thụ mạnh trong dịp Tết”.

Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cũng cho hay, năm nay số ngày nghỉ Tết dài nhưng chỉ nghỉ gọn trong 1 tháng chứ không phải 2 tháng như mọi năm nên siêu thị nhập lượng hàng tăng hơn so với mọi năm 20-25%. Đa số đó là những nhu yếu phẩm thiết yếu, người dân phải mua phục vụ dịp Tết. Bà Hậu cũng cho biết, giá các mặt hàng dịp Tết chỉ tăng nhẹ. Năm nay, đơn vị này chú trọng vào hàng bình dân, phù hợp với túi tiền của đại bộ phận dân chúng.

Tài chính - Ngân hàng - Tết năm nay bán được bằng năm ngoái là... may

Thực phẩm Tết đang lo bị ế!.

Còn theo đại diện sở Công Thương Hà Nội, dịp Tết là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh hàng hóa. Năm nay, Sở sẽ triển khai 610 điểm bán bình ổn giá cố định được treo biển nhận diện và khoảng 1.500 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng... không treo biển nhận diện nhưng bảo đảm giá bán ổn định theo bảng giá của bộ Tài chính. Ông Vũ Vĩnh Phú cho hay: "Theo báo cáo, năm nay tổng tiêu dùng cả tết của Hà Nội khoảng 38.000 tỷ. Trong đó, nhu cầu về lương thực là 65.000 tấn, thịt gia súc 12.000 tấn, 6.000 tấn gia cầm, 90.000 tấn rau củ quả, 1.500 tấn bánh kẹo, 100 triệu lít nước giải khát... Các siêu thị lớn, theo thống kê của sở Công Thương là đã chuẩn bị lượng hàng hóa khoảng 2.500 tỷ".

Mục sở thị tại nhiều siêu thị, cửa hàng, đại lý bán hàng Tết ở Hà Nội, PV nhận thấy, không khí mua bán cho ngày Tết chưa hiện diện. Hàng hoá thì có nhiều, đầy hơn và người tiêu dùng được quyền lựa chọn hơn.

Mặc dù lượng hàng hóa cho dịp Tết này đã được các doanh nghiệp chuẩn bị tương đối đầy đủ nhưng nhiều đơn vị vẫn lo lắng về sức mua của thị trường. Vị đại diện của hệ thống siêu thị Fivimart nhận định: "Theo tôi sức mua năm nay không tăng so với năm trước, bởi kinh tế năm nay vẫn chưa phục hồi. Hệ thống siêu thị hạn chế nhập những mặt hàng sa sỉ, đắt tiền còn những mặt hàng phổ thông phục vụ cho dịp Tết vẫn phải đáp ứng đầy đủ cho người tiêu dùng".

"Chỉ mong bán được bằng năm ngoái"

Đại diện một doanh nghiệp thực phẩm cũng chia sẻ, mặc dù lượng hàng chuẩn bị tăng 20% so với trước, song DN nhận định sức mua hàng hóa Tết 2014 sẽ không có nhiều đột biến. Kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập của người lao động chưa được cải thiện nên sức mua sẽ bị hạn chế. Thường thì sức mua tháng Tết cao hơn bình thường từ 50-80%, song năm nay, công ty này cũng chỉ dám chuẩn bị lượng hàng thành phẩm nhiều hơn Tết năm trước 10% và thực hiện giải pháp vừa sản xuất vừa theo dõi thị trường để điều chỉnh chứ không sản xuất đón đầu tràn lan như trước. 

Vị đại diện một siêu thị lớn ở Hà Nội, cho rằng: Năm nay sức mua sẽ giảm đi do kinh tế vẫn còn khó khăn. Ngày Tết, bán được nhiều hàng hay không là phụ thuộc vào sức mua của người dân chứ không phải một nhóm người. Vì thế, chúng tôi rất sợ bị ế. Bởi thực phẩm không giống như các mặt hàng khác là đồ khô, quần áo, hàng điện lạnh, dân dụng... có thể để trong kho, không bán được tháng này, tháng sau vẫn "sử dụng tốt". Vị đại diện này còn một băn khoăn nữa là người lao động, người dân sẽ không mua thực phẩm ở siêu thị, cửa hàng, đại lý lớn tại thành phố mà chung tiền nhau, về vùng quê mua nhiều, thuê xe chở lên phố tự dùng. Bởi, vị đại diện này cho rằng, ở các miền quê như Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... gần Hà Nội, có nhiều thực phẩm ngon, rẻ, người tiêu dùng chẳng có lý do gì mà không làm chuyến xe tải, góp tiền, về mua rồi dùng dần.

Ngoài nỗi lo ế đó ra, theo ông Phú thì hiện nay hệ thống phân phối hàng hóa của chúng ta còn nhiều hạn chế. Ví như hiện nay, hàng vạn tấn gạo ở Thái Bình đang không có người mua trong khi ở Hà Nội vẫn 13.000 -14.000 đồng/kg. Điều này, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho người nông dân. Một số mặt hàng khác ở Hà Nội đang đắt nhưng các tỉnh thành khác vẫn thừa hàng. Ví như bí đỏ ở Bắc Giang 1.000đồng/kg mà vẫn phải xếp hàng dài ở mặt đường trong khi ở Hà Nội vẫn 4.000 -5.000 đồng/kg. Từ thực tế này có thể thấy rằng chính sự hạn chế trong khâu phân phối sản phẩm sẽ khiến thị trường Tết rơi vào tình trạng bị động, thậm chí ế hoặc nơi thì thừa, không giúp đỡ cho người sản xuất ra của cải vật chất.

Chị Nguyễn Thị Hải, một doanh nhân tiết lộ: "Năm nay khó khăn, tôi không mua hàng ở siêu thị mà gọi về một số địa phương có đặc sản Tết như gà, lợn, rau, bí... đặt mua. Sau đó, tôi điều xe ô tải chở về phố. Tôi mua giúp cả một số người bạn nữa nên việc đặt mua hàng rất dễ. Chúng tôi mua cả con lợn vài chục kg, không nuôi bằng cám công nghiệp, thuê thịt rồi chia nhau sử dụng. Với các loại thực phẩm khác như gà, thịt bò hay rau, củ, quả, tôi cũng mua như thế. Những năm trước, cứ trước Tết, tôi ra siêu thị khuôn đống thực phẩm về nhà, trị giá lên tới vào chục triệu đồng ấy chứ. Năm nay, nhiều người như tôi thì siêu thị lo ế là đúng".                    

Để tránh xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết, Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa yêu cầu ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần có kế hoạch tích trữ đầy đủ những mặt hàng như lương thực, thực phẩm, rau củ quả và thủy sản. 

Thành Huế

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.