Tết năm nay sẽ khó đổi tiền lẻ?

Tết năm nay sẽ khó đổi tiền lẻ?

Thứ 3, 24/12/2013 09:34

Hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên nhưng thị trường đổi tiền lẻ bắt đầu “nóng” do nhu cầu đổi tiền mới để “lì xì” theo phong tục cổ truyền Việt Nam và đi lễ chùa.

Vô tư kiếm lời ở “đất chùa”, “đất mạng”

Đến hẹn lại lên, thị trường tiền lẻ, tiền mới giáp Tết lại "sốt xình xịch". Nhu cầu tiền mới của người dân đã tiếp tay cho dân buôn tiền kiếm tiền chênh lệch. Theo tìm hiểu của PV, những ngày này, tại các cổng chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, tổ đình chùa Phúc Khánh (Hà Nội)... dịch vụ đổi tiền lẻ  vẫn âm thầm diễn ra.

Tiêu dùng & Dư luận - Tết năm nay sẽ khó đổi tiền lẻ?

Dịch vụ đổi tiền lẻ ở chùa diễn ra khá phổ biến thời gian qua.

Chị Nguyễn Thanh Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Lượng tiền lẻ, tiền mới do Ngân hàng Nhà nước phát hành vào những tháng cuối năm có hạn nên hiện tượng "khát" tiền lẻ, tiền mới vẫn xảy ra triền miên. Tết năm nào, tôi cũng phải nhờ bạn bè làm ở ngân hàng đổi giúp tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống để đi lễ. Nếu không đổi được qua “kênh” ngân hàng, tôi phải đến các cổng chùa đổi, dù mức phí rất “chát”.

Theo khảo sát của PV, mức phí đổi tiền ngoài thị trường vẫn giữ ở mức khá cao và phụ thuộc vào từng mệnh giá tiền được đổi. Tiền mệnh giá 500 đồng - 10 “ăn” 7,5 (đổi 1 triệu đồng được 750.000 đồng); 1.000 đồng -10 “ăn” 8. Mức phí chênh lệch có khi là 4%, 7% hay thậm chí là 100% đối với các loại tiền 10, 20, 50, 100 nghìn đồng bằng chất liệu cotton đã bị ngừng lưu hành.

Chúng tôi tìm đến phố Nguyễn Xí, Đinh Tiên Hoàng - nơi được ví là “chợ đen” đổi tiền lẻ ở Hà Nội những năm trước thì được một người chuyên đổi tiền cho biết, đến thời điểm này, tiền lẻ vẫn “khan” lắm, hơn nữa lực lượng chức năng làm riết nên mức phí sẽ cao hơn mọi năm. Tuy nhiên, người đàn ông này bảo rằng: “Muốn đổi tiền mới thì 2 tuần nữa quay lại, chúng tôi vẫn đang “gom” tiền”.

Cũng theo tìm hiểu của PV, dịch vụ này không chỉ nhộn nhịp ở các đình, chùa, mà đã bắt đầu xuất hiện nhiều mẫu tin về dịch vụ đổi tiền lẻ được rao một cách ồ ạt trên các trang rao vặt doitienle.vn, 5giay.vn, muaban.net... Chỉ cần tìm kiếm từ đổi tiền lẻ sẽ xuất hiện vô số lời mời chào như: “Đổi tiền lẻ trong cả năm không phân biệt thời gian, giá cả hợp lý, cam kết không hét giá; Chuyên đổi tiền lẻ với từng cọc tiền mới tinh, nguyên đai, nguyên kiện cho mọi người có nhu cầu với các mệnh giá như: 500 đồng (rất hiếm nhưng chúng tôi có), 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng đến 50.000 đồng; Cung cấp tiền có số seri đẹp như ngày sinh, tứ quý, tam hoa, số tiến, số lùi với mức giá ưu đãi nhất; Cung cấp dịch vụ đổi tiền mới tại nhà và đổi tiền lẻ qua mạng (tại Hà Nội). Chỉ cần bạn gọi điện, chúng tôi sẽ phục vụ bạn theo ý muốn”.

Theo LS. Lương Văn Tuấn (đoàn Luật sư Hà Nội), việc một số cá nhân lợi dụng nhu cầu về tiền mới của dân chúng để làm dịch vụ đổi tiền cũ lấy tiền mới hưởng chênh lệch là hành vi vi phạm pháp luật về tiền tệ. Theo tôi, để kiểm soát thị trường “chợ đen”, Ngân hàng Nhà nước cũng phải xử lý nghiêm cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống không được lợi dụng việc đổi tiền cũ lấy tiền mới vì các mục đích trục lợi cá nhân, đổi tiền hưởng chênh lệch”.

Tiêu dùng & Dư luận - Tết năm nay sẽ khó đổi tiền lẻ? (Hình 2).

Một trang web rao vặt về dịch vụ đổi tiền lẻ.

Sẽ xử lý “chợ đen”  đổi tiền lẻ 

Trước thực trạng “chợ đen” đổi tiền lẻ diễn ra khá phổ biến và công khai, ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản đề nghị bộ Công thương và bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch”.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong những năm qua, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ (đặc biệt là tiền mới nguyên seri chưa qua sử dụng) trong dịp Tết Nguyên đán ngày một tăng cao đã tạo áp lực rất lớn đối với Ngân hàng Nhà nước nói riêng và ngành ngân hàng nói chung. Số tiền mệnh giá nhỏ này chỉ một phần dùng làm phương tiện thanh toán trong lưu thông, phần còn lại được sử dụng vào các hoạt động khác, trong đó có hoạt động lễ hội, tín ngưỡng.

Qua khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ không hợp lý của người dân ở một số đền, chùa, lễ hội, nơi thờ tự (chủ yếu ở các tỉnh Bắc Trung Bộ trở ra) một cách tùy tiện, tạo hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa xã hội, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và làm xấu đi hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Bên cạnh đó, tiền mệnh giá nhỏ được sử dụng không đúng chức năng gây ra lãng phí lớn cho xã hội trong việc in ấn, phát hành, kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản lượng tiền này.

Theo một số người chuyên làm dịch vụ đổi tiền lẻ thì dịp Tết là cơ hội để họ “hốt bạc”. Càng gần đến những ngày cuối năm, thị trường đổi tiền lẻ càng hoạt động náo nhiệt và mức giá theo đó cũng có chiều hướng thay đổi. Chính vì vậy, dù Ngân hàng Nhà nước có văn bản cấm, người ta không đứng tự do đổi tiền tại các cổng chùa, đình đài miếu mạo thì họ lại tìm kế “buôn tiền” qua mạng hoặc lén lút.

Theo nhận định của một chuyên gia tiền tệ: “Có một nghịch lý đang tồn tại, nhiều năm qua, trong khi các ngân hàng thương mại không có tiền mới, tiền lẻ đổi cho khách hàng thì ngoài “chợ đen” có đủ các mệnh giá nguyên đai, nguyên kiện niêm phong của ngân hàng?! Trong bối cảnh dịch vụ rao vặt, mua bán qua mạng ngày càng nở rộ thì với việc Ngân hàng Nhà nước muốn quản lý dịch vụ đổi tiền lẻ kiếm lời có vẻ khó khả thi. Hiện tại, các chợ đổi tiền lẻ online hoạt động khá sôi nổi và nhanh chóng trở thành một dịch vụ siêu lợi nhuận”.

Chuyên gia này cũng cho rằng: “Bên cạnh giải pháp xử lý nghiêm “chợ đen” thì phải có giải pháp đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán cho người dân. Ngân hàng Nhà nước cần chi ra một lượng nhất định tiền mới, trong đó có tiền mệnh giá nhỏ để đáp ứng một phần nhu cầu của nhân dân, tránh tình trạng người dân “sập bẫy”... của những kẻ buôn tiền tại “chợ đen”.       

Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định: “Mọi người cùng đổi tiền trong một thời gian ngắn để sử dụng trong ngày Tết thì nhu cầu tiền mới, tiền mệnh giá nhỏ tăng đột biến, tạo áp lực rất lớn đối với cơ quan phát hành và hệ thống ngân hàng. Khi Tết qua đi sẽ tạo ra sự dư thừa và mất cân đối lớn về cơ cấu mệnh giá, ảnh hưởng đến công tác điều hòa lưu thông tiền mặt của hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước. Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải chủ động điều hòa nhu cầu Tết và cơ cấu tiền mặt để hạn chế những tác động bất lợi này đối với lưu thông tiền tệ”.                                             

N.Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.