Có lẽ đối với thế hệ sinh vào những năm đầu 7x thế kỷ trước như chúng tôi, ký ức về ngày Tết luôn là thời khắc thiêng liêng và đoàn tụ. Dù có công tác ở đâu trên mọi miền Tổ quốc thì cũng chỉ mong ngóng đến cuối năm để được về sum họp với gia đình. Ngày Tết, gần như mọi mâu thuẫn, va chạm đều được hóa giải,lòng người như luôn rộng mở hơn, đằm thắm hơn.
Thời ở quê và còn đi học, cứ cách Tết khoảng 3-4 tháng là bọn trẻ chúng tôi đã gom giấy báocũ, vuốt cho thẳng và dọc ra thành từng thếp để bắt đầu quấn pháo đốt trong những ngày Tết. Ngày đó chỉ đi học buổi sáng, chiều về được nghỉ nên thằng nào cũng chúi mũi vào pháo, tự hào vì góp được một khoản chi tiêu của gia đình nên rất hãnh diện (hồi đó, pháo chưa bị cấm).
Sau Tết ông Công ông Táo là các gia đình đã bắt đầu chuẩn bị đón Tết. Mọi nhà đều mang những thanh củi to, củi gộc được để dành từ trong năm ra phơi chuẩn bị nấu nồi bánh chưng. Phụ nữ bận rộn với những bán mua trong các phiên chợ cuối năm, đồ ăn thức uống được mua về chuẩn bị cho ba ngày Tết.
Trước Tết vài ngày, những gia đình có điều kiện bắt đầu chung nhau mổ lợn, thường thì bốn năm gia đình chung nhau một con. Từ tinh mơ khắp xóm, khắp làng vang lên tiếng eng éc của lợn, tiếng chày giã giò, tiếng nói chuyện vang lên khắp ngõ. Thịt lợn được phân loại, chia ra để dành cho những mục đích cụ thể. Chỗ dành làm cỗ cúng, chỗ dành nấu ăn dần, chỗ dành để gói bánh chưng, chỗ dành làm giò, làm chả...
Với lũ trẻ chúng tôi, thích nhất là được nghỉ học, được đi chơi các nhà thoải mái mà không sợ bị ngăn cản như ngày thường. Ngó nghiêng mỗi nhà một tý, xúm xít vào xem mổ lợn, chờ chực để xin bong bóng về làm sạch, phơi khô để làm bóng đá sau này.
Và ngay sau đó là đến công đoạn gói bánh chưng. Lá dong được rửa sạch và gọt cọng, gạo nếp ngâm cho no nước và vớt lên để ráo, đỗ xanh được đồ lên và nắm thành những nắm nhỏ cho từng chiếc bánh. Những chiếc bánh cuối cùng tận dụng đồ còn thừa trong công đoạn gói bánh là của chúng tôi. Lũ trẻ sẽ được tự gói chiếc bánh của mình, chiếc có nhân, có thịt, chiếc không nhưng luôn là chiếc bánh chưng chúng tôi mong chờ nhất, được thưởng thức trước tiên và với vị giác của chúng tôi, nó luôn là chiếc ngon nhất, đượm vị Tết nhất.
Chiều 30 Tết, lũ trẻ sẽ được tắm nước lá mùi già để bước sang năm mới luôn thơm tho, sạch sẽ. Việc dùng lá mùi già tắm trong ngày 30 Tết được tin rằng sẽ tẩy những điều không sạch sẽ, bụi bẩn trong năm cũ, nghênh đón may mắn trong năm mới nên nhà nào cũng có nồi to để cả nhà dùng. Hương hoa mùi già nồng ấm, thoang thoảng quyện với hương trầm giăng kín không gian trong nhà xua tan đi những ảm đạm chiều cuối cùng của năm.
Đêm giao thừa, lũ trẻ hãnh diện pha chút lo lắng khi nín thở xem người lớn treo bánh pháo lên đốt. Tiếng pháo nổ đanh, giòn tan xua đi những phiền muộn của năm cũ và chính thức đón năm mới đến. Sau giao thừa là lúc các gia đình kéo nhau đi chúc Tết, ghé vào mỗi nhà một chút và kết thúc vào khoảng 3-4 giờ sáng.Tiền mừng tuổi của trẻ con đa phần là bố mẹ thu lại để mua sắm sách vở sau này. Có cu cậu nào may mắn lắm thì được bớt lại cho một ít để mua kẹo, mua đồ chơi hoặc đi chơi hội xuân.
Những năm gần đây, Tết không còn được như xưa nữa. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự đi lên của nền kinh tế nên việc chuẩn bị Tết cũng khác trước. Sự chuẩn bị Tết ở nơi phố xá là một hai buổi đi siêu thị với giỏ hàng nhiều hơn ngày thường. Ở vùng quê còn rất ít các gia đình chung nhau mổ lợn ăn Tết vì bây giờ khẩu vị của mỗi gia đình mỗi khác. Sản xuất hàng hóa nên thịt bò, gà, lợn... thích ăn gì ra chợ cũng có sẵn. Mùng 2 Tết đa phẩn các hàng thịt, hàng cá ở chợ đã mở bán nên không còn phải chuẩn bị từ trước như xưa nữa.
Bánh chưng tự gói, tự luộc tuy vẫn còn phổ biến nhưng không còn cảm giác háo hức như xưa. Việc ngồi chờ để được tự gói những chiếc bánh cuối cùng của riêng mình không còn như xưa nữa. Gia đình nào ít người thì mua vài cặp bánh ngoài chợ để lên bàn thờ thắp hương cho đúng với phong tục truyền thống.
Thói quen tắm nước lá mùi già chiều 30 cũng còn rất ít người gìn giữ. Thời bây giờ các loại sữa tắm, dầu gội đầu, nước hoa trở nên phổ biến nên ngày nào cũng có thể thơm như mới. Người bán loại cây này cũng ít đi, có chăng chỉ là những người thế hệ cũ còn nuối tiếc với hương vị Tết xưa nên cố gắng tìm mua để hít hà cái mùi quen thuộc.
Trẻ con thời bây giờ không còn háo hức mong chờ Tết như xưa, có chăng chúng thích vì được nghỉ học. Những ngày nghỉ Tết, chúng chúi mũi vào trò chơi điện tử trên thiết bị di động. Ngày Tết đến chơi nhà ông bạn, theo thông lệ gọi lũ trẻ trong nhà ra mừng tuổi. Thằng bé xúng xính với bộ quần áo the khăn xếp chạy ra nhận tiền mừng tuổi rồi nhảy tót lên chiếc ghế sô pha và cắm mặt vào chiếc iPad. Chúng không như chúng tôi ngày nhỏ, có khách đến chơi Tết là phải chạy vào trong nhà, chờ khách gọi ra mới lễ phép khoanh tay.
Phải chăng vì thế nên trên mạng xã hội rất nhiều người kêu Tết “nhạt”, Tết là gánh nặngvì phải lo nhiều thứ...Có ý kiến về việc bỏTết ta, gộp Tết tây và Tết ta lại làm một để tránh lãng phí, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Chúng ta cũng cần phải thay đổi để bắt nhịp xu thế, từ đó mới đưa nền kinh tế nước nhà sánh kịp các cường quốc...
Tết ta là truyền thống lâu nay của người Việt, việc giữ gìn truyền thống là điều nên làm. Cho dù cách thức chuẩn bị Tết không còn như xưa nữa nhưng Tết vẫn là dịp để con cháu sum vầy bên gia đình sau một năm làm việc vất vả. Và tôi tin rằng, không ít người sẽ nghe được lời nhắn từ nơi chôn rau cắt rốn: “Làm gì thì làm, Tết nhớ về với bố mẹ nhé con”.
Vũ Sơn
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.