Tết âm lịch chỉ mới được công nhận chính thức ở Hàn Quốc vài thập kỷ gần đây, và xoá bỏ nó dường như không phải là chuyện người dân nước này đem ra tranh cãi.
Tết Âm lịch cổ truyền ở Hàn Quốc theo tiếng Hàn là Seol - là đại lễ quan trọng nhất trong năm. Giống với nhiều nước đón Tết Nguyên đán âm lịch, vào ngày 30 Tết, các gia đình đều đã lo dọn vệ sinh sạch sẽ nhà cửa.
Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa để xua đuổi tà ma vì tục truyền do tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy.
12h đêm, thời khắc giao thừa đến, trong đêm giao thừa, không một ai ngủ cả, vì theo truyền thuyết nếu ngủ trong đêm giao thừa thì lông mi sẽ bị bạc trắng, và đầu óc sẽ kém minh mẫn khi thức dậy.
Không chỉ vậy, người Hàn Quốc cho rằng, năm mới là dịp những hồn ma xuất hiện trên trần gian để đánh cắp giày và dẫn đến nhiều chuyện xui xẻo cho chủ nhân đôi giày trong cả năm. Bởi vậy, thay vì để những đôi giày ngoài cửa như người Việt Nam, người Hàn Quốc sẽ cất giày vào một nơi an toàn trong những ngày Tết để đảm bảo may mắn cho mình.
Ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán, tiếng Hàn gọi là Sollal có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là ngày đầu tiên của một năm mới.
Sáng mùng 1 tại Hàn Quốc bắt đầu với lễ truyền thống gọi Charye. Rất nhiều thức ăn được chuẩn bị và bày trí chỉn chu trên mặt bàn giữa nhà để thờ cúng tổ tiên.
Người Hàn Quốc có quy định hẳn hoi về mâm cỗ cúng ngày đầu năm. Theo phong tục, mâm lễ phải chia làm 5 hàng, với khoảng hơn 20 món ăn gồm có canh bánh gạo nếp Tteokguk, rượu, bánh Tteok truyền thống, cá, nhiều loại bánh rau chiên, hoa quả. Những lễ này được đặt dưới bài vị tổ tiên, theo thứ tự từ trên xuống dưới.
Khi đồ cúng được sắp đặt xong, các thành viên trong gia đình tụ tập ở phía trước bàn lễ nghi và bắt đầu buổi lễ.
Mọi người sẽ cúi lạy thật sâu như những lời chào cung kính đến linh hồn của tổ tiên để bày tỏ lòng biết ơn và cầu xin cho gia đình hạnh phúc trong suốt cả năm.
Trong ngày này, mọi người đều mặc quần áo cổ truyền, uống gui balli sool, tiến hành nghi lễ cúng Tổ tiên gọi là Chesa do người trưởng nam đứng ra thực hiện.
Sau lễ Chesa là lễ Seba, con cái bái lạy cha mẹ, ông bà. Còn các cháu, sau khi làm động tác cúi đầu chào năm mới trước người lớn và chúc họ may mắn, chúng sẽ được người lớn thưởng tiền "lì xì" hoặc có khi là vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó tuỳ thuộc vào tuổi, vị trí của chúng trong gia đình và đương nhiên là cả điều kiện, hoàn cảnh, quan niệm của từng gia đình.
Kết thúc, cả nhà quây quần cùng nhau thụ lộc những đồ ăn vừa cúng Tổ tiên.
Tiếp sau đó mọi người sẽ đi chúc tết hàng xóm, người thân, đi thăm mộ Tổ tiên và du xuân đến những nơi danh lam, thắng cảnh, hoặc thăm các vườn hoa, cây cảnh, viếng chùa ngày xuân.
Với các trẻ em trong những ngày Tết Nguyên Đán còn là dịp chúng được thỏa sức tham gia vào các trò chơi truyền thống được tổ chức ở các nơi công cộng như các trò chơi như kéo co, thả diều, bập bênh và yut-nori, một loại trò chơi trên ván gỗ dùng gậy.
Cũng giống như Việt Nam và nhiều nước Đông Á khác, trong những ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền đã là dịp để các thành viên xa gia đình trở về đoàn tụ trong sự hòa thuận, yêu thương và mọi người đều trang phục đẹp, lịch sự, nói với nhau bằng những lời chúc tốt đẹp nhất.
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua.
Phúc lộc đưa nhau đến từng nhà.
Vài lời cung chúc tân niên mới.
Vạn sự an khang vạn sự lành.
Tòa soạn báo điện tử Người Đưa Tin xin kính chúc quý độc giả một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Cung chúc tân xuân Canh Tý 2020!
Minh Anh (Tổng hợp)