Mỗi dịp Tết Nguyên đán, các ngân hàng, nhà bán lẻ, công ty viễn thông và các tổ chức khác nhau sẽ in hàng triệu phong bao lì xì đẹp và lạ mắt để tặng cho khách hàng.
Ông Liow Chean Siang, quan chức tại Hội đồng Môi trường Singapore (SEC) cho biết, điều này có tác động rất lớn đến môi trường.
Theo một nghiên cứu từ năm 2017, có đến 320 triệu gói phong bao lì xì được sản xuất tại Hồng Kông mỗi năm. Ước tính con số này tương ứng với 16.300 cây bị chặt hạ để làm nguyên liệu.
Tại Singapore, hàng tấn phong bao lì xì cũng bị vứt bỏ sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vì hầu hết mọi người sẽ không sử dụng lại chúng. Nhưng trong những năm gần đây, những phong bao lì xì bỏ đi như vậy đang được tái chế nhiều hơn, theo Channel News Asia.
Tay Paper Recycling – một trong những công ty tiên phong tái chế phong bao lì xì cho biết, họ đã nhận được 4.000 kg phong bao lì xì để tái chế vào năm 2019, gấp bốn lần so với năm 2018. Năm nay, họ dự kiến sẽ nhận được khoảng 8.000 kg phong bao các loại.
Năm nay, các ngân hàng tại Singapore có kế hoạch thu lại phong bao lì xì qua sử dụng tại các chi nhánh của mình để chuyển đến Tay Paper Recycling tái chế thành hộp các tông.
Tuy nhiên, sẽ có khoảng 20-30% số lượng phong bao sẽ không phù hợp để tái chế, do chúng được in bằng nhiều loại mực cũng như dùng vật liệu hỗn hợp.
Bên cạnh nỗ lực bảo vệ môi trường nói trên, các ngân hàng cũng giảm số lượng phong bao sản xuất để chuyển sang các hình thức lì xì khác thân thiện với môi trường hơn.
Một số ngân hàng Singapore đã giảm số lượng xuống khoảng 15 triệu phong bao trong năm nay, so với mức trung bình 20 triệu trong những năm trước.
Các ngân hàng trong hai năm qua cũng khuyến khích người dân Singapore lựa chọn chuyển khoản hoặc gửi tiền kỹ thuật số thay cho lì xì trong dịp Tết Nguyên đán. Đúng như mong đợi, hình thức này đã nhanh chóng trở nên phổ biến.
Hơn 1,5 triệu đô la Singapore đã được nạp vào thẻ quà tặng QR trong chương trình thí điểm bởi ngân hàng DBS trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019.
Theo tính toán của ngân hàng, chỉ cần giảm 1% lượng tiền mặt sử dụng, khách hàng có thể giúp giảm lượng khí thải carbon tương đương với việc trồng thêm 600 cây.
Theo ông Sunny Quek, người đứng đầu dịch vụ tài chính tiêu dùng tại ngân hàng OCBC của Singapore, ứng dụng di động Pay Who của ngân hàng này đã trở nên phổ biến hơn - đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán - khi giúp mọi người gửi tiền lì xì cho nhau.
Trong hai tuần trước và sau Tết Nguyên đán năm 2019, khách hàng đã thực hiện gấp đôi số lượng giao dịch trên ứng dụng so với năm 2018. Số tiền giao dịch cũng tăng gấp ba lần so với năm 2018.
Mặc dù có sự tiện lợi như vậy, nhiều người vẫn cho rằng phong bao lì xì sẽ không thể biến mất hoàn toàn, vì sẽ có nhiều đối tượng khác nhau vẫn có nhu cầu sử dụng.
Đó có thể là trẻ em và người già vốn không có điện thoại di động hoặc không đủ hiểu biết về công nghệ.
Để sử dụng nhiều hơn các hình thức lì xì kỹ thuật số nhằm bảo vệ môi trường, việc thay đổi tư duy của các doanh nghiệp và người dùng là điều cần thiết, cũng như cần có sự phối hợp từ cả hai bên.
Đây cũng được coi là xu hướng tất yếu của tương lai. Trong một cuộc khảo sát năm 2018 tại Trung Quốc, có 80% số người được hỏi đã chọn hình thức lì xì kỹ thuật số thay vì sử dụng phong bao truyền thống.