Tết phải về nhà mới ngoan?

Tết phải về nhà mới ngoan?

Trịnh Thị Bảo Trang

Trịnh Thị Bảo Trang

Thứ 2, 06/02/2017 08:33

Tại sao cứ nhất thiết Tết phải về nhà trong khi cả gia đình có thể đoàn tụ và tận hưởng những ngày nghỉ lễ ở một địa điểm khác?

Thời gian gần đây, cứ năm hết Tết đến, cuộc tranh luận giữa hai phe “truyền thống” và “hiện đại” lại hâm nóng mọi mặt trận. Và đương nhiên, chẳng phe nào sai, càng không có ai đi ngược lại với những chuẩn mực về đạo đức hay văn hóa khi bảo vệ luận điểm của mình.

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy, cuộc tranh luận càng gay gắt thì những lằn ranh và sự mâu thuẫn giữa hai phe – đồng nghĩa với hai thế hệ già và trẻ trong xã hội ngày càng hằn sâu.

Là một người trẻ, tôi không thể thoát được tư duy của thế hệ. “Tết nên đi chơi hay về nhà?” có lẽ đã là câu hỏi quá cũ đối với tôi. Và đương nhiên, câu trả lời của tôi luôn là “Tùy duyên”. Tết nên đoàn viên, nhưng cũng không cứng nhắc đến nỗi cứ phải ở nhà mới là Tết. 

Xi nhan Trái Phải - Tết phải về nhà mới ngoan?

 Tết đoàn tụ luôn là mong ước của nhiều người. Ảnh minh họa: Internet.

Với những người luôn hướng về gia đình hay may mắn hơn là những người có “hậu phương” gần gũi và hạnh phúc thì ngày nào chẳng là Tết, ngày nào chẳng được đoàn tụ. Vậy sao cứ nhất thiết “Tết phải về nhà, không về nhà là bất hiếu với cha mẹ”?!

Luận điểm ấy đã gây áp lực cho chính giới trẻ, khiến nhiều bạn chưa già nhưng đã sợ Tết bởi trách nhiệm, bởi những định kiến không hay. Chẳng những thế, luận điểm đó cũng tạo một nỗi sợ mông lung cho những người già. Thay vì thông cảm cho sự “ham chơi” hay tính chất công việc của con cháu, họ sẽ dằn vặt, sẽ buồn bã, thất vọng bởi hai chữ “bất hiếu” dán lên trán những đứa con, đứa cháu Tết không chịu (hoặc không thể) về nhà.

Thế hệ tôi có câu “thành ngữ con cóc”: Trẻ không chơi, già hối tiếc. Với nhịp sống hối hả như hiện tại thì câu nói đó đã trở thành một “lời cảnh báo” cho tuổi thanh xuân của chúng tôi. Cả năm quay cuồng với công việc, học hành, chỉ có những dịp lễ, Tết là được xả hơi, được tận hưởng tuổi trẻ của mình. Nhưng du lịch vào những dịp lễ bình thường thì lại là “thất sách” bởi sự “vỡ trận” của những khu du lịch hay giá cả dịch vụ sẽ tịnh tiến theo số lượng du khách.

Vậy chỉ có Tết mới là lúc “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tận hưởng cuộc sống ở một nơi xa.

Vả lại, chỉ có trẻ con mới thích Tết. Còn người lớn, họ mong nhưng lại sợ Tết nhiều hơn. Có lẽ chẳng cần nói ra, chỉ cần hỏi một câu: “Tết sắp đến rồi, gia đình anh/chị đã sắm sửa gì chưa?” là khiến hầu hết người được hỏi phải toát mồ hôi hột.

Đoàn tụ hay sum họp đâu cứ nhất thiết phải ở quê, ở nhà. Tết được ở cạnh gia đình là điều tuyệt vời nhất nhưng có lẽ câu chuyện sẽ tuyệt vời hơn khi cả gia đình được đoàn tụ ở một “nơi xa”, được “quẳng gánh” thứ áp lực mang tên Tết, để cùng nhau trải nghiệm một cái Tết đầy bất ngờ và thú vị.

Trên thực tế việc có hiếu hay bất hiếu, việc đánh giá một “đứa trẻ” ngoan hay hư không phụ thuộc vào dịp Tết những con người đó có ở nhà hay không mà nó phụ thuộc vào suy nghĩ, vào cách hướng về gia đình của người đó.

Việc “nặng lời”, chĩa mũi nhọn vào những người không cùng quan điểm và hành động với mình là điều không nên. Nó sẽ gây ra hiệu ứng mâu thuẫn giữa các thế hệ. Và đâu phải cứ Tết không về nhà là bất hiếu và đâu phải cứ ở nhà cả năm là có hiếu.

Có hiếu hay không, hãy nhìn cách những đứa trẻ đối xử với người lớn, người thân trong gia đình trong cả những ngày không phải Tết. 

Bảo Trang

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.