Clip hoạt động Tết Ramưwan tại Bình Thuận
Vào lúc 6h sáng nay, ngày 11/4 (nhằm ngày 29/8 Hồi lịch), PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có mặt tại xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) ghi nhận hình ảnh hàng ngàn người bao gồm khách du lịch, nhiếp ảnh gia, báo chí và người đồng bào tập trung về tại nghĩa trang người Chăm (hay còn gọi là động đỏ) để cùng đón xem nghi thức tảo mộ ông bà, tổ tiên, mở đầu cho Tết Ramưwan cổ truyền của người Chăm theo đạo Hồi giáo (Bà Ni) sống ở Bình Thuận.
Động đỏ là một động cát cao, cách xa khu dân cư. Để đến được đây, người dân, khách du lịch, người đồng bào Chăm phải đi thuyền di chuyển qua một con sông và đi bộ một quãng đường khoảng vài km. Từ sáng sớm, nhiều tộc họ mặc trang phục truyền thống với mâm đồ cúng tươm tất trên tay, rộn ràng, vui tươi nối đuôi thành từng đoàn cùng nhau đi tảo mộ.
Nét độc đáo là mộ của người Chăm không xây dựng kiên cố mà chỉ phủ cát bằng ngang mặt đất và được đánh dấu bằng một hòn đá tròn. Những hòn đá này xếp thành những hàng dài rất đều đặn. Tất cả được chôn có khoảng cách đều nhau và theo hướng bắc - nam. Hướng bắc là vị trí của đầu, hướng nam là vị trí của chân. Các mộ liền nhau, thậm chí chôn chồng lên nhau nên còn được coi là mộ chôn chung.
Tại đây, các gia đình bày biện đồ cúng, ngồi vòng tròn quanh mộ theo từng dòng tộc. Thầy Char sẽ là người chủ lễ cúng, tưới nước lên ngôi mộ với ý nghĩa tẩy uế, làm cho người chết được mát mẻ, sạch sẽ, thanh khiết hơn, sau đó đọc kinh. Sau đó, lấy trầu cau têm sẵn đặt xuống từng ngôi mộ.
Tiếp đó, mỗi người sẽ chắp tay giơ cao vái lạy sát đất 3 lần sau khi hoàn tất phần lễ. Sau phần lễ, bên các phần mộ, các gia đình ngồi nói chuyện, cùng nhau cúng bái rước tổ tiên về nhà ăn tết... Đồ cúng trong lễ tảo mộ khá đơn giản, gồm: Trầu cau, thuốc lá, trái cây, nước uống, nước thánh và bánh kẹo…
Ông Lư Văn Xuống, ở xã Phan Hòa (huyện Bắc Bình) cho biết: Lễ tảo mộ là phần quan trọng nhất của Tết Ramưwan. Để chuẩn bị cho lễ này, trước đó vài ngày, các tộc họ đã đến làm cỏ, vun cát cho các ngôi mộ. Lễ tảo mộ là một phong tục, tín ngưỡng dân gian của đồng bào Chăm Bà ni. Đó là sự tưởng niệm, biết ơn tổ tiên và dòng tộc cũng như tâm linh của mọi người trong cộng đồng.
Người Chăm ở Bình Thuận có nhiều lễ hội mang nét văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc. Nếu người Chăm Bà La Môn có Tết Katê rộn ràng, nhiều màu sắc thì cộng đồng người Chăm Bà Ni có Tết Ramưwan. Tết cổ truyền Ramưwan là nét văn hóa tinh thần từ truyền thống tín ngưỡng cổ của cư dân người Chăm.
Với ý nghĩa để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, đấng sinh thành và cầu nguyện cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, làm ăn được mùa màng bội thu, Tết Ramưwan của người Chăm gồm nhiều nghi lễ truyền thống nối tiếp nhau như: Lễ tảo mộ, lễ Và ha, lễ cúng bái tổ tiên tại nhà và tháng chay niệm Ramadan của các thầy Char tại chùa, tháp…
Chị Dũng Ngọc Hạnh, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình vui vẻ chia sẻ: Nhà nhà trong làng người rất đông vui, náo nhiệt, trẻ con chạy nhảy nô đùa tung tăng; đồ vật trong nhà, bếp, ngoài sân được sắp đặt gọn gàng, dọn vệ sinh sạch sẽ để đón khách. Trước ngày Tết Ramưwan, các bà, các chị, các mẹ xay bột làm bánh tét, bánh ít…
Vì vậy, dù phải làm ăn xa hay bận rộn đến mấy thì những người Chăm xa quê vẫn phải dành thời gian về làng để tận hưởng những giây phút hạnh phúc bên gia đình, người thân và cúng bái tổ tiên, quây quần cùng gia đình. Tại các làng Chăm, nhà nào cũng đông vui náo nhiệt, rộn ràng không khí tết.
Chị Đặng Nữ Ngọc Phúc, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình cho biết: Cũng như mọi năm, để đón Ramưwan, mọi thứ được chuẩn bị tươm tất từ sớm như sắm quần áo mới cho cả nhà, sắm sửa lễ vật, làm đồ cúng, trang hoàng đồ vật trong nhà cho gọn gàng, sạch sẽ… với hy vọng một năm mới sung túc, đủ đầy hơn.
Để cho bà con thuận lợi đón Tết Ramưwan, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi giáo (Bàni), phối hợp với các ngành liên quan tổ chức cho đồng bào đón Tết Ramưwan vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đồng thời, động viên đồng bào vui Tết không quên nhiệm vụ phát triển sản xuất; phòng, chống dịch bệnh COVID-19; ổn định về mọi mặt đời sống, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; góp phần cùng với các dân tộc anh em trong tỉnh thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh nhà.
Được biết, Bình Thuận hiện có hơn 39.600 người Chăm sinh sống, chiếm hơn 3% dân số toàn tỉnh và chiếm 39% so với các dân tộc thiểu số, tập trung chủ yếu ở 4 xã thuần và 9 thôn xen ghép thuộc 6/10 huyện, thị, thành phố của tỉnh.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm triển khai và thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào Chăm, nhất là việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới.
Từ đó, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Chăm cơ bản được thay đổi rõ nét; các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật như: 3/4 xã thuần đồng bào Chăm đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020; Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường chiếm 98%.