Tết thật rồi, bố nhỉ?

Tết thật rồi, bố nhỉ?

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 6, 08/02/2019 09:06

Những ngày Tết, mọi cảm xúc trong con đều nhạt nhòa, chỉ thấy hình ảnh của bố là hiển hiện rõ mồn một. Con đã mong Tết đến thật nhanh với hy vọng năm mới sức khỏe của bố khá hơn.

Vậy là khoảnh khắc giao thừa cũng đã điểm, ngày mùng 1 Tết cũng đã đến. Bố đã không còn mong Tết nữa.

Cả chục ngày trước Tết, mẹ bảo mỗi ngày bố đều tỉnh dậy với suy nghĩ ngày hôm đó là ngày mùng 1 Tết.

Từ sáng 20 tháng Chạp, mẹ đi ăn chạp họ (ngày gặp mặt thường niên của các gia đình trong cùng họ), bố đã hỏi mẹ mấy lần: “Hôm nay Tết rồi hả bà”. Mẹ bật cười, bảo nay mới ngày 20 thôi, còn chục ngày nữa mới là Tết”.

Ngày mai, bố lại dậy từ rất sớm, quần áo chỉnh tề, giày dép lịch sự. Bố bảo mẹ: “Tôi phải mặc đẹp để còn chuẩn bị đón giao thừa”.

Ngày kia, bố đun ấm nước từ 4h sáng, gọi mẹ dậy và giục mẹ đánh răng rửa mặt, vì “hôm nay mùng 1 Tết rồi đấy”.

Ngày hôm sau, bố xắm nắm cất gọn tất cả quần áo phơi trên chiếc giá ngoài sân, kéo cái chậu cảnh vào một góc, dựng chiếc xe đạp gọn lại. Mẹ hỏi thì bố trả lời rõ ràng: “Dọn chỗ rộng rãi tí nữa vợ chồng con nó về ăn Tết, nay 30 rồi còn gì nữa”.

Ngày hôm sau nữa, bố lại dậy từ 2h sáng, lục tìm trong ngăn tủ lấy ra bộ quần áo đẹp nhất, chiếc cà vạt đỏ rực rỡ thắt trên áo sơ mi trắng tinh. Mẹ bảo trông bố như thanh niên vậy. Mẹ hỏi, bố thản nhiên trả lời: “Thì ngày mùng 1 Tết, bà cũng phải để cho tôi được ăn mặc tươm tất tí chứ”.

Ngày…, bố bắt đầu cáu với mẹ: “Sao ngày nào bà cũng bảo tôi là hôm nay ngày 24 thế, Tết rồi còn gì”.

Bố bây giờ là thế, chẳng định hướng rõ ngày, đêm, thời gian với bố là sự sắp đặt của riêng mình, không phụ thuộc những con số trên chiếc kim đồng hồ treo tường.

Bố thường lên giường ngủ từ 6h tối, rồi có những ngày bật dậy từ 1-2h sáng, mở cửa, pha trà, ngồi uống nước một mình và đinh ninh rằng trời đã sáng từ lâu. Có lẽ cũng vì đi ngủ từ sớm mà bố phải thức dậy như thế đến 2-3 lần mới hết một đêm.

Những ngày Tết, mọi cảm xúc đều nhạt nhòa, chỉ thấy hình ảnh của bố là hiển hiện rõ mồn một. Bố của ngày Tết năm ngoái và bố của ngày Tết năm nay, chỉ mấy trăm ngày trôi qua thôi mà con cảm nhận thời gian nghiệt ngã quá.

Sau trận tai biến lần thứ ba hồi đầu năm ngoái, rồi mẹ đếm từng chu kỳ bố bị co giật do di chứng để lại, nửa năm đầu là vài tháng một lần, đến bốn tháng gần đây thì cứ 18-20 ngày bố lại bị một cơn co giật như thế hành hạ. Vợ con xót xa, sốt ruột, nhưng rồi cũng phải tập quen với những chu kỳ như thế và nghe theo lời khuyên của bác sỹ “sống chung với lũ”, vững vàng để giúp bố vượt qua.

Tai bố dần nặng đi, đôi mắt không còn tinh anh như trước, chân tay thì run rẩy suốt cả ngày. Cả nhà sốt sắng đưa bố đi viện nọ viện kia, mời bác sỹ chăm sóc tại nhà hàng năm trời, nhưng di chứng của tai biến đã khiến một phần mô não của bố không thể phục hồi. Bác sỹ bảo trong phim chiếu chụp, phần mô não đã trắng bằng quả trứng gà rồi. Có lẽ nơi đó là những dây thần kinh quan trọng nên bố đã chẳng còn được như Tết năm trước nữa…

Ngày bố còn khỏe, thấy con làm nghề báo cứ rong ruổi suốt ngày, đêm hôm lọ mọ làm việc, bố thương và xót lắm. Bố bảo “sao lại chọn cái nghề vất vả”, nhưng con đã thuyết phục bố bằng niềm đam mê của chính mình, bằng những nụ cười rạng rỡ khi trở về nhà. Lòng bố cũng yên tâm phần nào khi thấy con đã sống tốt.

Cố gắng bao năm, miệt mài đêm hôm với những đồng nhuận bút ít ỏi, năng nhặt chặt bị cũng đến một ngày con mua được căn nhà nho nhỏ ở Thủ đô như mơ ước cùng với sự trợ giúp nhiệt tình của hai bên gia đình, anh chị em nội ngoại. Bố ra chơi, mừng ra mặt. Con cũng cảm thấy nhẹ lòng vì đã có câu trả lời tốt đẹp cho bố mẹ về con đường mà con đã tự lựa chọn. Chỉ tiếc là sau ngày về nhà mới, con mong đón bố mẹ ra chơi thêm một ngày giờ cũng khó vì bệnh của bố chẳng cho phép đi xa được, lại phải luôn có mẹ ở bên.

Rồi nghe tin con có bầu sau hơn hai năm đám cưới, bố vui lắm. Hồi con mới có bầu, bố còn khỏe, bố bảo khi nào sinh em bé về bố trông nom cho mà yên tâm đi làm. Thế mà đến bây giờ, cháu sắp chào đời, mẹ phải ngày đêm trông nom bố. Vắng mẹ chỉ một vài tiếng, bố đã thấy lòng hoang mang như đứa trẻ bị bỏ rơi một mình. Con không sợ thiếu người chăm sóc con cho mình, nhưng lại thấy buồn vì sức khỏe đã không để bố làm những việc hết sức bình thường như một lời hứa.

Từ ngày rời xa gia đình đi học đại học cho đến lúc lấy chồng, con vẫn luôn cố gắng sắp xếp việc học tập và công việc một cách hợp lý để về ăn cơm với bố mẹ vào dịp cuối tuần. Mỗi lần thấy con gọi điện là bố vui lắm, hôm con về bố sẽ cắm cơm từ rất sớm để chờ… Nhưng khi bắt đầu có cháu Bin trong bụng, thời gian về thăm bố mẹ bị hạn chế, chiếc camera trở thành “vị cứu tinh” để mỗi ngày con được nhìn thấy bố gần hơn.

Sau hai lần tai biến, bố vẫn khỏe, vẫn túc tắc đi lại, vẫn đạp xe đạp thể dục mỗi buổi chiều, vẫn đi chợ, nấu những món ăn bố thích, vẫn minh mẫn như chưa có sự gì xảy ra.

Nhưng đến lần thứ ba, sức khỏe của bố khác hẳn. Bây giờ, bố chỉ làm bạn với chiếc bàn đá ngoài sân mỗi ngày, xe đạp giờ bố không thể đi được nữa chỉ lau chùi rồi dựng đấy, vì ai cũng lo cơn co giật sẽ khiến bố gặp những điều không may mắn.

Bố ở nhà, đi ra đi vào từ giường ra đến cổng, xa nhất là cái vườn nhỏ xinh của mẹ trước cửa nhà rồi lại đi vào bàn đá. Công việc hằng ngày của bố là lau bàn uống nước, pha chè, vuốt ve mấy bộ quần áo phơi trên dây rồi lại ngồi vào bàn đá.

Bố không còn để tâm được đến mọi thứ xung quanh nhiều được nữa. Hôm trước con rể về, ăn cơm với bố một bữa và nói chuyện rất vui, thế mà hôm sau bố đã hỏi mẹ: “Sao chưa thấy thằng Dương – con rể út, nó về”.

Những ngày Tết, con lại càng thấy nhớ bố của ngày xưa, lúc nào cũng lo lắng và thương vợ thương con.

Tuổi trẻ, bố vẫn luôn tự hào vì đôi chân đã đi khắp ba nước Đông Dương những ngày còn cống hiến trong lực lượng công an. Bố tham gia vào đội công tác đặc biệt với những nhiệm vụ đặc biệt. Thời cuối những năm chống Mỹ cứu nước, bố đi về hai miền Bắc Nam chẳng ngại chi sống chết. Có lần gặp địch phục kích, thả bom, đội làm nhiệm vụ đặc biệt của bố chỉ cách sự sống và cái chết có một cây cầu. Nhưng bố vẫn vượt qua tất cả khó khăn và hiểm nguy để trở về với mẹ và 4 đứa con nơi quê nhà.

Bố về hưu non vì thương vợ con ở nhà vất vả. Bao nhiêu năm xe đưa xe đón, đến lúc về quê, bố lại trở thành anh nông dân thứ thiệt, không ngại bất cứ công việc đồng áng nào. Bố đã truyền cho các con của bố về đạo đức và lối sống thanh liêm, đứng đắn như chính dòng máu cách mạng đang chảy trong con người bố.

Cuộc sống vất vả cứ thế trôi đi, các con lớn dần lên, trưởng thành và vững vàng trong cuộc sống. Bố giờ lại quay về với tâm hồn như một đứa trẻ, mỗi ngày đều mong ngóng các con, lo những điều vu vơ. Bố bảo: “Tết phải có chúng nó về quây quần mới là Tết”. Ấy là lúc hiếm hoi bố minh mẫn và nói những câu chuyện đời thường.

Bây giờ, bố chẳng nói gì, chỉ ngồi im lặng bên chiếc bàn đá. Có lúc bố tâm sự với mẹ: “Tôi chỉ sợ nói điều gì cũng sai vì lẫn”. Con nghe mẹ kể lại cũng thấy quặn lòng…

Những ngày này của các năm trước, bố sẽ không xẩm nẩm ngồi lo nghĩ về ngày mùng 1 Tết hay đêm 30 với khoảng thời gian lộn xộn. Bố sẽ bận rộn và vui vẻ lắm vì là thành viên trong ban khánh tiết của họ, lo ngày chạp họ thật tươm tất cho mọi người, rồi quần áo chỉnh tề đi gặp mặt hội công an hưu dịp cuối năm. Bố sẽ làm mâm cúng ông Công ông Táo chu đáo, lại tìm mối ăn đụng lợn, mua gà, dọn bàn thờ tươm tất để chuẩn bị một cái Tết đủ đầy đón các con các cháu…

Bố sẽ đi xe máy cho thằng cháu dạo chơi quanh làng, sẽ hỏi han và mua sắm cho nó những gì mà nó thích. Bố sẽ lên xã, lên huyện gặp lại những người đồng đội cũ hay trong câu lạc bộ hưu trí và hào hứng với hàng nghìn những câu chuyện xông pha của thời tuổi trẻ cống hiến vì nước, vì dân. Những lúc đó, con thấy cả mùa xuân trong ánh mắt và những câu chuyện của bố.

Bây giờ, bố khác xưa nhiều lắm. Thương bố, nhưng chúng con cũng chỉ biết sống một cuộc đời tốt đẹp và tử tế như bố mẹ đã sống, để trả ơn công sinh thành nuôi dưỡng. Nghĩ về bố là sống mũi lại cay vì tuổi của bố còn quá trẻ, nhưng con an ủi lòng mình rằng cuộc đời mỗi người đều có số mệnh riêng, dù đi con đường nào cũng sẽ dẫn con người ta về đúng với số mệnh của mình. Coi như, những điều đang diễn ra là số mệnh của bố.

Bố khỏe mạnh ngày nào, chúng con biết ơn cuộc đời ngày ấy!

Trên trán bố và đuôi mắt mẹ bây giờ đã có nhiều nếp nhăn. Đó là những vui buồn của hơn nửa đời người vất vả lo toan. Có nếp nhăn là ngày các con chào đời, có nếp nhăn là ngày chị cả lấy chồng, anh trai lấy vợ, con gái út lên xe hoa, có nếp nhăn ghi dấu ngày con trượt đại học, vỡ òa những tiếc nuối bên bố mẹ, có nếp nhăn đánh dấu ngày thằng cháu đích tôn đến với cuộc đời, có cả những nếp nhăn của bao lo toan gia đình một đời vất vả và trong đó có nếp nhăn ghi dấu ngày đầu bố nhập viện, bắt đầu những ngày tháng khác với ngày xưa…

Những nếp nhăn nông sâu khác nhau, là những dấu ấn thăng trầm mà bố mẹ đã trải qua. Tất cả đều đáng quý, đáng trân trọng vô cùng vì đó là một cuộc đời đáng tự hào mà bố mẹ đã sống.

Tết nay đã đến thật rồi, bố nhỉ? Các con cháu về vui vẻ đông đủ bên bố mẹ. Chắc từ ngày mai bố sẽ không còn thấp thỏm dậy sớm lo mùng 1 Tết nữa, cũng không còn trông ngóng đêm 30 như mọi hôm.

Năm nay, con cũng mong Tết đến thật nhanh, để bố không còn phải chờ đợi, hỏi han nữa, để bố yên lòng khi thấy Tết về bằng niềm vui sum họp gia đình và cũng là cầu mong một năm mới sức khỏe của bố sẽ khá hơn. Con mong bố sẽ khỏe mạnh và lại minh mẫn như xưa, lại chăm lo và hỏi han từng đứa con, đứa cháu như ngày nào chứ không chờ các con hỏi han mình và quên quên nhớ nhớ…

Con chẳng cầu mong gì ngoài sức khỏe cho bố mẹ và người thân trong gia đình. Bởi với con bây giờ, điều đáng sợ nhất không phải là khó khăn hay nghèo khổ mà là một ngày nào đó bố mẹ sẽ không còn ở trên đời này nữa. Biết rằng, cát bụi rồi cũng đến lúc phải trở về cát bụi, trần gian này chỉ là cõi tạm mà thôi nhưng cứ mong ước bố mẹ ở bên chúng con lâu dài mãi mãi!

Tết này với con chỉ thấy nỗi nhớ và thương bố thật nhiều!

Dương Thu

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.