Bất cứ ai đi xa cũng muốn được trở về, đặc biệt hơn những ngày Tết đến, Xuân về, những người con xa quê càng nhớ mùi vị quê nhà. Nhớ mùi vị đồng ruộng, nhớ phiên chợ quê ngày cuối năm, nhớ khoảnh khắc được cùng cả gia đình quây quần gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết,... Hình ảnh Tết quê hương bình dị đó luôn là nỗi nhớ cháy bỏng và da diết trong lòng những người con tha phương.
Vì những lý do khác nhau mà họ đành phải ăn Tết xa nhà. Tuy vậy, ai cũng cố gắng chuẩn bị cho mình và gia đình một cái Tết tươm tất, đủ đầy, chuẩn hương vị Tết quê hương.
Đây là năm thứ 5 gia đình anh Nguyễn Đình Minh, trú xã Xuân Hoà, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đón Tết xa nhà. Tết đến luôn là khoảng thời gian có ý nghĩa nhất trong năm. Bởi đây là dịp để mọi người quây quần bên gia đình, người thân. Thế nhưng, đối với những người con xa xứ như vợ chồng anh Minh, Tết lại là nỗi nhớ con cái và gia đình da diết.
“Ở bên này, ngày Tết, vợ chồng tôi sẽ cùng những bạn Việt ở Hàn Quốc tự tay ngâm gạo nếp, rửa lá chuối để gói bánh chưng hay trang trí nhà cửa đậm chất Tết Việt. Mặc dù xa quê song chúng tôi vẫn giữ phong tục của cha ông chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất vào năm mới. Vì cuộc sống nên vợ chồng tôi phải chọn gửi con về cho ông bà chăm sóc và sang đây làm việc. Tết đến lại càng nhớ con, nhớ bố mẹ,… Hai vợ chồng đang cố gắng thu xếp sang năm về đón Tết cùng với con gái và bố mẹ”, anh Minh chia sẻ.
Vào những ngày tết cổ truyền, anh Lương, quê ở Quảng Trị cùng với mấy người Việt cùng nhau đón Tết ở Hàn Quốc. "Vì nhớ hương vị quê Hương nên năm nào chúng tôi cùng nhau chuẩn bị đầy đủ bánh chưng, giò lụa, chả quế… Đây là năm thứ 6 tôi đón Tết ở Hàn Quốc. Năm nào cũng vậy, Tết đến trong tôi lại chất chứa bao nỗi niềm. Nỗi nhớ bố mẹ, gia đình luôn da diết. Tết trong tôi là những ngày được cùng mẹ đi chợ mua sắm đồ Tết, nụ cười hạnh phúc của bố khi lựa chọn được nhành đào, cây quất ưng ý. Gia đình cùng nhau ăn bữa cơm tất niên của chiều 30 Tết và cùng nhau đón Giao thừa. Tôi thèm một cái Tết trọn vẹn bên gia đình ”, anh Lương tâm sự.
Tha hương cũng đón Tết nhưng cái Tết đó không trọn vẹn. Họ vẫn nở nụ cười thật tươi trên môi mà vẫn thấp thoáng đâu đó trên khuôn mặt nỗi buồn, nôn nao và nỗi nhớ nhung gia đình. Với mong muốn gìn giữ những truyền thống của người Việt khi Tết đến, Xuân về, nên mặc dù khá bận rộn những chị Nguyễn Thị Mai, quê ở Nghệ An, đang làm việc ở Nhật Bản vẫn tranh thủ thời gian trang trí mâm cỗ ngày Tết.
“Bản thân tôi luôn tìm cách để tận hưởng ngày Tết truyền thống theo cách riêng của mình. May mắn, ở đây còn có những người bạn ở Việt Nam sinh sống và làm việc. Chúng tôi cùng nhau đón Tết cổ truyền. Mặc dù, công việc bận rộn nhưng chúng tôi vẫn hẹn nhau cũng làm một bữa tiệc chúc mừng năm mới cho đỡ nhớ nhà. Chúng tôi tha hương cũng chỉ mong công việc ổn định, thu nhập ổn định để gia đình có cuộc sống ấm no hơn. Tết Nguyên đán luôn mang lại cho tôi cảm giác bồi hồi và đầy hy vọng”, chị Mai chia sẻ.
Có lẽ, trong tâm thức của mỗi người con xa xứ, Tết Cổ truyền luôn mang lại những dấu ấn đặc biệt. Họ vẫn đang miệt mài với gánh mưu sinh trong nỗi nhớ nhà, nhớ người thân và nhớ Tết quê hương với hy vọng về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Có thể thấy, mỗi người con Việt dù ở đâu, làm gì cũng đều mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn. Họ luôn quý trọng những giá trị truyền thống và lưu giữ những điều tốt đẹp này đến thế hệ mai sau.