Tết tuổi thơ trong ký ức cư dân mạng

Tết tuổi thơ trong ký ức cư dân mạng

Thứ 5, 27/12/2012 23:56

Dù ít dù nhiều, trong ký ức mỗi người vẫn luôn ghi nhớ những kỷ niệm về cái Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Trong không khí đón Tết náo nức, những kỷ niệm thời thơ ấu lại trở về và trở thành chủ đề quen thuộc bên mỗi ly café, tách trà. Các cư dân mạng cũng có những cách riêng để chia sẻ câu chuyện của mình.

Trên các diễn đàn mạng, chủ đề về Tết cổ truyền thu hút sự quan tâm của rất nhiều thành viên. Mỗi người một câu chuyện, mỗi người một cảm xúc khác nhau khiến không khí tết trên mạng càng trở nên rạo rực.

Một số bạn chia sẻ thích tết vì được nghỉ ngơi, tự tay nấu những món ngon mang hương vị ngày tết. Một số bạn lại chia sẻ không thích hương vị ngày tết bằng thời thơ ấu vì cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, con người bận rộn hơn nên không còn những đêm nấu bánh chưng như thuở nào, không còn ngửi mùi khói pháo, không còn tập trung mọi người nấu nướng chuẩn bị đón tất niên mà đặt cỗ cho nhanh... Đa phần các bạn đều đồng ý rằng cái Tết ngày xưa trong tâm thức thiếu thốn hơn nhưng cảm giác vui hơn, háo hức hơn.

“Mình là 8x đời cuối, nhưng không vì thế mà mình quên những kí ức về tết ngày xưa. Mình còn nhớ cứ mỗi khi Tết đến, bố mình lại mua về 3 loại pháo: 1 là các băng pháo đùng to bằng cục pin, 2 là pháo tép, mỗi viên băng bé xíu và cuối cùng là pháo cây, mỗi khi bóp vào đầu và châm lửa là nó phụt phụt ra. Ngày tết, trước cửa mỗi nhà đều căng 1 sợi dây để treo pháo. Nhà mình ở trong ngõ nhỏ, nên người ta căng dây cho cả ngõ luôn. Trước cửa mỗi nhà đều có 1 dây pháo đùng. Còn pháo tép cho trẻ con đốt nghịch thôi. Không khí tết ngày xưa nó đúng là Tết hơn. Trẻ con ai cũng háo hức, và đúng là càng lớn thì cảm giác về Tết càng phai nhạt dần.

Có duy một điều mình thấy vẫn thế đó là, Tết thì ở Hà Nội vắng vẻ đi nhiều, và lúc đó mới thấy Hà Nội đẹp đẹp, không xô bồ, ồn ã như ngày thường. Lúc đấy mới thấy Hà Nội là của mình” - Vietnguyenduc162.

“Ôi, thế là lại sắp đến tết, lại cái cảm giác đấy, nhớ năm ngoái đi xem pháo hoa còn chả vui được trọn vẹn, cứ lẩm nhẩm nhỡ năm sau không đỗ đại học có phải là mình buồn lắm không, giờ thì khác rồi.

Thích nhất ở tết, đó là những người ở xa đáp máy bay về Việt Nam ăn tết, thấy vui lắm lắm lắm. Thích lắm những khi nghe câu nói: "Tết này bác về con ạ"... "Có, anh sẽ tranh thủ về mấy ngày hưởng cái tết Hà Nội"...

Tết đến mình lại lục đục cắt cắt dán dán, hình như mỗi năm mình làm cho một người, năm nay cũng thế. Mình có thói quen viết những cái gì chưa đạt được ở năm cũ, cái gì mình không thích ở năm cũ vào giấy, rồi đến gần giao thừa thì đốt đi cho nó xả giận vì chưa làm trọn vẹn được việc gì”, bạn Jennie viết.

Sự kiện - Tết tuổi thơ trong ký ức cư dân mạng

“28-29 tết, khoảnh khắc chuyển giao này tự nhiên lại thấy lòng xốn xang. Giờ này năm ngoái còn lang thang ngoài chợ hoa, giờ này đắm mình trong đống số liệu. 8 giờ tối về đến nhà. Mẹ cười "về sớm vậy con, đi chợ không?". Té ra chỉ cần về sớm hơn ngày thường 2 tiếng. Đi chợ, nghe thoang thoảng đâu đây mùi trầm, mùi hoa, mùi bánh, hình như cũng không phải nữa, nhưng nó cứ làm mình nôn nao. Trước mùi của tết, ai cũng thấy mình như nhỏ lại, lòng thanh thản và đằm thắm ra. Mệt mỏi của hôm qua cũng gác qua, chán chường của hôm qua cũng chỉ còn là một chút dư âm xa xôi, tôi tự cho mình cái quyền được mơ ước, được cầu mong cho một năm mới đầy những tốt lành” – Nguyenvoha

Bạn Minhtrietarch nhớ lại: “Cái tết ngày xưa vang lên bởi tiếng pháo, âm ỉ một niềm vui bởi không khí gói bánh, bắc bếp luộc bánh ròi vớt bánh, càng đặc biệt hơn khi thời tiết lạnh, mấy anh em cùng papa mama quây quanh bếp, đứa thì vùi khoai đứa chăm chăm chiếc bánh trưng bé mama gói riêng, papa thì lo châm nước, rồi hương lá mùi tắm để đón giao thừa. Thời khắc giao thừa, đứng dưới mưa xuân nhìn ngược lên ánh đèn đường, le lói lên là những búp non đầu cành ...

Lớn lên một chút là những năm học cấp 3, rồi đại học, tưởng chừng như không khí tết đã nguội dần vì không còn cái thú ngồi bên bếp luộc bánh, không còn vang lên tiếng pháo, lá mùi chả buồn tắm... Bây giờ thì khác rồi, không khí tết đã dần trở lại trong tôi, khi mà cái tết dần dần là trách nhiệm của mình, lo tiền sắm tết, mua đồ cho tết, dọn nhà đón tết, mama có tuổi rồi nhưng vẫn luộc bánh đón tết, cái không khí chuẩn bị cho tết thực sự mệt hơn xưa nhưng lại có ý nghĩa hơn xưa.

Chúng ta là thanh niên thế hệ mới, tùy từng giai đoạn của cuộc đời nhưng hãy chung tay giữ gìn phong tục tết cổ truyền đất bắc nha!!!

Trên diễn đàn Webtretho, rất nhiều topic với chủ đề hồi tưởng về tết cũng rất “xôm tụ”.

Hồi nhỏ ở dưới quê mỗi lần Tết đến là mình mừng lắm, không khí thật vui, gió chướng thổi mát rượi, nhà ai cũng được dọn dẹp sạch sẻ, mùng chiếu, áo quần, chén bát phải sạch sẽ hoàn tất như trút hết những ưu phiền, lo âu mệt nhọc của năm cũ, bắt đầu năm mới với những thuận lợi, phát tài, vui sướng, không còn lo toan... Chiều 30 Tết tất cả phải xong đâu vào đấy! Mùng 1 Tết chỉ việc ăn chơi, không phải bắt tay vào làm việc gì, để sang năm mới không phải cực khổ, không quét nhà đến hết ngày mùng 3 Tết. Con nít chiều 30 Tết được tắm gội sạch sẽ, mặt bộ quần áo mới may, còn thơm mùi vãi mới, trong lòng cứ nôn nao, vui sướng... Hồi ấy dưới quê mình chưa có tục lì xì nhiều như thời gian này” – nickname Thúy Kiều nhớ lại.

Còn với bạn Ánh Dương, mỗi lần tết đến, thành viên này lại nhớ đến người cha đã mất: “Mình thích ngày tết xưa: bố mình chẻ lạt, mẹ gói bánh, chị em mình chỉ cắt lá theo chỉ dẫn của mẹ, bố siết lạt và xếp vào nồi luộc, ép. Tuy bận rộn và mệt nhưng rất vui. Cả nhà xúm xít bên nhau chờ nồi bánh và nghe bài Xuân này con không về; mẹ mình lại chấm nước mắt vì anh trai học ở Hà Nội không về được. Cái mùi pháo, cái không khí của các hàng dưa hấu ở công viên đối diện nhà mới nhộn nhịp làm sao. Rồi cùng mẹ đi mua mai ở đường Châu Văn Liêm. ...

Tất cả đã là quá khứ, nhớ tới đấy là mình nhớ tới bố mình, sau khi bố mất mình phát hiện ra mình yêu quý bố hơn mình nghĩ”.

Bạn T.Cúc, sinh viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng rất háo hức với cái tết đầu tiên của một tân sinh viên: “Xa nhà, xa quê 5 tháng, Tết là dịp để đoàn tụ với gia đình, bạn bè tôi ai cũng hào hứng, mong mỏi, đợi chờ. Có những bạn 1 năm về quê 2 lần vì phương tiện giao thông, đường xá xa xôi, mọi người ai háo hức lắm chứ! năm nay sang tuổi 19, đặc biệt đây là năm đánh dấu tôi đã lớn, chính thức sống độc lập chứng tỏ bản lĩnh của mình tôi lại mong ngày ấy tới gần hơn. Ngày Tết tới gần, lòng tôi lại háo hức hơn, khắp nẻo đường nào đào, quất nở nụ cười khoe sắc thắm. Trên đường đã xuất hiện cơn mưa phùn, mùa xuân đã đến. Mùa xuân đến đánh thức trong ta những âm thanh vang động, những màu sắc lộng lẫy, hương vị ngọt ngào, gieo vào lòng ta những thoáng dao động mơ màng gợi cho ta những suy ngẫm về cuộc sống, về ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Với sinh viên, sau những giờ học căng thẳng của cuộc sống giảng đường, nay trở về nhà ăn Tết, được quây quần cùng gia đình, được vui chơi cùng bạn bè là một cách thư thái tốt nhất. Để rồi sau khi ra Tết lại bắt đầu những dự định mới, những hoài bão mới cho tương lai của chính họ và cho đất nước.”

Những kỉ niệm ngày Tết gắn liền với tình cảm gia đình, với những người thân, tràn ngập tình yêu thương. Vì thế, đó là những kỉ niệm hạnh phúc và khó quên nhất. Dòng cảm xúc về tết của các cư dân mạng càng kéo dài hơn trong không khí chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Hải Anh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.