Tết và ước mơ về một bữa cơm đoàn viên

Tết và ước mơ về một bữa cơm đoàn viên

Tôn Đức Vỹ

Tôn Đức Vỹ

Thứ 5, 07/02/2019 20:41

Nhắc đến Tết, người ta thường nghĩ về người con xa quê được trở về nhà, về những bữa cơm sum họp buổi chiều 30, về những tối ngồi nướng khoai trông nồi bánh chưng…Thế nhưng, với một số đứa trẻ, Tết lại là nỗi buồn tới cô quạnh khi gia đình chẳng còn đủ đầy.

Như thường lệ, cứ vào dịp Tết đến xuân về, bố mẹ của mấy đứa cháu tôi và cũng như bao người khác nơi vùng quê nhỏ ngay gần Thủ đô lại chuẩn bị đi làm ăn xa. Nghe có vẻ hơi trái ngược nhưng đó lại là sự thật vì theo như lời mọi người kể lại là “kiếm tiền vào dịp này được nhiều lắm”.

Đồ nghề chẳng có gì khác ngoài những chùm bóng bay đủ hình con thú, vài món đồ chơi và que kẹo bông dùng để rao bán vào những ngày Tết  và các ngày lễ. Những ai đi buôn bán xa thì cứ sau 23 Tết là lên đường. Còn ai sợ nhà trống vắng, các con bơ vơ, bàn thờ không ai nhang khói thì chỉ lựa bán vào lúc giao thừa. Có nhà chỉ mình chồng đi, có nhà thì cả vợ, thậm chí lôi cả con cái lớn đi cùng để tiện phụ việc.

Và cứ thế, khi đường phố mọi nơi tấp nập người đi du xuân, lễ chùa thì quê tôi lại vắng vẻ, thường chỉ còn lại người già và trẻ con.

Cafe8 - Tết và ước mơ về một bữa cơm đoàn viên

Tết là thời gian cả gia đình được đoàn tụ, sum vầy. Ảnh minh họa.

Có hôm tới chúc Tết nhà chú, tôi gặp hai đứa cháu đang ngồi ăn cùng ông bà nội. Mặt đứa lớn buồn thiu, đứa nhỏ thì hồn nhiên một tay cầm súng bắn nước, một tay cầm đùi gà nhấm nháp. Mâm cơm có đĩa thịt gà, bát dưa hành, bát thịt đông và đĩa bánh chưng.

Thấy có người đến chơi, mấy đứa bé hớn hở ra mặt. Chúng thi nhau kể khổ về bữa cơm tất niên chuẩn bị một mâm đầy rồi chẳng ai muốn ăn hay khoảnh khắc kim đồng hồ điểm 12h thì nhìn nhau chỉ chực khóc vì tủi thân. 28 Tết, bố mẹ chúng nó đã khăn gói lên đường vào tận trong Nam. Nghe đâu, phải đến tháng 4-5 mới về.

Ngồi cạnh tôi, đứa lớn học lớp 8 thủ thỉ: “Năm nào cũng như năm nào dì ơi, bố mẹ cháu kiếm được nhiều tiền, làm được nhà to nhưng nhìn gia đình bên cạnh mà thèm. Tết cháu chẳng cần quần áo mới, cháu chỉ ước được một lần ăn cơm có đầy đủ bố mẹ thôi”.

Vừa nói, mắt con bé lại rưng rưng. Tôi chẳng tưởng tượng nổi những lời nói như bà cụ non kia lại được thốt ra từ một đứa trẻ mới 14 tuổi. Hóa ra, trước đây thì bố nó đi bán bóng bay một mình. Vắng bố thì còn có mẹ ở nhà. Từ khi nó vào học lớp 3, biết trông nom em nhỏ là cả mẹ nó cũng đi theo để tăng thu nhập.

Thế là, em trai bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm nó phải vừa làm chị, vừa thay bố mẹ cáng đáng việc nhà. Nhìn sang thằng cu bé mới 5 tuổi vẫn hồn nhiên vui đùa với chiếc mặt nạ siêu nhân mà tôi không khỏi chạnh lòng.

Cafe8 - Tết và ước mơ về một bữa cơm đoàn viên (Hình 2).

Với nhiều người, Tết chỉ là ước mong về một bữa cơm đoàn viên.

Nghe đến đây, bà nội cháu tôi phân trần: “Buồn lắm cô ạ, Tết đến nhìn mấy đứa cháu thui thủi một mình mà thương. Nhưng nếu bố mẹ cháu không đi làm ăn thì tiền đâu nuôi chúng nó ăn học. Đồng ruộng cày cấy chẳng được là bao, chỉ vài năm nay còn có đồng ra đồng vào. Thôi thì, hè bố mẹ cháu lại về”.

Chia tay hai đứa nhỏ để tiếp tục đến thăm những gia đình khác trong dòng họ, tôi nghĩ đến câu nói người ta vẫn hay truyền tai nhau khi Tết đến: “Mùng 1 Tết mới chuẩn là của Hà Nội”. Nhưng hóa ra, Hà Nội chỉ có sáng mùng 1 Tết là phố xá vắng vẻ thôi, còn quê tôi thì vắng nguyên 7 ngày.
Không biết đến bao giờ, những người con quê nghèo sẽ chẳng phải chọn Tết để đi kiếm thu nhập cho cả năm. Và càng không biết sẽ còn bao nhiêu cái Tết trẻ con quê tôi không phải mơ ước về một bữa cơm sum vầy.


Nguyễn Phượng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.