Nhớ Tết xưa
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn tại thành phố Hải Phòng. Đối với tôi, đó là một ân huệ, bởi mảnh đất này đã cho tôi một tuổi thơ không thể tuyệt vời hơn với con trâu, cánh đồng, cánh diều, ao cá… Tuyệt hơn nữa, được sinh ra ở nông thôn có nghĩa là tôi luôn được đón một cái Tết đậm dư vị truyền thống mà tôi cá là nhiều đứa trẻ thành phố cùng trang lứa hiếm có được.
Tôi còn nhớ, cứ mỗi khi công việc cấy cày vụ mùa đông xuân của bố mẹ xong xuôi, cũng là lúc trời bắt đầu chuyển mình từ tiết đông lạnh giá sang kiểu trời lắc rắc mưa phùn, một thứ không gian ấm áp, nồm ẩm. Cũng chính khi đó, tôi tự nhủ với lòng rằng “Mùa xuân đã về rồi đấy, Tết cũng đã đến rất gần rồi!”.
Vào khoảng thời gian ấy, ngoài công việc đồng áng của bố, tôi còn được phụ mẹ bán hàng ở chợ. Mẹ tôi bán muối. Dân gian ta có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, với niềm tin rằng mua vôi vào dịp cuối năm là để xây nhà, ăn trầu. Còn muối, mua đầu năm là để cho mặn mòi, đậm đà trong các mối quan hệ gia đình, làm ăn.
Nhưng không phải vì thế mà mẹ tôi “ế hàng” vào dịp cuối năm. Quầy hàng của bà ở phiên chợ quê luôn rất đông khách, bởi khách mua trước vào dịp cuối năm để đầu năm mới có sẵn muối dùng luôn. Hơn nữa, trong những bữa cơm gia đình đầu năm, không thể nào không dùng muối, mắm để làm gia vị.
Do đó, Tết đối với tôi là những ngày bận bịu phụ giúp bố mẹ chuyện đồng áng và chợ búa. Dù lúc nào cũng bận bịu nhưng tôi chưa khi nào cảm thấy khó chịu hay mệt mỏi, vì chính những việc đó khiến tôi cảm thấy không khí Tết, rằng một năm mới đang đến gần hơn lúc nào hết.
Nếu những ngày giáp Tết mà không bận bịu, không thấy cảnh người chen người sát sạt nhau trong những phiên chợ Tết, thì tôi nghĩ rằng Tết vẫn còn ở đâu đó xa xôi.
Tết đến, con đường nhỏ dẫn tới khu chợ quê nơi tôi ở lúc nào cũng ken kín kẻ mua người bán, hàng hóa và xe pháo cùng tiếng cười nói hàn huyên. Dù tắc đường nhưng không ai lấy đó làm mệt mỏi, vì ở quê, có mấy khi được chứng kiến cảnh tắc đường. Thay vào đó, ai cũng hồ hởi, phấn khởi và tâm đắc với những thức quà, bó hoa, tấm quả vừa mua được trên tay.
Chợ Tết là nơi tấp nập nhất, có nhiều mặt hàng nhất, và cũng là lúc cả người mua và người bán đều “dễ tính” nhất. Người mua sẵn sàng chi thêm một chút, người bán đồng ý hạ giá một chút, cả hai bên ai nấy đều vui vẻ bán mua.
Những mặt hàng tốt nhất sẽ được bày bán vào thời điểm này, bởi tâm lý khách hàng lúc nào cũng muốn mua đồ “xịn” về để dùng vào dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Thậm chí, từ trong năm, mẹ tôi còn giành những bao muối trắng, sạch và khô nhất để bán cho khách vào dịp Tết, mong muốn người mua hàng sẽ có một năm may mắn và hanh thông trong mọi việc. Bản thân bà tin rằng niềm vui của người mua cũng là may mắn mang lại cho chính người bán.
Mỗi lần ra chợ Tết, ngoài việc phụ mẹ, tôi còn được bà tin tưởng giao cho nhiệm vụ đi mua trái cây để bày mâm ngũ quả. Đối với mâm ngũ quả của đa phần người dân Bắc Bộ, có lẽ quan trọng nhất là quả bưởi và nải chuối. Nải chuối được lựa chọn phải là nải chuối có màu xanh tươi, quả đều, da căng mịn, còn bưởi phải có da vàng, căng tròn, nếu còn nguyên lá và cuống thì sẽ càng được các bà, các cô chọn nhiều.
Ngoài ra, lựa chọn phật thủ, thanh long, quất, táo, cam… để trang trí thêm vào mâm ngũ quả cũng hết sức được chú ý, luôn phải là những quả thật tươi, thơm và đẹp mắt để dâng lên tiên tổ.
Tết là gia đình
Nói đến Tết, chắc chắn không thể không nói tới bánh chưng. Từ khi còn nhỏ, được nghe câu chuyện về sự tích bánh chưng, bánh giầy, tôi đã có một niềm tin mãnh liệt rằng mỗi chiếc bánh được dâng hương trong ngày Tết đều mang đầy đủ nhất các hương vị của đất trời.
Bên trong lớp vỏ lá dong xanh mượt mà của bánh chưng là miếng bánh mềm dẻo, quyện lẫn mùi bùi của đậu xanh và vị béo, thơm ngon của miếng thịt lợn ba chỉ đã được ninh nhừ. Chiếc bánh chưng chứa đựng không chỉ đơn thuần hương vị của một món ăn mà đó còn là văn hóa, tinh túy của người Việt, tôi luôn tin là vậy.
Nhưng khi còn nhỏ, có lẽ điều khiến tôi thích thú hơn cả là cảm giác được chờ luộc bánh chưng. Đối với tôi, đây là khoảng thời gian thú vị và ý nghĩa nhất của Tết. Để luộc được bánh, bố mẹ tôi phải tích góp củi khô từ nhiều tuần trước, sau đó chồng 3 hàng gạch cao để đặt nồi bánh chưng thật ngay ngắn ở giữa, cho anh em chúng tôi trông nồi bánh qua đêm.
Ngồi bên bếp củi đun nồi bánh nóng giữa tiết trời se lạnh, mặt mũi chúng tôi đứa nào đứa nấy nóng bừng, da nứt nẻ, nhưng trong lòng thì ngập tràn hạnh phúc, ánh mắt ánh lên niềm sung sướng khi nhìn những tia lửa nhỏ lách tách thi thoảng lóe sáng giữa những đốm lửa hồng.
Chúng tôi còn nướng ngô, khoai lang, tranh thủ ăn trong lúc đói để chờ đến lúc trời sáng - lúc bố tôi “thay ca”. Ngồi trong đêm chờ bánh chưng chín chắc chắn là cảm giác ấm áp nhất mà Tết ban tặng cho mỗi đứa trẻ vùng quê như tôi.
Có rất nhiều mùi hương khiến tôi nhớ đến Tết, nhưng có lẽ hương đặc trưng nhất, khiến tôi dễ liên tưởng nhất đến ngày lễ đặc biệt này đó là mùi nhang. Từ những ngày rằm tháng Chạp, đôi khi đang phóng vội xe trên những con phố đông đúc ở Hà Nội, chỉ cần bất chợt ngửi thấy mùi nhang phảng phất đâu đó trong gió rét là tôi đã bất giác mỉm cười nghĩ về Tết. Cái mùi hương ấy dịu và ấm một cách dễ chịu, đưa nhẹ vào cánh mũi khiến bao ký ức ngày Tết thời bé thơ ùa về, làm dậy lên trong lòng tôi một cảm giác nao nao nhớ nhà tới mức khó tả.
Cũng vì thích mùi nhang trầm ấm của ngày Tết nên lúc nào tôi cũng xung phong giúp mẹ làm cơm cúng và thắp nhang cho gia tiên. Cảm giác được chuẩn bị một bữa cơm cúng từ đầu tới cuối giúp tôi hiểu được giá trị của ngày Tết, tình cảm gắn bó giữa gia đình với tiên tổ và sự vất vả của người phụ nữ trong những ngày bận bịu nhất trong năm.
Một mâm cơm cúng có gà, có thịt, có giò chả, một vài ly rượu nhỏ và chút muối, quả trứng luộc… luôn in đậm trong tâm tưởng tôi mỗi khi nghĩ về ngày Tết. Hình ảnh mẹ mặc bộ quần áo nâu cũ nhưng thơm tho, đứng trước bàn thờ và cầu khấn, mong một năm gia đình khỏe mạnh, thuận hòa, lúc nào cũng khiến khóe mắt tôi rưng rưng khi nghĩ rằng không biết mình sẽ được thấy hình ảnh đó thêm bao nhiêu năm nữa…
Ngày Tết cũng là dịp tôi được ở lại cùng gia đình lâu nhất, cũng vì thế mà tôi quan sát được bố mẹ nhiều hơn, cảm nhận được sự già đi trong thấy của hai vị thân sinh sau mỗi năm đi làm xa trở về. Mắt mẹ ngày càng sâu, tóc mẹ bạc ngày càng nhiều, đôi chân của bố thì cứ thế chậm hơn, mắt luôn phải nheo nheo mỗi khi đọc báo, xem thời sự. Tôi tự nhủ với bản thân rằng sẽ dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, sẽ bớt đi chơi vào dịp cuối tuần để về quê sum vầy cùng bố mẹ, anh em.
Tết giúp tôi hiểu và trân trọng khoảng thời gian được ở bên gia đình, được yêu thương và hít hà không khí hạnh phúc mà chỉ có một nơi gọi là “nhà” có được. Chỉ có Tết, tôi mới được tắm, rửa mặt bằng lá mùi già thơm phức mà mẹ nấu, được ăn món giò đậm đà cùng miếng bánh chưng vuông vức mà bố tự tay gói, được uống ly rượu ngô vùng cao mà anh trai đi công tác xa mang về, được chơi đùa cùng các cháu những trò nghịch ngợm mà bản thân đã từng trải quả mười mấy năm trước… Tết với tôi chỉ đến từ những điều giản dị như vậy, chứ chẳng cần điều gì quá cầu kỳ, xa xôi.
Một cái Tết nữa lại đến – một năm mới nữa lại sang. Khi ngồi viết những dòng này, tôi hy vọng rằng bạn đang bận bịu chuẩn bị cho ít giờ nữa để chào đón năm mới thật vui vẻ và bình yên bên gia đình, người thân. Tôi chúc bạn một năm mới thật đủ - đủ sức khỏe, đủ tình yêu, hạnh phúc và thành đạt. Biết đủ, chúng ta sẽ biết trân trọng mọi điều tốt đẹp xung quanh.