> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng
Quanh năm sống trong mùi khét
Xã Văn Môn – một trong 61 làng nghề của Bắc Ninh nằm cách Hà Nội khoảng một tiếng xe chạy. Xã có 5 thôn, trong đó 2 thôn có nghề truyền thống thu gom và tái chế phế liệu. Thôn Quan Độ chuyên sơ chế đồng. Thôn Mẫn Xá chuyên tái chế nhôm.
Nghề đúc nhôm xuất hiện ở đây từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20 và phát triển mạnh trong những năm đầu của thế kỷ 21.
Nghề nhôm phát triển khiến mùi khét trong không khí ngày càng tăng, đặc biệt ở thôn Mẫn Xá. Mùi khó chịu đó bắt nguồn từ việc các xưởng nhôm to nhỏ nằm trong khu dân cư thường xuyên đốt tất cả các phế liệu kim loại cùng với hoá chất để tách lấy nhôm.
“Họ cho các hoá chất tẩy thanh lọc để lấy nhôm nhưng qua bất kỳ chu trình xử lý nào nên khói và bụi xả thẳng vào không khí”, ông Nguyễn Văn Hoà, cán bộ UBND xã Văn Môn và sống sát cạnh thôn Mẫn Xá cho biết. “Trừ dịp lễ hội, ngày nào, họ cũng đốt lò từ sáng sớm đến chiều”.
Mùi khét tạo cảm giác nôn nao của khói phế liệu thậm chí trở thành đặc điểm nhận dạng của thôn. “Đến đâu thấy có mùi khét, đó là thôn Mẫn Xá”, ông Nghiêm Văn Hùng, trưởng thôn Quan Độ cho biết.
Khói thải bốc lên mù mịt từ các lò đốt phế liệu để lấy nhôm tại thôn Văn Môn - Bắc Ninh
Khói xả thẳng vào không khí. Bụi bay khắp mọi nơi. Nước thải và xỉ than đổ vào cống chung của thôn. “Những hôm cô nhôm, tôi bật quạt cũng không thở được. Sáng sớm đến lớp, tôi lau bàn một lớp bụi đen sì”, chị Đào Thị Hoài, giáo viên trường mầm non thôn Mẫn Xá, cho biết: “Chiều về, khe mũi tôi đen sì và xe máy cũng đầy bụi.”
Theo cô giáo có 5 năm kinh nghiệm đứng lớp, do nước ô nhiễm và bụi nhiều nên nhà trường quyết định mua nước để phục vụ sinh hoạt hàng ngày và dụng cụ ăn uống liên tục được luộc sôi.
Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Bắc Ninh 2007 cũng chọn trường mầm non Mẫn Xá là một trong hai điểm đo mức độ ô nhiễm tại đây.
Ô nhiễm vượt quá mức cho phép
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2012 của UBND xã Văn Môn cho thấy toàn xã có 17 hộ đúc nhôm và 200 hộ cô nhôm (chiếm khoảng 11% tổng số hộ dân trong xã), trong đó chủ yếu ở thôn Mẫn Xá. “Khoảng 70 -80% hộ dân ở đây làm nhôm”, ông Hùng cho biết.
Trung bình mỗi ngày làng nghề thải ra 1.500m3 khí thải bao gồm CO, SO2, CO2, NO2 và bụi kim loại, theo một nghiên cứu năm 2008 của Đại học Nông nghiệp. Hậu quả là hàm lượng bụi, SO2 và NO2 đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép (TCCP).
Theo báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Bắc Ninh năm 2012 (Sở Tài nguyên và Môi trường ), ở xã Văn Môn, hàm lượng S02 cao hơn 3,9 lần; hàm lượng NO2 cao hơn 3,8 lần tiêu chuẩn cho phép.
Do các chỉ số trên đều vượt ngưỡng nên mùi khói đó còn át mùi nước thải đen sì của những chiếc cống lộ thiên chạy qua những con đường bê tông thẳng tắp.
Bên cạnh đó, lượng than dùng đúc và cô nhôm chỉ cháy hết khoảng 75% nên xỉ than thải ra khoảng 217,5 tấn/năm, nguy hại trực tiếp tới môi trường đất của xã Văn Môn.
Chuyên gia nghiên cứu ô nhiễm cũng không chịu nổi
Mức độ ô nhiễm nặng và kéo dài trong nhiều năm đã trở thành đề tài nóng, thu hút nhiều đoàn chuyên gia, các nhà khoa học đến nghiên cứu. Song hầu hết các đoàn đều phải giảm bớt thời gian tìm hiểu thực tế tại xưởng nhôm.
“Nhiều đoàn đề nghị tham quan 5 điểm nhưng đi một điểm thì sợ quá vì không chịu nổi mùi khói khét”, ông Hoà nhớ lại: “Một giáo sư có bệnh hen đến đây đã lên cơn”.
Người dân trong xã là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự ô nhiễm của không khí và nước ở đây. “Hàng ngày, có khoảng 4 – 5 ca trẻ đến khám vì bệnh hô hấp”, anh Nguyễn Văn Duy, trạm trưởng trạm y tế xã Văn Môn, cho biết: “Số lượng người lớn bị bệnh hô hấp còn nhiều hơn”.
Đặc biệt, ở thôn Mẫn Xá, tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi mắc bệnh hô hấp chiếm tới 60 – 70% và người lớn khoảng 20%, chị Nguyễn Thị Hải, phụ trách y tế thôn cho biết thêm.
Bản thân trạm trưởng Trạm y tế Văn Môn chưa đến 40 tuổi cũng bị viêm mũi nặng và anh thừa nhận sức khoẻ của mình đang yếu dần do thường xuyên hít khói. “Mức độ bệnh ngày tăng”, người đàn ông gầy gò chia sẻ: “Tôi cảm thấy yếu dần, đi một lúc là thở. Trước kia, tôi có thể chạy và không bị nghẹt mũi nhưng giờ nghẹt mũi luôn”.
Theo Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội