1. Khi trẻ bị sốt có nên tắm không
Nhiều bậc cha mẹ lâu nay vẫn nghĩ rằng khi trẻ bị sốt thì không được tắm, phải kiêng tắm. Đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm và lạc hậu.
Hiện nay, theo các bác sĩ Nhi khoa, trẻ càng sốt cao càng cần phải tắm. Tuy nhiên phải biết tắm cho trẻ đúng cách. Tắm cho bé cũng góp phần làm trẻ hạ sốt, giúp trẻ thoải mái hơn. Mặt khác, trẻ bị sốt thường kèm theo chảy nhiều mồ hôi nên tắm là một cách làm sạch người trẻ, giúp trẻ tránh được những bệnh cơ hội, bội nhiễm. Ngoài việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt cách 4-6 giờ, bố mẹ còn có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách tắm an toàn, đúng kỹ thuật. Việc chăm sóc ban đầu khi trẻ bị sốt rất quan trọng nhưng không phải ông bố, bà mẹ nào cũng biết cách.
>>> Xem thêm:
Tìm hiểu về bé sơ sinh bị viêm phổi
Trẻ sơ sinh bị viêm phổi có tắm được không?
2. Cách tắm đúng cho trẻ khi bị sốt
Không phải cha mẹ nào cũng biết tắm đúng cách cho trẻ khi bị sốt. Cha mẹ cần làm như sau:
- Khi trẻ sốt, cha mẹ hãy cặp nhiệt độ cho trẻ để biết được nhiệt độ cơ thể của trẻ.
- Sau đó đóng hết các cửa phòng cho kín gió và pha nước tắm vào chậu. Nhiệt độ của nước tắm thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ 2 độ và cần phải duy trì nhiệt độ này trong suốt thời gian tắm. Để đảm bảo nhiệt độ nước tốt nhất cha mẹ nên pha nước ấm vừa phải rồi thả nhiệt độ vào nước để kiểm tra. Sau đó tùy chỉnh nóng lạnh cho phù hợp. Ví dụ, trẻ sốt 38 độ thì mẹ pha nước tắm khoảng 36 độ.
- Bạn có thể tắm từ đầu trở xuống và tắm trong khoảng 5 phút. Khi tắm cho trẻ, thao tác cần hết sức nhẹ nhàng, tránh chà sát da gây đau cho trẻ.
- Sau rồi hãy lau thật khô người trẻ và mặc quần áo thông thoáng.
- Sau khi tắm xong không nên cho trẻ ra ngoài trời lạnh ngay, nên để trẻ trong phòng ấm để trẻ thích nghi dần dần.
- Thời điểm thích hợp nhất để tắm là từ 10h-11h hoặc 13h-16h. Vì lúc này là lúc nhiệt độ môi trường cao và thân nhiệt của trẻ ổn định. Không nên tắm lúc trưa vì gần với thời gian ăn, ngủ của trẻ sẽ không tốt.
- Với trẻ sơ sinh, mẹ không nên cho trẻ sử dụng xà bông tăm, các loại xà phòng tắm hay dầu gội dễ gây kích thích da.
Nếu không đảm bảo có thể tắm đúng kỹ thuật nêu trên, thì tốt nhất cha mẹ không nên tắm cho trẻ khi sốt, mà chỉ cần lau người tại các khu vực: nách, cổ, bẹn, tay, chân để hạ sốt cho trẻ. Nhiệt độ nước lau người cho trẻ cũng được pha như nước tắm. Nhưng thay vì tắm toàn thân mẹ chỉ lau nhẹ nhàng ở những vùng nhất định.
Lưu ý, Ngoài ra còn 1 biện pháp nữa mà bác sĩ khuyên nên áp dụng khi trẻ bị sốt là hãy để trẻ nghỉ ngơi vào trong phòng máy lạnh nếu trẻ sốt cao. Hãy đảm bảo nhiệt độ phòng được mát khoảng 26 đến 27 độ ( thấp nhất là 20 độ). Có thể cởi trần trẻ, vì cơ thể trẻ đang sốt cho nên cha mẹ an tâm, trẻ sẽ không bị lạnh.
>>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị ho, sốt – xử lý sao cho đúng
3. Khi nào thì không nên tắm khi trẻ bị sốt?
Tắm khi sốt là tốt nhưng không phải trường hợp trẻ bị sốt nào cũng có thể tắm, nên tránh tắm cho trẻ trong những trường hợp sau:
- Khi trẻ vừa tiêm phòng xong hoặc cơ thể bị tổn thương, chốc lở: Lúc này, tốt nhất không nên tắm cho trẻ vì khi đó da đang bị tổn thương, tắm cho trẻ rất dễ gây nhiễm trùng tại vết thương đó.
- Khi trẻ đang bị cảm lạnh, nôn nhiều, tiêu chảy: Khi trẻ bị các triệu chứng trên, tốt nhất không nên tắm cho trẻ mà chỉ cần lau người.
- Khi trẻ ăn no xong: Lúc này những mạch máu dưới da bị giãn nở khiến lưu lượng máu dồn đến đây nhiều trong khi đó lượng máu ở phần bụng tương đối ít, từ đó ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của bé. Ngoài ra, nếu vừa ăn no xong tắm, trẻ sẽ rất dễ bị nôn, trớ.
Khi trẻ bị sốt cao, rét run cha mẹ không nên vì sợ lạnh mà mặc nhiều quần áo, quấn chăn mền cho trẻ mà cần để trẻ được thoáng mát giúp cơ thể trẻ thoát nhiệt. Hiện tượng rét run là do trẻ sốt quá cao chứ không phải trẻ bị lạnh nên các mẹ cần lưu ý. Vậy bài viết trên đây đã giúp giải đáp thắc mắc “Khi trẻ bị sốt có nên tắm không?” của các bậc cha mẹ, đồng thời cũng đưa ra cách tắm đúng và những lưu ý khi tắm cho trẻ bị sốt. Chúc bé yêu nhà bạn luôn khỏe mạnh.
Lê Hương