Yu Hongtao (34 tuổi) hiện là chủ một quầy hàng bán chân gà nướng có tiếng ở chợ nông sản Urumqi, khu tự trị Tân Cương.
Khách hàng và những người buôn bán ở chợ gọi anh là "chủ quầy hàng có học thức cao nhất" bởi người đàn ông này đã có bằng thạc sĩ tại Đại học Hoa Trung (Vũ Hán), một trong những trường đại học danh giá của Trung Quốc.
Sau khi tốt nghiệp, Yu từng 2 lần khởi nghiệp nhưng đều thất bại. Lần đầu, anh phát triển dự án nông nghiệp với chú ruột, cuối cùng anh buông bỏ vì bất đồng quan điểm.
Lần thứ hai, anh bắt đầu một dự án liên quan đến nước sạch trong thời gian theo học cao học, nhưng vì dịch bệnh bùng phát nên công việc đó bất đắc dĩ phải dừng lại.
Tháng 10/2020, anh mở quầy hàng nhỏ bán chân gà nướng mưu sinh. "Trước đây tôi nghĩ, đi học gần 30 năm mà chẳng đạt được thành tựu gì, thật đáng xấu hổ. Nhưng giờ lại thấy, chỉ cần có việc làm và cố gắng làm tốt công việc đó thì chẳng có gì đáng suy nghĩ", Yu Hongtao nói.
Thực tế, anh mở quầy chân gà nướng vì áp lực cuộc sống và nhu cầu thực tế của gia đình. Anh cần tiền để nuôi con, chăm lo cho gia đình. Lượng khách hàng ngày càng đông giúp Yu có thu nhập tốt, cuộc sống ngày càng khởi sắc. Anh hài lòng khi có thu nhập gọi là "tạm ổn" so với làm một công việc văn phòng nào đó.
Câu chuyện của Yu đã gây ra cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng anh đang lãng phí tài năng vào một công việc “chân tay” và không có chí tiến thủ. Người nhẹ nhàng hơn thì nói: "Công việc của anh ấy đáng trân trọng nhưng không nên khuyến khích".
Những người biết tới câu chuyện của Yu cũng đặt câu hỏi: "Vậy mục đích của việc học cao là gì? Để trở thành người thành đạt, kiếm nhiều tiền hay cuối cùng lại trở thành người bán chân gà nướng?”.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng một người có trình độ cao hay thấp không quyết định nghề nghiệp mà họ chọn lựa, miễn đó là công việc lương thiện thì không có gì đáng chê bai, lên án.
Thực tế, nhiều người có trình độ học vấn cao ở Trung Quốc sau khi tốt nghiệp cũng lựa chọn lối đi riêng cho mình.
Mười ba năm trước, Liu Xiuxiang nổi tiếng với câu chuyện vừa chăm sóc mẹ bị bệnh tâm thần, vừa học thành tài. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2012, nhiều công ty đã mời anh về làm việc với mức lương rất hậu hĩnh nhưng Liu từ chối.
Anh đưa mẹ về quê và trở thành một giáo viên tại huyện nghèo Vọng Mô, thành phố Quý Châu. Mỗi lần lĩnh lương, ngoài tiền dành mua thuốc cho mẹ và sinh hoạt gia đình, còn lại Liu nuôi học trò nghèo.
Sau 9 năm đi làm, Liu vẫn ở khu ký túc xá dành cho giáo viên, thu nhập không cao, tháng nào hết tháng đó, không có tích lũy nhưng anh vẫn luôn đi theo lý tưởng của mình.
Khi nhiều người thắc mắc tại sao lại quyết định như vậy, Liu đáp lại: "Mục đích học lên cao của tôi không phải để giúp mình thoát nghèo mà là để đưa quê tôi thoát nghèo".
Với nỗ lực của Liu, 1.900 học sinh đã được trao học bổng, 50 học sinh bỏ học quay trở lại lớp, tỉ lệ đỗ đại học của trường tăng từ 12% lên 63%. Năm 2018, Liu được bầu chọn là giáo viên ưu tú nhất Trung Quốc.
Không sở hữu nhà lầu, xe sang, không tiền tiết kiệm song Liu được nhiều người ngưỡng mộ bởi nhân cách và lòng nhân hậu hiếm có. Những thứ này còn đắt giá hơn tiền bạc, danh vọng hay tài sản.
Minh Hoa (t/h)