Thông tin trên được Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon đưa ra.
Theo Bangkok Post, cảnh báo của ông Prawit được đưa ra sau khi văn phòng Tổng Chưởng lý Thái Lan (OAG) tiết lộ cơ quan này vẫn chưa yêu cầu dẫn độ bà Yingluck với lý do nơi ở của nữ cựu Thủ tướng vẫn chưa được xác định.
Theo ông Prawit, công tố viên, cảnh sát và bộ Ngoại giao Thái Lan phải cùng truy tìm bà Yingluck hoặc sẽ bị truy tố theo Chương 157 Bộ luật Hình sự, chương liên quan đến các hành vi vi phạm hoặc lơ là trách nhiệm của các quan chức nhà nước Thái Lan.
Nữ cựu Thủ tướng Thái Lan trốn khỏi đất nước hồi cuối tháng 8/2017, để thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật vì cáo buộc tham nhũng xảy ra dưới thời của bà trong chương trình trợ giá gạo của Chính phủ.
Bà Zingluck được cho là có thể ở cùng với anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra tại Dubai hoặc xin tị nạn tại Anh. Những bức ảnh bà xuất hiện ở London được đăng tải trên mạng gần đây làm cho những nghi vấn về việc bà ở nước ngoài càng rõ hơn. Đặc biệt, cảnh sát Thái Lan đã xác nhận một trong những bức ảnh này là chính xác, chứ không phải ảnh ghép.
Nhiều nghi vấn rằng bà Yingluck đã nộp đơn xin tị nạn ở Anh.
Đảng Pheu Thai mới đây tiết lộ thời gian bà Yingluck có thể lưu trú ở Anh với thị thực (visa) doanh nhân mà bà đã sử dụng để nhập cảnh vào Anh.
Được biết, đây là visa loại 1, trong đó người được cấp sẽ được phép lưu trú ở Anh trong tối đa 3 năm 4 tháng, một nguồn tin giấu tên từ đảng Pheu Thai cho hay.
Theo website của Chính phủ Anh, những người ngoài khu vực kinh tế chung châu Âu và Thụy Sỹ có thể được cấp visa loại 1 (loại doanh nhân), nếu họ đáp ứng được điều kiện đầu tư khoảng 200.000 bảng (khoảng 8,7 triệu bath Thái).
Người được cấp visa loại 1 có thể xin gia hạn thêm 2 năm nữa, hoặc thậm chí xin định cư nếu đã từng sống ở Anh 5 năm.
Trong khi đó lãnh đạo đảng Dân chủ nước này, ông Abhisit cho rằng bà Yingluck có thể yêu cầu một số quốc gia cấp thị thực với tư cách một nhà đầu tư kinh doanh.
Bình luận về khả năng đưa bà Yingluck về nước, Tida Thavornseth, cố vấn trưởng của Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống lại chế độ độc tài nhận định, việc đưa được bà Yingluck về Thái Lan là điều rất khó.
Hôm 9/1, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thừa nhận quá trình dẫn độ bà Yingluck về nước là “không dễ dàng” dù biết rằng bà đang lưu trú ở Anh.
“Đừng xem đó chỉ là vấn đề nội bộ. Tất cả mọi người, kể cả tôi, cũng hy vọng bà Yingluck sẽ hồi hương, nhưng điều đó phụ thuộc vào các nước có liên quan và nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Cảnh sát sẽ vào cuộc sau khi nhận được những bằng chứng và thông tin xác thực. Chúng tôi sẽ phải tiến hành tuần tự. Không thể bất cẩn với bất kỳ ai”, Thủ tướng Prayut nói.
Sự việc nữ cựu Thủ tướng trốn thoát bí hiểm khiến giới chức Thái Lan nhiều phen điêu đứng. Hồi năm ngoái, khi bà Yingluck đột ngột biến mất trước phiên toà xử bà, chính quyền quân sự nước này đã phải đối mặt với không ít chỉ trích. Dư luận nước này khi đó nghi ngờ chính quyền đã để bà trốn thoát.
Tổng thư ký tổ chức chính trị Hiệp hội bảo vệ hiến pháp Thái (APTC) Srisuwan Janya khi đó còn nhận định rằng người dân có đủ lý do để tin giới chức an ninh đã để cho bà Yingluck trốn thoát bởi lẽ trước đó, nữ cựu Thủ tướng đã bị theo dõi chặt chẽ.
Nhiều lời kêu gọi mở cuộc điều tra nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự một số nhân vật trong giới chức Thái Lan đã được đưa ra vì lý do không ngăn cản được bà Yingluck đào thoát.
Thêm nữa, việc lực lượng chức năng nước này bối rối trong việc đưa ra lời giải thích chính thức về cách bà Yingluck có thể dễ dàng trốn thoát khỏi đất nước cũng gây nhiều chỉ trích.
Xem thêm >> Tiết lộ thời gian bà Yingluck có thể lưu trú ở Anh với thị thực doanh nhân