Bài toán khó dành cho ông Emmanuel Macron
Với trên 58% phiếu bầu, ông Emmanuel Macron, 44 tuổi, đã giành thắng lợi “trận lượt về” trước đối thủ Marine Le Pen, tiếp tục trở thành người “chèo lái” nước Pháp trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
Tuy nhiên, bước vào nhiệm kỳ hai, chính quyền của Tổng thống Macron sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nhằm đưa đất nước “tiến bước” và khẳng định vị thế của Pháp tại châu Âu.
Cải thiện sức mua cho các hộ gia đình trong bối cảnh giá cả hàng hóa, nhiên liệu tăng vọt và viễn cảnh kinh tế khó khăn là một trong những mối quan tâm lớn nhất của người dân Pháp.
Mặc dù đã được cải thiện sau 5 năm nhưng sức mua vẫn chưa thỏa mãn được mong mỏi của các hộ gia đình. Sức mua yếu là một trong những chỉ số phản ánh khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa người nghèo và người giàu ngày càng nới rộng, nhất là giữa 5% người có thu nhập chưa đầy 800 euro/tháng với 1% những người giàu có nhất.
Để thay đổi tình hình, chính phủ của ông sẽ phải nỗ lực “thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn”, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế “mà không làm tăng thêm gánh nợ”, “giảm tỷ lệ thất nghiệp như những gì đã làm trong 5 năm qua để có thêm một nguồn thu tương ứng 35 tỷ euro” và “tăng tuổi nghỉ hưu, giúp ngân sách có thêm 9 tỷ euro”.
Các biện pháp “số hóa, đơn giản hóa và xóa bỏ bộ máy quan liêu” để tiết kiệm ngân sách nhà nước cũng được ông nhắc đến.
Thách thức thứ hai đối với ông Macron trong nhiệm kỳ mới đó chính là những vấn đề về khí hậu và môi trường. Nhiệm vụ càng trở nên nặng nề hơn khi cả nước Pháp và châu Âu muốn giảm tối đa sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.
“Chính sách mà tôi sẽ theo đuổi trong 5 năm tới sẽ là chính sách sinh thái hoặc không là gì cả”, ông Macron khẳng định với cử tri tại Marseille trước vòng hai, đồng thời cho biết sẽ giao cho tân thủ tướng phụ trách “quy hoạch sinh thái”, bởi đây là nhiệm vụ “bao trùm tất cả các lĩnh vực, khu vực, dự án đầu tư”.
Ông cũng khẳng định sẽ có hai cơ quan mới trong chính phủ, gồm một bộ “quy hoạch năng lượng” đưa “Pháp trở thành quốc gia đầu tiên thoát khỏi khí đốt, dầu mỏ và than đá”, đặc biệt là thông qua phát triển năng lượng hạt nhân và một “bộ quy hoạch sinh thái lãnh thổ”, có nhiệm vụ phối hợp hành động với các địa phương trong quá trình chuyển đổi xanh ở từng vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, lương hưu luôn là chủ đề "nóng" tại Pháp và ông Macron có thể vấp phải sự phản đối của dân chúng trước kế hoạch cải cách lương hưu, với việc tăng dần độ tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 65.
Một dấu hiệu báo trước khó khăn là những cử tri phản đối cải cách lương hưu đã cảnh báo sẽ buộc ông phải chấp thuận độ tuổi nghỉ hưu là 64.
Ông Philippe Martinez, người đứng đầu CGT, một trong những nghiệp đoàn lớn nhất tại Pháp, nói rằng ông Macron sẽ không có "tuần trăng mật" và có thể sẽ diễn ra biểu tình nếu ông không thay đổi quan điểm.
Một vấn đề khác mà ông Macron sẽ phải giải quyết là việc giá năng lượng tăng vọt. Chính phủ của ông Macron đã đặt ra mức trần giá điện và giảm giá cho đến sau cuộc bầu cử. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông khẳng định sẽ bảo vệ các cử tri nếu còn cần thiết nhưng không đưa ra một thời hạn.
Rõ ràng các biện pháp hỗ trợ tốn kém rồi cũng phải được hủy bỏ, trong khi đó, các nghị sỹ cho rằng cử tri đang phàn nàn về việc giá cả mọi loại hàng hóa tăng mạnh.
Năm 2018, giá tăng đã làm nổ ra cuộc biểu tình nghiêm trọng nhất tại Pháp kể từ năm 1968. Ông Macron được cho là sẽ phải hành động thận trọng nếu không muốn lịch sử lặp lại.
Trong những nhiệm vụ trọng tâm còn lại, an ninh nội địa và quản lý người nhập cư cũng là chủ đề mà chính phủ của ông Macron phải tiếp tục có sự cải cách sau những dang dở của nhiệm kỳ trước.
Ông Macron cam kết sẽ “thành lập 200 đơn vị hiến binh mới” để tăng cường sự hiện diện của lực lượng bảo vệ pháp luật tại các điểm nóng về trật tự trị an, nhất là các khu vực ven đô, tuyển dụng thêm hàng nghìn thẩm phán và nhân sự tòa án, đồng thời “thiết kế lại bộ luật tố tụng hình sự” và cải tổ các hội đồng tư pháp.
Tân chính phủ sẽ thực hiện cam kết về tăng cường năng lực quản lý nhập cư, sửa đổi chính sách lãnh sự và siết chặt điều kiện cấp thẻ cư trú, áp chế các đối tượng không đủ điều kiện phải rời khỏi lãnh thổ Pháp, đề xuất trao thêm thẩm quyền cho cơ quan kiểm soát biên phòng Frontex.
Về y tế, Tổng thống tái đắc cử Macron và chính phủ của ông sẽ thực hiện “một cuộc cách mạng tổng thể", tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và bổ sung nhân lực cho các bệnh viện, tái tổ chức và thay đổi điều kiện làm việc cho toàn bộ hệ thống sau những xáo trộn do đại dịch gây ra, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tăng thù lao cho đội ngũ chăm sóc y tế.
Vấn đề cuối cùng, nhưng có thể chi phối tất cả là đảm bảo mục tiêu giảm thâm thụt ngân sách nhà nước và gánh nợ công hiện đang đạt mức kỷ lục 2.834 tỷ euro so với 2.275 tỷ vào giữa năm 2017.
Điều khó nhất với chính quyền của Tổng thống Macron là phải cân đối, bổ sung các nguồn tài chính để có thể tiến hành các dự án cải cách trong những điều kiện khó khăn phía trước.
Lợi ích sát sườn tại châu Âu
Trong cương lĩnh tranh cử, ông Macron không nhắc nhiều đến chính sách đối ngoại, nhưng những thay đổi của trật tự thế giới và đặc biệt của cục diện ở châu Âu là cơ sở để khẳng định ông sẽ đẩy mạnh đường lối đối ngoại trong khuôn khổ “La bàn chiến lược” của Liên minh châu Âu (EU), một định hướng đề cao tính độc lập, tự chủ của EU và từng nước thành viên, đặc biệt trong lĩnh vực là an ninh, quốc phòng.
Trong cuộc tranh luận mặt đối mặt giữa ông Macron với đối thủ Marine Le Pen được truyền hình trực tiếp trước vòng 2, chủ đề đối ngoại chỉ dừng ở châu Âu và quan hệ với Nga, các vấn đề khác không được nhắc đến.
Điều này cho thấy chính sách đối ngoại của chính phủ mới ở Pháp trước hết tập trung vào lợi ích sát sườn tại châu Âu, mà quan hệ với Nga và trong NATO sẽ được đặt lên hàng đầu.
Quan điểm của ông Macron đã được công khai trong chiến dịch tranh cử: Tiếp tục các nỗ lực đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời gia tăng trừng phạt ngoại giao và kinh tế “cho đến khi Moscow có những thay đổi”.
Bất chấp những hoài nghi về vai trò của NATO đối với an ninh châu Âu đã vợi đi nhiều sau sự kiện tại Ukraine, ông Macron vẫn tham vọng xây dựng châu Âu trở thành một “thế lực hùng mạnh”, tự chủ về chiến lược, có nền công nghiệp quân sự hiện đại, có khả năng độc lập về quốc phòng, sẵn sàng phản ứng nhanh và chủ động với các mối đe dọa tiềm tàng trên phạm vi châu lục và trong các vấn đề liên quan đến lợi ích của khối. Nền quốc phòng chung của châu Âu, theo ông, sẽ không cạnh tranh mà hợp tác và bổ trợ lẫn nhau với NATO.
Minh Hoa (t/h)