Thụy Điển đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của EU từ ngày 1/1/2023, cam kết duy trì sự thống nhất về Ukraine và duy trì thương mại tự do trước những lời kêu gọi phản ứng cứng rắn hơn đối với các khoản “trợ cấp xanh” theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ.
Nhưng câu hỏi đầu tiên được đặt ra khi Stockholm chủ trì khối 27 quốc gia thành viên vào thời điểm đầy biến động này có thể là: Những động lực mới trong nền chính trị trong nước của Thụy Điển sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sân khấu châu Âu.
Chính phủ non trẻ
Đặt dấu chấm hết cho 8 năm cầm quyền của phe trung tả, chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Ulf Kristersson được thành lập hồi tháng 10 dựa trên một liên minh “chưa từng có tiền lệ” với Đảng Dân chủ Thụy Điển (SD) theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu để giành đa số trong Quốc hội Thụy Điển khóa mới.
Thỏa thuận thành lập chính phủ có nghĩa là Đảng SD sẽ được thông báo về bất kỳ quyết định nào được đưa ra liên quan đến EU. Mặc dù họ đã từ bỏ những lời kêu gọi Thụy Điển rời khỏi EU trước đó, nhưng lập trường cứng rắn của SD trong các lĩnh vực quan trọng như nhập cư có khả năng sẽ gây xáo trộn trong chính đất nước Thụy Điển và hạn chế khả năng hành động của khối.
Bên cạnh xung đột Nga-Ukraine và các vấn đề thương mại liên quan đến cuộc xung đột này, Thụy Điển coi biến đổi khí hậu và bảo vệ “các giá trị cơ bản” của EU trước các tranh chấp với Hungary và Ba Lan là những ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình trong nửa đầu năm 2023.
Ông Göran von Sydow, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Châu Âu của Thụy Điển, cho rằng thách thức với đất nước ông khi đảm nhiệm vai trò này là Thụy Điển đang được một chính phủ “tương đối thiếu kinh nghiệm”.
Ông lo lắng rằng làm thế nào chính phủ non trẻ đối phó với gánh nặng giúp điều hướng EU qua những “vùng nước” địa chính trị đầy sóng gió như vậy.
“Rất nhiều Bộ trưởng và các trợ lý chính trị thân cận nhất của họ có rất ít kinh nghiệm tham dự các cuộc họp của EU”, ông von Sydow cho biết.
Quản lý căng thẳng
Thụy Điển, quốc gia đã bỏ phiếu phản đối việc tham gia đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), có mối quan hệ “hơi xa cách” với châu Âu.
“Họ có xu hướng giữ khoảng cách một chút”, ông Sebastien Maillard, Giám đốc Viện Jacques Delors ở Paris, cho biết, đồng thời dự đoán rằng Stockholm sẽ “hoàn thành nhiệm vụ của mình” trong nhiệm kỳ Chủ tịch 6 tháng, nhưng “sẽ không có quá nhiều nhiệt tình”.
Quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên EU có thể giúp định hình chương trình nghị sự cho khối, nhưng cũng được kỳ vọng là một bên trung gian giúp loại bỏ các thỏa hiệp phức tạp khiến khối này bị “giậm chân tại chỗ”.
Ngoài ra, Thụy Điển đang tìm cách khởi động lại các cuộc đàm phán về các hiệp định thương mại tự do với một loạt quốc gia và khu vực. Nhưng sự thúc đẩy này có thể bị lu mờ bởi một cuộc đối đầu tiềm năng với Washington về tác động của Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Kế hoạch trị giá 430 tỷ USD (400 tỷ Euro) sắp có hiệu lực, với một loạt các khoản trợ cấp cho các ngành công nghiệp xanh của Mỹ, vốn bị các cường quốc châu Âu như Pháp và Đức chỉ trích là bảo hộ.
Trong khi các cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa Brussels và Washington để tìm ra giải pháp, những lời kêu gọi về một đường lối cứng rắn từ một số nước trong EU đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương.
“Chắc chắn với vai trò Chủ tịch luân phiên EU, Thụy Điển sẽ mâu thuẫn với các bước mà Paris và Berlin đang được thực hiện” để đáp lại kế hoạch của Washington, ông Maillard cho biết. “Stockholm cũng sẽ phải quản lý căng thẳng giữa 27 quốc gia thành viên EU”.
Thụy Điển tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên EU từ Cộng hòa Séc vào năm mới, đồng thời phải xử lý 350 hồ sơ của khối trong 6 tháng, cho tới khi vai trò này được bàn giao cho Tây Ban Nha từ 1/7.
Minh Đức (Theo AFP, Politico.eu)