Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Bộ trưởng Dũng phải đối mặt với những thách thức chưa từng có
Tôi nghĩ được bầu vào vị trí Bộ trưởng Tài chính là một vinh dự đối với ông Đinh Tiến Dũng. Tuy nhiên, với tình hình tài chính của Việt Nam đang khó khăn hơn bao giờ hết thì đồng thời với vinh dự ấy, Bộ trưởng cũng phải chấp nhận đối diện với những nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Theo tôi, thách thức trước mắt là việc Bộ trưởng phải đối mặt với tình hình thu ngân sách rất khó khăn. Trong viễn cảnh sắp tới, nếu nền kinh tế chưa được cải thiện thì mục tiêu thu ngân sách cũng sẽ không được cải thiện, do vậy đòi hỏi Bộ trưởng phải có những nỗ lực rất lớn mới có thể cải thiện và xoay chuyển tình hình. Có nghĩa là tình hình thực tế đòi hỏi Bộ trưởng phải có những quyết sách nhằm thay đổi nguồn thu cũng như phải thay đổi cơ cấu chi và cải cách đầu tư công.
Tân Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: VNN
Tôi nghĩ rằng đây là những thách thức rất lớn đối với Bộ trưởng bởi vì thời kỳ thu được nhiều và dễ dàng đã không còn nữa. Đòi hỏi phải có chính sách tiết kiệm để chi tiêu công hiệu quả, phân phối được công bằng. Có lẽ tôi cho rằng đây là thách thức chưa từng có đối với một vị Bộ trưởng tài chính từ trước đến nay. Tôi chúc mừng nhưng cũng mong muốn và hy vọng Bộ trưởng có được giải pháp để hóa giải tình hình.
Tổng thư ký Hiệp hội đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải: Bộ trưởng cần phải hành động ngay
Tôi cho rằng thách thức đối với tân Bộ trưởng Bộ tài chính hiện nay chính là việc phải nhận thức được những thách thức và giải quyết chúng ra sao? Với một quốc gia đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, những yêu cầu của một nền tài chính hiện đại, tiên tiến được đặt ra rất cấp thiết.
Hiện rất nhiều những vấn đề cần giải quyết đối với thị trường tài chính, thị trường chứng khoán… đòi hỏi người lãnh đạo của ngành tài chính phải nhận thức được. Đó là việc phải nhận biết được dòng tiền trong nền kinh tế đang chuyển động thế nào, đâu là dòng tiền có lợi, đâu là dòng tiền có hại để kịp thời có chính sách điều hành.
Ví dụ, lâu nay chính sách thuế không hướng được dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh trong khi lại gây tình trạng đầu cơ bất động sản, vàng khiến nền kinh tế khủng hoảng như hiện nay. Đây là lỗi của chính sách thuế không hợp lý mà trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính.
Hay như vấn đề xử lý nợ xấu, rồi tình trạng doanh nghiệp phá sản, giải thể kéo dài nhưng đến thời điểm này với trách nhiệm là cơ quan quản lý, điều hành thì vấn đề vẫn chưa được đặt ra để giải quyết…
Tôi cho rằng thời điểm này rất cần một vị bộ trưởng hành động với những am hiểu, kinh nghiệm sâu sắc về thị trường tài chính. Mặc dù, tân Bộ trưởng Tài chính chưa từng kinh qua những vị trí được cho là đem lại nhiều kinh nghiệm cho ông trong vai trò một vị Bộ trưởng Tài chính như ở các quốc gia hiện đại, tuy nhiên tôi cũng hy vọng rằng nếu có sự cầu thị, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước thì Bộ trưởng sẽ sớm khắc phục được khó khăn hiện nay.
Theo Dân Việt