Hướng đến thị trường khó tính châu Âu
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang áp dụng quy trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 400ha diện tích cây thanh long được cấp chứng nhận GlobalGAP và 30ha diện tích thanh long được chứng nhận hữu cơ.
Ông Huỳnh Văn Tất (SN 1951, trú xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) là một trong số 11 thành viên tham gia hợp tác xã từ năm 2017. Với hơn 24 năm kinh nghiệm trồng thanh long, ông cho rằng, không còn con đường nào khác ngoài việc sản xuất theo quy trình an toàn để có đầu ra ổn định.
Lúc trước, ông Tất trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGap. Hiện nay, ông trồng theo quy trình mới GlobalGAP thì chuẩn đòi hỏi cao, tuân thủ các quy định và đi hàng thanh long chính ngạch.
Theo ông Tất, khi trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP, trái thanh long sau thu hoạch đảm bảo không bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này sẽ an toàn cho người tiêu dùng và an toàn cho người trực tiếp sản xuất.
Ông Trần Đình Trung, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến cho biết: "Từ 2017 đến nay tôi luôn theo dõi, cập nhật hàng năm để đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường và làm đúng theo tiêu chuẩn của GlobalGAP.
Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng trong giai đoạn nào sử dụng hợp chất ra sao, rồi đến giai đoạn cách ly, quy trình sản xuất thanh long sạch còn phụ thuộc vào thời tiết mưa, nắng. Cuối cùng một lô hàng trước khi xuất đi thì phải kiểm tra lại có bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay không".
Hiện nay, HTX thanh long Thuận Tiến có 24,40ha, trong đó có 13,3ha tiêu chuẩn GlobalGAP còn lại là VietGAP. Mỗi tháng HTX này xuất đi thị trường châu Âu khoảng 20-30 tấn, thị trường chính là Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Theo ông Trung, hướng đi này là rất bền vững và ổn định cho nông dân. Khó khăn hiện tại, là khi sản xuất thanh long sạch thì tình hình sâu bệnh rất nhiều. Dẫn đến, sản phẩm chế biến thiếu hàm lượng khoa học, theo quy chuẩn, khó tiếp cận thị trường khó tính.
Hơn nữa, không phải người dân trồng thanh long nào ở Bình Thuận cũng đã thay đổi tư duy trong làm nông nghiệp. Một số hộ vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, nhận thức, kỹ thuật và vốn đều hạn chế.
"Thanh long hiện nay sản xuất phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thì mới bền vững. Khi thành lập HTX năm 2016, trong các thành viên đã có định hướng đi rất rõ ràng là thị trường châu Âu. Tôi được biết, tỉnh Bình Thuận có đề án phát triển cây thanh long đến 2030.
Tôi mong muốn rằng đề án này thực hiện sẽ xây dựng được những chuỗi thanh long bền vững để xuất khẩu ở những thị trường chính ngạch. Lúc này, sẽ quy đổi được phương thức sản xuất và tư duy của người nông dân. Muốn giữ vững cây thanh long thì người sản xuất phải theo đúng quy trình và có hướng sản xuất sạch thì sẽ rất tốt", ông Trung chia sẻ.
Hạn chế về khoa học công nghệ
Trao đổi với PV, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Thuận cho biết, thanh long Bình Thuận đến nay đã xuất khẩu qua hơn 20 thị trường: Châu Á (Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Philippine, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Quatar, Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất - UAE), các nước Châu Âu (Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha), Châu Mỹ (Canada, Mỹ) và Châu Đại dương (Úc, New Zealand).
Một số thị trường chính xuất khẩu thanh long chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Liên Bang Nga.
Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 502 tổ hợp tác với khoảng 9.797 hộ; 35 hợp tác xã và một Liên hiệp HTX sản xuất thanh long với diện tích 1.384ha, 673 thành viên viên (trong đó có 20 HTX thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGAP đạt 730ha, 218ha và một HTX được cấp giấy chứng nhận sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP).
Đồng thời, có 7 hợp tác xã đã có cơ sở sơ chế, đóng gói thanh long thực hiện thu mua trái thanh long do thành viên tạo được liên kết trong sản xuất, sơ chế và đóng gói thanh long. Các hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ thanh long từng bước tìm kiếm được thị trường, giải quyết được một phần đầu ra cho sản phẩm trái thanh long.
Theo ông Phan Văn Tấn, hàng năm, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận tham mưu UBND tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP được hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Trong đó, khi xây dựng, phê duyệt Dự án VictGAP quy định cụ thể nội dung, chủ đầu tư; địa bàn hoặc đơn vị áp dụng VietGAP.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng hướng dẫn bà con tăng cường việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong phòng chống sinh vật gây hại (thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón tiên tiến); ứng dụng tiến bộ trong tưới tiêu tiết kiệm nước, tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng giúp tăng hiệu quả kinh tế, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm thanh long (dự báo thị trường, sản lượng, chủng loại, vùng trồng, dịch bệnh,...); kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sau thu hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển hàng hóa quy mô lớn.
Để tham gia vào lộ trình xanh hóa cho chuỗi cung ứng thanh long do UNDP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng, ông Phan Văn Tấn cho biết: Tại Bình Thuận, dự án nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư, hỗ trợ và thực hiện các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Phan Văn Tấn, thông qua dự án, một bộ phận hợp tác xã/người dân đã thay đổi tư duy canh tác thanh long theo hướng xanh hoá.
Trong đó, đẩy mạnh công nghệ bao gồm thay thế các phương pháp chiếu sáng truyền thống bằng 81.900 bóng đèn LED 9W tiết kiệm năng lượng, trình diễn hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 36ha đất, trang bị hệ thống máy rửa trái sau thu hoạch và lắp đặt 2 hệ thống năng lượng mặt trời nối lưới trên mái nhà, một để đóng gói (30,25 kWp) và một cho tưới tiêu (29,7 kWp)… Đây là những điển hình cho nhân rộng, phát triển của lộ trình xanh hoá.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào quy trình trồng thanh long của người nông dân Bình Thuận chưa xứng tầm. Hạn chế nhất vẫn là khâu chế biến. Bên cạnh đó, công nghệ lạc hậu và đầu tư không đồng đều giữa các doanh nghiệp, rất khó để đi đường dài.
Nỗ lực giải quyết khó khăn trong xuất khẩu
Nói về khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu thanh long, ông Phan Văn Tấn chia sẻ: "Thị trường tiêu thụ thanh long không ổn định, giá cả còn bấp bênh. Thị trường tiêu thụ cũng chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là xuất sang Trung Quốc; việc sản xuất theo liên kết còn ít, sâu bệnh hại vẫn còn ảnh hưởng đến sản xuất. Vì vậy, Sở NN&PTNT luôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giám sát, kiểm tra chặt chẽ vùng trồng, cơ sở đóng; duy trì các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu đã được cấp mã số; đảm bảo nông sản được xuất khẩu đúng từ các vùng được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, tránh không để xảy ra tình trạng "mạo danh".