Thách thức từ Covid-19 và giải pháp chuyển đổi số của ngành tài chính, ngân hàng

Thách thức từ Covid-19 và giải pháp chuyển đổi số của ngành tài chính, ngân hàng

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 6, 08/10/2021 19:31

Covid-19 mang đến những thách thức sống còn, song cũng tạo động lực cho sự chuyển đổi mạnh mẽ.

Cuộc cạnh tranh số hóa giữa các ngân hàng thời gian qua diễn ra quyết liệt. Họ có thuận lợi và khó khăn gì? Vừa qua, IDG Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến Diễn đàn dịch vụ tài chính và dịch vụ ngân hàng trong tương lai năm 2021, với chủ đề “Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số”.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng gắn với sự phát triển của thiết bị di động, mạng internet và mạng xã hội. Sự phát triển của các yếu tố này đã thúc đẩy chuyển đổi số ngày càng phát triển. Theo đó, những sản phẩm mới trong hệ thống tài chính - ngân hàng bao gồm ví điện tử, tiền di động đang được sử dụng.

Đặc biệt, với nền tảng di động, tiền di động nếu được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được việc thanh toán ở vùng sâu vùng xa, nơi 40% người dân chưa được tiếp cận với tài khoản ngân hàng thì từ nay được thực hiện thanh toán điện tử qua di động. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc trong việc trao phép tạo tiền cho nhà mạng chức năng như của ngân hàng trong việc đưa tiền di động vào lưu thông.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích, làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính - ngân hàng nói riêng. Song, đây lại là tác nhân tích cực thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn bởi sự cấp thiết của việc duy trì hoạt động lưu thông tiền tệ thường xuyên, liên tục. Các hoạt động ngân hàng không tiếp xúc đã trở nên phổ biến hơn và việc sử dụng dịch vụ online của khách hàng cũng dần trở thành thói quen.

Hành lang pháp lý và cơ chế chia sẻ dữ liệu

IDG Việt Nam đánh giá, ngành ngân hàng đã đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng song cũng đang còn 5 điểm nghẽn đáng lưu ý. Đó là hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin mới ở mức đang dần hoàn thiện. Bên cạnh đó, cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa các tổ chức tín dụng với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia chưa rõ ràng. Ngoài ra, tỉ lệ giao dịch tiền mặt còn cao; một số hệ sinh thái fintech (công nghệ tài chính) chưa thực sự liên thông với các tổ chức tín dụng khác để tạo thuận tiện nhất cho người dùng. Việc hợp tác giữa các ngân hàng và các đơn vị fintech chưa sâu như mong đợi.

Tài chính - Ngân hàng - Thách thức từ Covid-19 và giải pháp chuyển đổi số của ngành tài chính, ngân hàng

Diễn đàn Dịch vụ tài chính và dịch vụ ngân hàng trong tương lai năm 2021 với chủ đề “Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số” được tổ chức trực tuyến. Ảnh: Báo Tin tức.

Ông Bùi Đình Giáp, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Công ty akaBot - FPT Software thông tin: “Dưới áp lực vận hành liên tục và duy trì tăng trưởng hậu Covid-19, ngân hàng có thể ứng dụng nguồn lực số để nhanh chóng tối ưu hoá vận hành; đồng thời, giúp nhân viên tăng năng suất, giảm áp lực và tập trung vào những công việc có giá trị hơn. Dự kiến đến 2024, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nằm trong top đầu của Đông Nam Á về tỷ lệ ứng dụng "nhân lực số’ trong ngành ngân hàng”.

Khi đại dịch cũng là chất xúc tác thúc đẩy chuyển đổi số

Thực tế, theo nghiên cứu của Mastercard Việt Nam, Campuchia và Lào, đại dịch là chất xúc tác giúp phát triển tư duy “kỹ thuật số là mặc định”. Theo đó, thói quen thanh toán của người tiêu dùng đã thay đổi.

Cụ thể, từ 60-70% người dân Đông Nam Á đã giảm mức sử dụng tiền mặt; 75% người dân châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục sử dụng thanh toán không tiếp xúc sau đại dịch; 91% người dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã sử dụng hình thức thanh toán không tiếp xúc vì lý do an toàn và vệ sinh...

Việc ứng dụng công nghệ số giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn. Nhưng, việc thực thi chuyển đổi số tại các ngân hàng đang ở nhiều mức khác nhau, đòi hỏi quy trình, kiến trúc và cách vận hành linh hoạt của các doanh nghiệp, bởi một số doanh nghiệp coi đây là dự án về công nghệ nhiều hơn kinh doanh, ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam nêu ý kiến.

Tài chính - Ngân hàng - Thách thức từ Covid-19 và giải pháp chuyển đổi số của ngành tài chính, ngân hàng (Hình 2).

Chuyển đổi số là một trong những giải pháp để "vượt bão" Covid-19. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, chuyển đổi số gắn liền với chiến lược kinh doanh; trong đó, chuyển đổi số để thu hút, tạo ra sân chơi mới cho khách hàng. Về phía các ngân hàng, thông qua chuyển đổi số mà môi trường và hành vi tiêu dùng thay đổi thì phải không ngừng tạo ra hệ sinh thái mới phù hợp hoặc hợp tác với các fintech tạo ra sân chơi mới cho khách hàng.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần VPBank cho biết: “Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn chung bằng các giải pháp tài chính thiết thực, chúng tôi đẩy nhanh tốc độ số hóa để khuyến khích người dân sử dụng các phương thức online nhằm hạn chế đi lại, phòng tránh lây nhiễm virus.

Ví như với khách hàng cá nhân, chúng tôi triển khai phương thức mở tài khoản định danh eKYC hiện đại, mở thẻ tín dụng, gửi tiết kiệm online, thanh toán hóa đơn và các dịch vụ công online trên nền tảng ngân hàng số toàn năng VPBank NEO. Với khách hàng doanh nghiệp, chúng tôi có dịch vụ cấp tín dụng thư (L/C) cả trên online và trên nền tảng blockchain, kèm theo hàng loạt dịch vụ số đột phá trên thị trường như vay tín chấp và giải ngân 100% online. 

Song song với đó, Ngân hàng cũng mang đến giải pháp thương mại điện tử gồm cổng thanh toán EcomPay và nền tảng Simplify để giúp cộng đồng tiểu thương trên cả nước chuyển dịch mô hình kinh doanh từ truyền thống lên online, qua đó phần nào khắc phục tác động tiêu cực của Covid-19".

Tài chính - Ngân hàng - Thách thức từ Covid-19 và giải pháp chuyển đổi số của ngành tài chính, ngân hàng (Hình 3).

 Chưa bao giờ cuộc cạnh tranh số hóa lại mạnh mẽ như gần đây. Ảnh minh họa

Tương lai của tiền tệ chính là kỹ thuật số

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia Mastercard Việt Nam, Campuchia và Lào chia sẻ: “Tương lai của tiền tệ chính là kỹ thuật số. Đại dịch đã đẩy nhanh bước tiến vào thế giới số, với lối sống và tư duy “ưu tiên kỹ thuật số” của người tiêu dùng. Tuy vậy, sẽ vẫn cần thêm thời gian để nắm bắt những cơ hội nhằm chiếm trọn được cảm tình của người tiêu dùng với thanh toán không dùng tiền mặt”.  

Ngoài ngành ngân hàng, trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tài chính, ngành kinh doanh chứng khoán năm qua có ghi nhận nhiều nỗ lực chuyển đổi số, cho ra đời hoặc nâng cấp, cải tiến nhiều sản phẩm, dịch vụ giúp gia tăng hiệu quả quản trị, trải nghiệm cho doanh nghiệp và cho nhà đầu tư. 

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cho biết, hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra khá tích cực, nhiều công ty chứng khoán dùng phần mềm (app) để nhà đầu tư quản lý tài khoản cũng như có ngưỡng cảnh báo rủi ro. Đồng thời, các công ty cũng triển khai cập nhật hệ thống giao dịch mới của Hàn Quốc (KRX), FPT (xử lý nghẽn lệnh cho Sở Giao dịch Tp. Hồ Chí Minh HOSE) để bảo đảm thị trường được hanh thông.

Tài chính - Ngân hàng - Thách thức từ Covid-19 và giải pháp chuyển đổi số của ngành tài chính, ngân hàng (Hình 4).

Khách hàng có thể mua hàng, thanh toán dễ dàng với dịch vụ ngân hàng số. Ảnh: Báo Tin Tức. 

“Khi thị trường cải thiện được năng lực công nghệ và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tích cực, dòng tiền chắc chắn sẽ chảy mạnh hơn vào kênh đầu tư chứng khoán. Không chỉ đến từ nhà đầu tư trong nước, mà còn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Để đón dòng vốn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, hoạt động chuyển đổi số trên thị trường chứng khoán cần chuyển động nhanh hơn”, ông Nguyễn Thanh Kỳ nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, trong 5 năm qua, riêng thị trường bảo hiểm nhân thọ đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, từ 25-30%. Cụ thể năm 2019, tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm nhân thọ ước đạt 129.120 tỷ đồng; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 107.793 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2018.

Cùng với đó, các sản phẩm bảo hiểm được đa dạng hóa với hơn 450 sản phẩm thuộc tất cả các nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của hơn 9,8 triệu người tham gia bảo hiểm.

Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ cho lĩnh vực bảo hiểm vẫn có phần chưa tương xứng, các ứng dụng di động vẫn chỉ dừng ở mức đơn giản, chưa giải quyết yêu cầu về dữ liệu lớn của ngành bảo hiểm hiện nay như việc từ khối dữ liệu khổng lồ dự đoán được nhu cầu mỗi nhóm khách hàng để xây dựng gói sản phẩm thích hợp.

Dư địa chuyển đổi số còn rất lớn 

Để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trên cơ sở đó, ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Điều này cho thấy, ngành Ngân hàng Việt Nam đã có sự chủ động vào cuộc trong công cuộc chuyển đổi số.

“Ngành Ngân hàng Việt Nam đã có sự chuẩn bị, chủ động vào cuộc và khả năng thích ứng tốt trước những biến động, rủi ro trong công cuộc chuyển đổi số. Đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các hệ thống thanh toán, hệ thống thông tin tín dụng và các ngân hàng vẫn hoạt động bền bỉ, thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cùng các cơ quan Chính phủ một cách nhanh chóng, an toàn”, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các ngân hàng cần năng động, đổi mới mô hình kinh doanh, tăng cường hợp tác, phát triển mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số, sáng tạo đổi mới mang đến cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu và gắn kết khách hàng.

Nhận định về cơ hội chuyển đổi số, ông Vũ Viết Ngoạn,nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, không gian đổi mới sáng tạo, cho chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng còn rất lớn. “Chúng ta hãy hình dung, hiện có tới gần 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh nhưng chỉ khoảng 20% giao dịch ngân hàng trực tuyến và ứng dụng kỹ thuật số; hay dư địa chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán và đầu tư còn lớn hơn nữa nếu so sánh với mức độ chuyển đổi số của các quốc gia trong khu vực”, ông Vũ Viết Ngoạn chia sẻ.

Dù dư địa là rất lớn, nhưng các tổ chức tài chính có tận dụng được những cơ hội mới giữa và sau đại dịch không? Có khả năng đổi mới sáng tạo mang tính đột phá để thích ứng với mô hình tiêu dùng mới của khách hàng sau đại dịch không?... sẽ phụ thuộc vào quyết tâm chuyển đổi số ở mỗi tổ chức tài chính, ngân hàng.

“Doanh nghiệp nào không bắt tay ngay vào công cuộc chuyển đổi số, thay đổi mô hình kinh doanh sẽ tự đặt mình vào tình trạng rủi ro – cái bẫy phá sản”, ông Vũ Viết Ngoạn đưa ra lời khuyên.

Hương Anh 

 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.