“Thế mạnh của tôi là tỉnh táo”
Được biết, chị vừa vinh dự giành Huy chương vàng trong Liên hoan nghệ thuật Campuchia, Mianma, Lào và Việt Nam với phần biểu diễn thành công ca khúc Đàn cầm dây vũ dây văn của nhạc sỹ Nguyễn Cường. Bài hát này không phải là một sáng tác mới nhưng lại rất ít người thể hiện thành công,"bí quyết" của chị là gì?
Bài hát này là một bài hát khó thể hiện với bất kỳ giọng ca nào và ngay với bản thân tôi cũng vậy. Ngay khi tham gia, tôi đã xác định đi thi là phải có giải để không phụ lòng yêu mến của khán giả. Khi chọn bài hát này, tôi muốn làm khác những giọng ca đã thể hiện trước đó để mọi người thấy một Thái Bảo sáng tạo. Hát cùng với đàn bầu, tôi đã nghĩ ra phương án là bỏ sợi dây cao để lắp sợi dây trầm của guitar bass vào thay thế. Kết quả là nốt nhạc vang lên rất hay bởi vẫn là âm hưởng của đàn bầu, có rung, có ngân nhưng nhờ có sự cách tân nên nghe rất lạ và độc đáo. Trường Giang - nhạc công đệm cho tôi bài hát và người phối khí là guitar Cao Minh Đức rất ủng hộ ý tưởng này. Nhạc sỹ Nguyễn Cường - tác giả của ca khúc cũng rất thích bởi nó đúng với ý tưởng của anh là dân gian đương đại. Phần biểu diễn của tôi đã có sự thăng hoa rất nhiều bởi như anh Nguyễn Cường nói là phải "điên" thì mới sung và lột tả được ý tưởng của anh. Tôi rất hạnh phúc bởi sau quá trình khổ luyện đã nhận được phần thưởng xứng đáng.
NSƯT Thái Bảo.
Nhưng Thái Bảo vốn là người rất ít "điên" khi biểu diễn?
Tôi ít khi “điên” mà chỉ thăng hoa trong âm nhạc. Tôi sợ khi “điên” thì sẽ không kiểm soát được bản thân, giống như người có men rượu thường bị quá khích. Bạn biết đấy, ranh giới giữa “điên” và “không điên” rất mong manh: Nhiều khi “điên” một chút nữa là hỏng nhưng nếu mình không có một chút “điên”, không có sự cháy bỏng thì không lột tả được ý tưởng của mình. Tôi nghĩ “điên” khác, thăng hoa khác và cháy bỏng lại khác. Có những người “điên” nhưng cái “điên” đó khán giả chấp nhận được và họ cũng “điên” theo. Bài hát của anh Nguyễn Cường thường đa phần phải “điên” mới thể hiện hay được, nhưng mà dòng nhạc của tôi, chất giọng và tính cách của tôi chỉ để cháy hết cỡ và thăng hoa. Tôi làm ở mức độ chấp nhận được và không muốn người ta nhìn mình ở một hình ảnh khác.
Chị có thấy mâu thuẫn không, bởi nghệ sỹ thường là người đa cảm (cả trong âm nhạc lẫn cuộc sống) còn chị lại là người quá tỉnh táo?
Cuộc sống vốn phức tạp và nghệ thuật lại càng phức tạp hơn. Nếu mình chỉ sống bằng cảm tính mà không có lý trí thì sẽ không có giới hạn. Mình phải kiểm soát tất cả hành vi, công việc, lời nói. Trong lúc hát, tôi vẫn kiểm soát từng câu hát và luôn tỉnh táo. Không biết mọi người nghĩ thế nào nhưng tôi nghĩ đó là thế mạnh của tôi. Mọi người vẫn nghĩ rằng, sống thế nào thì hát thế ấy nhưng với tôi điều đó chỉ đúng 30%. Tôi không thể mang hết hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời vào trong âm nhạc. Mình là một nghệ sỹ nên phải luôn nhập vai với mọi hoàn cảnh, với mọi môi trường và bỏ quên nỗi buồn hay niềm vui bên ngoài đi. Không thể đem cái tôi của mình vào trong ca khúc hoàn toàn được. Khi biểu diễn, tôi quên đi con người thực và cắt nghĩa những gì không liên quan để thể hiện tốt nhất.
Thái Bảo biểu diễn ca khúc Đàn cầm dây vũ dây văn.
“Chấp nhận đứng trên thảm gai, mà không phải là thảm lụa”
Chị có hài lòng với những thành công mình có ngày hôm nay?
"Ông trời có mắt", khi mình làm tất cả mọi việc bằng sự cố gắng, mồ hôi nước mắt thì sẽ được đón nhận thành quả. Tất nhiên để có được điều này, bạn phải chấp nhận đứng trên thảm có gai mà không phải là thảm nhung hay thảm lụa. Tôi luôn tỉnh táo và không ngộ nhận những lời khen dành cho mình cũng như không dễ dãi với bản thân. Như vừa rồi, tôi hát bài của anh Nguyễn Cường, tôi phải đích thân đến hỏi nhạc sỹ về lịch sử bài hát, thông điệp gửi gắm để có thể tìm cách truyền tải đến khán giả một cách tốt nhất, bởi nhiều khi, chỉ cần một từ thôi cũng là "cốt" của bài hát. Nhiều người bảo tôi tỉnh táo và cẩn trọng trong mọi chuyện nhưng tôi nghĩ đó là điều tốt.
Cái tên Thái Bảo đã trở thành thương hiệu trong lòng công chúng, chị có sợ, không vượt qua được cái bóng của chính mình?
Theo thời gian, không những sắc đẹp sẽ phai tàn mà giọng hát cũng sẽ mai một. Tôi đã vượt qua đỉnh cao rồi nên tôi cố gắng để giữ hình ảnh của mình trong lòng công chúng. Tất nhiên, tôi không thể trường giọng như thời còn trẻ nhưng bằng sự trải nghiệm, khéo léo thì tôi có thể làm khác được. Liên hoan vừa rồi, nếu tôi chỉ cầm mic đứng hát một mình thì có lẽ không được giải, bởi tôi biết thế mạnh của tôi là gì. Nếu tôi không tự làm mới bản thân thì không những khán giả mà ngay cả bản thân cũng không chấp nhận được. Nếu chỉ hát tròn vành rõ chữ, hát cho trọn vẹn thì không khác gì đọc một bài diễn văn. Cái quan trọng nhất là phải kết nối được cổ họng, trái tim và cái đầu. Giọng hát là trời cho, trái tim là tình cảm, là nhiệt huyết, còn cái đầu là cách xử lý, biết lựa chọn ca khúc như vậy mới thôi miên được khán giả vào bài hát.
Chị có nghĩ, nền âm nhạc trong cơ chế thị trường sẽ làm mất đi những giá trị âm nhạc truyền thống?
Chúng ta tôn trọng nhạc truyền thống nhưng cũng không nên chê bôi nhạc thị trường, phải có nó thì các em mới có tư duy văn minh, đổi mới hơn. Thế hệ các giọng ca như Trọng Tấn, Anh Thơ, Đăng Dương, Việt Hoàn, Lan Anh... đã kế tiếp đàn anh đàn chị, góp phần gìn giữ bản sắc âm nhạc dân tộc và cho đến các thế hệ sau thì sẽ lại có những giọng ca khác duy trì và bảo tồn. Dù thuộc thế hệ đi trước nhưng tôi không lo ngại sự mất đi của dòng nhạc truyền thống vì với tôi dòng nhạc dân ca, dòng nhạc chính thống luôn là vĩnh cửu.
“Làm nghề bằng cái tâm, sống với nhau bằng cái tình”
Nói một chút về cuộc sống riêng của chị. Vợ chồng chị đều công tác trong ngành nghệ thuật, lại cùng đoàn. Chị có nghĩ đây là điều thuận lợi?
Lợi cũng có mà bất lợi cũng nhiều. Hai vợ chồng tôi ở cùng nhà hát mấy chục năm nên rất hiểu và cùng nhau chia sẻ trong công việc. Chúng tôi sống thoải mái nên không bị áp lực dù làm cùng cơ quan. Ở nhà thì là vợ chồng nhưng ở cơ quan lại là đồng nghiệp. Có những lúc cả hai bất đồng ý kiến và chúng tôi đã giải quyết bằng cách tôn trọng chính kiến của nhau. Khi tôi có khuyết điểm anh ấy sẵn sàng góp ý thẳng và ngược lại.
Vậy những khi "cơm chẳng lành", anh chị làm thế nào để hóa giải?
Vợ chồng tôi không có cảnh "bằng mặt mà không bằng lòng", bất kỳ chuyện gì xảy ra chúng tôi cũng thẳng thắn nhìn nhận và góp ý với nhau theo cách nhẹ nhàng nhất. Vì tin tưởng và quá hiểu nhau nên tất cả mọi ồn ào dư luận bên ngoài chúng tôi cũng chẳng để vào tai. Bây giờ trẻ đã qua, già đang tới, chúng tôi không mong gì ngoài có sức khoẻ dồi dào và con cái ngoan ngoãn, thành đạt. Tôi tâm niệm, làm nghề bằng cái tâm và sống với nhau bằng cái tình mới đem lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Dường như chỉ có tham gia các cuộc thi âm nhạc, các giọng ca mới có cơ hội để nổi tiếng. Trong khi đó có rất ít các cuộc thi dành cho những người theo đuổi dòng nhạc truyền thống?
Khán giả và bản thân mình cũng phải chạy theo thời cuộc, phải cập nhật cái mới. Mọi người bảo không thích Vietnam Idol, không thích The Voice nhưng vẫn phải nghe bởi ngoài đó ra thì không có gì để giải trí cả. Đúng là có ít cuộc thi âm nhạc chính thống riêng và hầu như chỉ có tham gia Sao Mai các em mới có dịp thể hiện. Bởi có mấy ai đi thi Vietnam Idol hát dân ca, có giọng ca nhạc đỏ nào lại đi thi The Voice? Đôi khi phải chấp nhận, phải có nhạc thị trường để phục vụ lớp trẻ chứ không gò ép họ được.
Loan Thanh