Anh Nguyễn Việt Linh (chủ xe chạy tuyến Hưng Nhân) cho biết: "Tôi mới mua xe được hơn 1 năm nay, phải vay đến 70% giá trị xe. Hàng tháng, trừ tiền bến bãi, tiền "lốt", thuê lái, phụ xe, tôi cũng để ra được hơn chục triệu để trả ngân hàng và lo sinh hoạt cho cả gia đình. Bây giờ bị cấm thế này thì chỉ còn nước để cho ngân hàng tịch thu nhà vì đã mang thế chấp. Xe có bán cũng chẳng được bao nhiêu vì bây giờ loại xe 24 chỗ không còn thịnh hành nữa”.
Ông Phạm Ngọc Sơn - Giám đốc công ty 27/7 (trụ sở tại huyện Đông Hưng, Thái Bình) cho biết, công ty ông có tổng cộng 12 đầu xe, tất cả đều vay ngân hàng để mua. "Bây giờ cấm thì xe không bán được, chạy thì không được phép. Cuộc sống của bao nhiêu con người, bao gia đình đang đứng trước bờ vực thẳm. Tất nhiên quy hoạch luồng tuyến không có gì sai, nhưng cần để cho các xe cùng với xe buýt tự do cạnh tranh thì sẽ công bằng và hợp lý hơn.
Công ty 27/7 hiện đang có hơn 200 lao động, khi cấm như vậy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều gia đình. Bao nhiêu năm nay các xe hoạt động không những tạo phương tiện đi lại ổn định, mà còn giúp đỡ rất nhiều các hoàn cảnh khó khăn", ông Sơn nói.
Dưới góc độ hành khách, ông Vũ Văn Lợi (ở xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã đi chạy thận suốt một thời gian dài. Lần nào ông cũng được các nhà xe ưu tiên chỗ ngồi tốt, giá cả chỉ bằng nửa xe buýt, thêm nữa lại được đưa đón tận nơi. Nếu phải đi xe buýt ông phải mất công đi bộ xa, lại không được xuống chỗ mình yêu cầu, mà nếu có chẳng may hết tiền còn không được cho đi nhờ như xe khách cố định. "Khi biết thông tin, chúng tôi đã không quản mưa nắng đi cùng nhà xe lên để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình, chúng tôi làm vì chúng tôi thật sự biết ơn các nhà xe", ông Lợi cho biết.
Bà Nguyễn Thị Sửu (ở Tây Đô, huyện Hưng Hà) chia sẻ: "Chúng tôi là những người bệnh hàng tuần đều phải đi chạy thận, nếu bỏ tuyến cố định thì hàng tháng chúng tôi sẽ phải bỏ ra thêm một số tiền kha khá để đi xe buýt. Mà những người như chúng tôi sức khỏe đã yếu lắm rồi. Trước đây, các nhà xe đưa đón tận nơi còn dễ chịu, giờ bắt đi bộ từ điểm xe buýt về nhà chắc hết hơi".
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lại Văn Hoàn - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình cho biết: "Tỉnh sẽ tìm hiểu thông tin bên sở GTVT về việc các doanh nghiệp, chủ xe phản đối việc cấm chạy tuyến cố định nội tỉnh, sau đó sẽ báo cáo UBND tỉnh về vấn đề này”.
Trong khi đó, PV đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo sở GTVT Thái Bình song chưa nhận được phản hồi.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!
Đặng Phục