Vừa qua báo Người Đưa Tin nhận được phản ánh của người dân xã Hiệp Hòa tỏ rõ sự bức xúc của họ về việc, nhiều người nằm trong danh sách được hưởng chế độ tâm thần, khuyết tật của xã nhưng thực chất lại không bị tâm thần hay khuyết tật. Trong khi đó, có những người bị tâm thần thực sự… nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền để “chạy” chế độ nên không được hưởng chế độ này.
Nằm trong danh sách người dân “tố cáo” phải kể tới là trường hợp bà Trần Thị H. (SN 1963, thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa), ông Đỗ Xuân C. (SN 1954, thôn An Để, xã Hiệp Hòa)...
Còn như trường hợp anh Vũ Văn H., SN 1980, xã Hiệp Hòa bị mất trí, làm gì cũng chậm chạp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân mẹ anh H. cũng đang bị bệnh đục thủy tinh thể, một mắt đã chữa, một mắt nhìn không rõ nhưng do quá nghèo nên đành phó mặc. Bà Th. (mẹ anh H.) đã làm đơn xin được xét duyệt chế độ hỗ trợ người tâm thần cho con trai nhưng không được?! Mong ước của người mẹ ấy bây giờ là con có thể được hưởng đúng chế độ.
Điều đáng nói, việc làm hồ sơ, giấy tờ giả cho những trường hợp không ốm đau, bệnh tật, lao động bình thường nhưng được hưởng chế độ tâm thần, khuyết tật theo người dân xã Hiệp Hòa lại có liên quan tới ông Đỗ Lương Thiện, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa.
Theo thông tin PV nhận được, hiện tại những nội dung phản ánh trên đã được người dân gửi lên Công an huyện Vũ Thư. Phía Công an huyện cũng đã cử cán bộ xuống xã để điều tra, làm rõ sự việc.
Về phía chính quyền địa phương, ông Đỗ Duy Thiện - Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết, Công an huyện cũng đã về xã để điều tra về sự việc như đơn thư phản ánh của người dân trong xã. Tuy nhiên, theo ông Thiện, theo quy định, đối với các đối tượng bị tâm thần, khuyết tật sẽ có các mức độ từ nhẹ tới nặng. Những trường hợp bị nhẹ sẽ không được hưởng chế độ. Nhưng về chuyên môn, những trường hợp bị tâm thần hay không, phía những người làm ở chính quyền địa phương như ông không thể biết được mà điều đó thuộc về cơ quan chuyên môn y tế.
Bên cạnh đó, ông Thiện cho biết, xã duyệt hồ sơ trên cơ sở đối tượng có sổ tâm thần, sổ do bệnh viện tâm thần của tỉnh cấp.
"Nhiều người dân cho rằng tôi tự quyền, tự ý trong việc này nhưng toàn bộ tôi giải quyết và làm việc dựa trên ý kiến tập thể, và theo đúng quy định, trên cơ sở hồ sơ bệnh viện cung cấp.
Nếu chỉ nói tâm thần nhưng hồ sơ, giấy tờ không có thì chính quyền địa phương cũng không biết và không giải quyết được", ông Thiện nói.
Bản thân ông Thiện cũng cho biết, trong danh sách những người bị “tố” không mắc bệnh tâm thần, khuyết tật nhưng vẫn được hưởng chế độ dành cho đối tượng này, có bà Trần Thị H. ở gần nhà ông.
Tuy nhiên, khi PV hỏi vị Chủ tịch xã Hiệp Hòa về việc, nếu nhà ở gần, ông đã từng thấy bà H. đi lang thang, nói lảm nhảm, mất trí nhớ hay không lao động được… như quá trình bệnh tật và điều trị mà trong hồ sơ phía chính quyền xã cung cấp cho PV hay chưa, thì ông Thiện không trả lời vào câu hỏi. Câu trả lời mà ông Thiện đưa ra là: “Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại”.
Đồng thời, PV cũng đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Đỗ Xuân C., người mà một số người dân xã Hiệp Hòa phản ánh có liên quan tới chuyện chạy chế độ tâm thần, khuyết tật cho người dân địa phương. Ông Đỗ Xuân C. khẳng định “không biết gì về chuyện này”. Bản thân ông chỉ làm vườn mấy chục năm nay, chẳng đi đâu cả.
“Tôi đi bộ đội, bị thương, tôi nghĩ nhận chế độ chẳng đáng bao nhiêu. Về phía chính quyền các anh quan tâm, có bệnh tật thì cứ nộp vào. Tôi nộp chế độ tâm thần từ năm 2010 khi đó đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe xuống. Có điều kiện thì cứ nộp giấy tờ vào thôi. Bạn có thể ra trạm xá xã xem. Tôi đầy đủ hồ sơ giấy tờ, bệnh án”, ông C. chia sẻ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới độc giả về sự việc này!
Nguyễn Huệ - Hương Lan