Lao đao, kiệt quệ về kinh tế khi suy thận giai đoạn cuối
Thời gian qua, PV Người Đưa Tin nhận được phản ánh của một số bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại khoa Thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Thái Bình về tình trạng hệ thống máy chạy thận nhân tạo gặp sự cố, khiến việc điều trị cho bệnh nhân ngày càng trở nên khó khăn, vất vả.
Anh N.V.N. (trú tại Tp.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cho hay, vợ anh là chị P.T.D. năm nay mới ngoài 30 tuổi nhưng đã bị suy thận mạn giai đoạn 5.
“Vợ tôi là người cam chịu, khi bệnh còn nhẹ thì giấu không cho mọi người trong gia đình được biết. Đến khi bệnh trở nặng, vợ tôi vào BVĐK tỉnh để khám thì đã trở nặng rồi. Tôi mong muốn vợ được chạy thận nhân tạo ngay tại BVĐK tỉnh Thái Bình nhưng vô cùng khó khăn vì khoa này lúc nào cũng chật cứng các bệnh nhân, luôn trong tình trạng quá tải và không còn "lốt" để xếp hàng nữa”, anh N. chia sẻ.
Khi chưa có "lốt" để chạy thân nhân tạo, cuối tháng 9/2021, khoa Thận nhân tạo thuộc BVĐK tỉnh Thái Bình lại bất ngờ gặp sự cố, khiến hàng chục máy chạy thận phải ngưng hoạt động.
Phía BVĐK tỉnh Thái Bình đã thông báo tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân và đề nghị họ về các bệnh viện tuyến dưới thuộc các huyện để tiếp tục được chạy thận.
Nhờ cậy được một số mối quan hệ, chị D. đã được chạy thận tại BVĐK huyện Tiền Hải. Mỗi tuần 3 lần, chị D. phải đi xe máy từ nhà đến bệnh viện tổng quãng đường đi và về là gần 50km để được chạy thận.
Anh N. buồn bã: “Khổ lắm anh ạ, vợ chồng tôi chỉ là lao động tự do, không có điều kiện để thuê taxi đến bệnh viện. Mỗi lần cả đi và về là 600 nghìn đồng, 1 tháng sẽ hết hơn 7 triệu tiền taxi, nên thôi, giờ vợ tôi còn khỏe nên cố gắng đi bằng xe máy, sau này yếu thì tính phương án khác”.
Cũng bị suy thận mạn giai đoạn cuối, anh H.V.C. ở vào hoàn cảnh có phần bị đát hơn. Anh C. mới gần 30 tuổi, độ tuổi vẫn còn rất trẻ, phát hiện bệnh từ tháng 5/2021. Khi biết người chồng mang bệnh trọng và xác định suốt quãng đời còn lại sẽ phải gắn bó với máy chạy thận và rất tốn kém về kinh tế, vợ anh C. đã bỏ anh mà đi và mang theo đứa con nhỏ.
Cay đắng vì số phận hẩm hiu, nghĩ đến con, anh C. vẫn cố gắng chữa bệnh. Khi hệ thống máy chạy thận BVĐK tỉnh Thái Bình gặp sự cố, anh đã phải sang tận Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng để được chạy thận. Thời gian gần đây, khi BVĐK huyện Quỳnh Phụ có "lốt", anh đã về đây chạy thận để giảm bớt chi phí cũng như thuận tiện đi lại hơn trong khi chờ BVĐK tỉnh khắc phục sự cố hệ thống máy chạy thận.
“Giờ biết làm sao được anh, em được bảo hiểm thanh toán 80% chi phí chữa trị nhưng hàng tháng cũng phải mất 7 – 8 tiền thuốc và các chi phí khác không có trong danh mục bảo hiểm. Sau khi chạy thận, cơ thể khỏe khoắn hơn em mới lại có thể đi làm để trang trải cuộc sống. Mình không thể gục ngã được anh ạ”, anh C. nói.
Chưa rõ nguyên nhân sự cố hệ thống chạy thận nhân tạo
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Dương Minh Tuấn thuộc phòng Kế hoạch tổng hợp BVĐK tỉnh Thái Bình cho hay, khoa Thận nhân tạo là nơi đang điều trị cho khoảng 180 bệnh nhân suy thận mạn, hầu như đã ở vào giai đoạn cuối.
Khoa Thận nhân tạo có khoảng 30 máy chạy thận, thời điểm gặp sự cố chỉ xảy ra trên một số máy, bệnh nhân có các triệu chứng sốt, rét, đau mỏi người… Vì các máy được kết nối trên cùng một hệ thống nên BVĐK tỉnh Thái Bình đã cho ngưng toàn bộ các máy chạy thận để tìm hiểu nguyên nhân.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Công tác xã hội thuộc BVĐK tỉnh Thái Bình thông tin: “Không rõ nguyên nhân gì dẫn đến tình trạng xảy ra đối với các bệnh nhân nên phía bệnh viện đã cho ngưng toàn bộ hệ thống máy chạy thân để kiểm tra tổng thể. Sau khi hoàn tất khắc phục sự cố, bệnh viện đã gửi các mẫu nước tới Viện Sức khoản nghề nghiệp và môi trường thuộc Bộ Y tế để xét nghiệm và cho kết quả tốt nên bệnh viện đã đề xuất lên Sở Y tế tỉnh Thái Bình để khoa Thận nhân tạo được hoạt động trở lại”.
Đón tiếp bệnh nhân trở lại điều trị
Từ ngày 29/9 – 12/10, sau khi phát hiện các triệu chứng khác lạ khi bệnh nhân đang tiến hành chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Thái Bình, ngày 14/10, Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã có Công văn hỏa tốc gửi đến các bệnh viện có hệ thống máy chạy thận trên toàn tỉnh tiếp nhận các bệnh nhân đến điều trị trong khi chờ BVĐK tỉnh Thái Bình khắc phục sự cố. Đồng thời, mời các chuyên gia của Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ chuyên môn cũng như tìm hiểu nguyên nhân, khắc phục sự cố. Sở Y tế cũng đã báo cáo với UBND tỉnh Thái Bình về sự cố kể trên.
Trong vòng 11 ngày tạm dừng hoạt động thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Thái Bình đã triển khai các hoạt động tìm hiểu nguyên nhân, mời chuyên gia của Bệnh viện Thận Hà Nội về phối hợp, rà soát toàn bộ quy trình liên quan đến hoạt động thận nhân tạo.
Theo ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình, đến thời điểm hiện tại, việc khắc phục sự cố đã xong, BVĐK tỉnh Thái Bình đã có báo cáo gửi cho đơn vị và đơn vị cũng đã báo cáo với UBND tỉnh Thái Bình vào ngày 26/10 để khoa Thận nhân tạo tiếp tục hoạt động trở lại phục vụ bệnh nhân.
“Khoa Thận nhân tạo đã mở cửa trở lại và bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân đang điều trị tại tuyến dưới trở về điều trị. Bệnh viện không từ chối một trường hợp nào nhưng sẽ luôn ưu tiên cho những bệnh nhân có bệnh lý nặng, giai đoạn cuối và có bệnh nền. Đối với các bệnh nhân phát hiện sớm, chỉ phải lọc máu và chạy thận nhân tạo thì chúng tôi khuyên nên ở bệnh viện tuyến dưới vì với tình trạng như thế này, mỗi ngày phải chạy 4 ca, khoa Thận nhân tạo đang ở vào tình trạng quá tải”, ông Dương Minh Tuấn, phòng Kế hoạch tổng hợp, BVĐK tỉnh Thái Bình nói thêm.
(Tên bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã được thay đổi)