Những phận đời buồn tủi
Theo một số tài liệu còn ghi chép lại thì thái giám ra đời từ rất sớm, ngay từ thời Tây Chu ở Trung Quốc (1066 - 770 TCN) đã xuất hiện và là sản phẩm đặc thù của chế độ phong kiến phương Đông. Họ được coi là một nét khắc họa độc đáo của cung đình phong kiến xưa nay khi không bị sức ép thời gian vạch dấu ấn lên những thay đổi giới tính và tuổi tác. Căn nguyên của việc này là do họ đã bị cắt mất khả năng sinh dục của đàn ông.
Chùa Từ Hiếu, nơi có khu nghĩa trang thái giám độc nhất vô nhị tại Việt Nam.
Nhiệm vụ của họ là hầu hạ, cận kề với số thê thiếp đếm không xuể của chủ nhân mà vẫn bất lực, không thể tòm tem được với ai do đã mất đi sinh thực khí. Chính vì không còn niềm vui nào trong cuộc sống, không còn bị gánh nặng bởi trách nhiệm "nối dõi tông đường" níu kéo, sau này họ được đưa vào làm việc trong cung cấm, được vua đặc biệt tin cậy, giao nhiệm vụ chăm sóc các hoàng hậu, cung nữ yêu của mình.
Hằng ngày, các thái giám sẽ hầu hạ vua, hoàng thái hậu, các cung tần mỹ nữ. Một số thái giám khác được điều sang phục dịch, hầu hạ các cung phi goá bụa của vua đời trước. Đặc biệt, thái giám còn là người tuyển lựa hoặc ghi chép tên cung phi và ngày giờ vua "ân sủng" để báo cho Quốc sử quán ghi vào sổ nhằm theo dõi tránh những chuyện rắc rối, nhầm lẫn về sau. Và chính điều này tạo nên đặc quyền riêng của các thái giám, bởi không phải cung phi, mỹ nữ nào cũng may mắn được phục vụ vua.
Đối với thái giám thì bộ phận đã bị cắt rời là một "bảo vật" cực kỳ quan trọng. Nó được xử lý bằng những kỹ thuật riêng ngay sau khi cuộc phẫu thuật kết thúc, thường là tẩm vôi bột để làm sạch, khô ráo. Sau đó, họ dùng vải hay giấy bản lau sạch rồi đem "bảo vật" qua tẩm ướp bằng hương liệu, đặt vào trong một chiếc bình và niêm phong lại. Thái giám phải cất giữ nó rất cẩn thận, bởi mỗi lần thăng quan, tiến chức họ phải đem trình "bảo vật" đó cho một nhóm gồm những quan có tước phẩm cao thuộc bộ hình của triều đình kiểm tra. Cũng có khi vì một lý do nào đó, hoạn quan phải mua hoặc thuê "bảo vật" của người khác. Tuy nhiên, việc này tốn rất nhiều tiền và nguy hiểm, vì nếu lộ ra thì có thể nhẹ là bị chém đầu nặng hơn là liên lụy đến cả họ.
Có một nguyên nhân nữa khiến "bảo vật" bị cắt rời thật sự trở thành vật quý của người bị thiến, đó là khi chết nó sẽ được đặt vào trong quan tài, bên cạnh chủ nhân. Khổ chủ tin rằng, nếu có kiếp sau được đầu thai trở lại với "bảo vật" bất ly thân, họ sẽ được làm một con người hoàn chỉnh. Đối với tổ tiên, cha mẹ, họ tự coi mình là tội nhân bất hiếu do người xưa vốn rất coi trọng nghĩa vụ truyền giống, phê phán, kết tội nặng những kẻ tuyệt hậu nên đã có câu: "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" (Có ba điều bất hiếu, lớn nhất là không có con nối dõi tông đường). Vì thế họ bị người đời coi thường, khinh rẻ. Sống với mặc cảm ấy nên họ luôn bị nỗi dằn vặt ám ảnh suốt đời.
Khu mộ thái giám tại chùa Từ Hiếu.
Những nấm mồ hoang lạnh
Là triều đại phong kiến cuối cùng tại Việt Nam nên nhà Nguyễn vẫn duy trì một đội ngũ thái giám khá lớn trong cung cấm. Theo sử cũ, ước lượng ở giai đoạn đầu triều Nguyễn, mỗi thời thường xuyên có khoảng 200 người, về sau giảm bớt một chút. Đội ngũ thái giám thời kỳ này cũng được chia thành 5 đẳng. Thấp nhất là Thừa biện và Cung phụng, hưởng bổng lộc của triều đình, 2 quan tiền và 2 phương gạo/tháng. Cao nhất là Quảng vụ, được cấp 6 quan tiền và 4 phương gạo. Riêng đối với những thái giám là thân cận của vua, hoàng hậu hoặc hoàng thái hậu thì có nhiều quyền lực và đặc ân.
Tuy nhiều quyền lực, bổng lộc đến đâu nhưng nỗi ám ảnh lớn nhất đối với những thái giám chính là sau này khi nhắm mắt xuôi tay không có người chăm lo hương khói, cúng giỗ cho mình. Vì không còn khả năng sinh con nên nhiều thái giám đã chọn cách nhận con nuôi để tránh việc hương tàn khói lạnh sau này. Ngoài việc nhận con nuôi, một số thái giám đã gom tiền của tìm đất lành, công đức xây chùa để được lo lắng hậu phần sau này. Trong đó, chùa Từ Hiếu (thuộc làng Dương Xuân Thượng, phường Thủy Xuân, TP.Huế) nằm ở phía Tây Nam kinh thành Huế là một trong những ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời gắn liền đất Cố đô xưa. Đặc biệt là nơi đây vẫn còn lưu lại một khu nghĩa trang dành riêng cho thái giám, độc nhất vô nhị tại Việt Nam.
Tiền thân của chùa Từ Hiếu là An Dưỡng Am được xây dựng do nhà sư Nhất Định, một vị tăng uyên bác, thông tuệ nội điển được cả triều đình Huế kính nể lập lên từ khoảng đầu thế kỷ XIX để làm nơi tịnh tu. Đến năm 1843, dưới thời vua Thiệu Trị, quan thái giám Châu Phước Năng do ý thức và lo lắng rằng sau này khi mình nằm xuống do không có con nối dõi, bát hương sẽ nguội lạnh trong những ngày cúng giỗ nên đã đứng ra quyên tiền góp của để trùng tu xây dựng An Dưỡng Am thành một ngôi chùa khang trang với mong muốn sau này làm nơi yên nghỉ, hương khói. Về sau, An Dưỡng Am được vua Tự Đức sắc phong "Sắc tứ Từ Hiếu tự", từ đó chùa chính thức có tên là Từ Hiếu và tất cả những thái giám trong triều Nguyễn có phần công đức tại chùa sau khi mất đều sẽ được nhà chùa mai táng, chôn cất và hương khói ngày cúng giỗ. Bởi vậy, chùa Từ Hiếu còn được gọi là "chùa Thái giám" hay "chùa Hoạn quan".
Nằm cách chính điện khoảng 50m về phía bên trái của chùa Từ Hiếu chính là khu mộ địa của các quan thái giám với hơn 20 ngôi mộ được chia thành 3 dãy, trên mỗi bia mộ đều có khắc tên tuổi, quê quán, pháp danh, chức vụ và ngày mất của từng người. Hàng thứ nhất mộ to, hàng thứ ba mộ nhỏ hơn hàng thứ hai vì được xếp theo chức vụ của quan Thái giám xưa. Hằng năm, cứ đến ngày rằm tháng 11 âm lịch, nhà chùa lại đứng ra tổ chức ngày giỗ chung để tưởng nhớ đến công đức những người đã mất, trong đó có các quan thái giám triều Nguyễn.
Đẻ thái giám cho làng nhờ Theo các nhà nghiên cứu, dưới triều Nguyễn có hai loại thái giám: Giám sinh tức là người sinh ra đã không có bộ phận sinh dục. Theo quy định của triều đình, gia đình nào có người sinh con như vậy thì phải báo lên cho triều đình biết thông qua lý trưởng của làng. Lý trưởng báo huyện, huyện báo tỉnh, tỉnh báo lên Bộ Lễ, Bộ Lễ báo vua. Vua ra sắc chỉ truyền về làng đó và yêu cầu cha mẹ đứa bé phải nuôi dạy cho tốt đến 7-8 tuổi. Cha mẹ đứa bé đó sẽ được hưởng một số ruộng đất mà làng ban cho để làm ăn sinh sống và nuôi đứa bé. Đến 7-8 tuổi thì được chuyển lên Bộ Lễ, đứa bé được dạy dỗ các phong tục, phép tắc trong triều, đến khi thành thục sẽ được vào cung. Vì vậy mà người ta có câu "đẻ ông Bộ cho làng nhờ" có nghĩa là đứa bé đó sẽ được chuyển về Bộ Lễ, gia đình đó được ban ruộng đất và cả làng sẽ được miễn thuế trong vòng 3 năm. Một dạng nữa là Giám lặt, đó là những con người bình thường khi đến độ tuổi 18 trở lên thì tự nguyện thiến bộ phận sinh dục để vào phục vụ trong cung cấm. |
Phạm Sơn