Suthasi, sinh viên luật tại Đại học Thammasat (Thái Lan), từng không ra khỏi nhà nhiều ngày vì lo sợ bầu không khí ô nhiễm của Bangkok gây hại sức khỏe. “Khi tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, tất cả đều mờ đi vì bụi. Tôi không muốn hít thở bầu không khí đó”, cô nói.
Đó là những gì cô Suthasi đã trải qua khi Bangkok phải gánh chịu giai đoạn nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí vào năm 2019.
Ở thời điểm đó, gần 450 trường học ở Bangkok phải đóng cửa trong nhiều ngày khi khói bụi và sương mù dày đặc bao trùm thành phố. Người dân lo sợ cho sức khỏe của họ. Trong khi đó, các chuyên gia đổ lỗi cho chính sách thất bại của Chính phủ Thái Lan dẫn đến cuộc khủng hoảng chất lượng không khí ở thủ đô.
Chất lượng không khí ở thành phố gần 10 triệu dân đã giảm rõ rệt trong những năm gần đây, theo Reuters.
Năm 2020, nhiều dự án xây dựng lớn được yêu cầu tạm dừng để không khiến tình trạng tồi tệ hơn. Thành phố cũng thiết lập nhiều trạm kiểm soát để kiểm tra lượng khí thải của các phương tiện giao thông. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân Bangkok vẫn bị ảnh hưởng đáng kể.
“Nó (ô nhiễm không khí) ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của tôi. Mỗi khi tôi ra ngoài, mũi và cổ tôi cảm thấy rất rát. Khi tôi ho, mọi người thậm chí đã nghi ngờ tôi có mắc Covid-19 hay không”, cô Sarunya Poungsumdee, một cư dân ở Bangkok, cho biết.
Trong những ngày khói bụi và sương mù dày đặc, nhiều người dân buộc phải ở trong nhà và cố gắng tránh mọi hoạt động ngoài đường phố. “Tôi ăn những gì còn trong nhà và cố gắng không ra ngoài”, cô Suthasi nói. Cô cũng cho rằng chính phủ đã phản ứng quá muộn. "Nếu họ không làm bất cứ điều gì, tình trạng này sẽ tiếp tục trở lại vào mùa đông".
Môi trường không phải thách thức duy nhất, Bangkok đang phải đối mặt với một loạt vấn đề khác như mật độ dân cư cao, nạn ùn tắc giao thông nghiêm trọng, mực nước biển dâng đe dọa gây ra ngập lụt nghiêm trọng trong tương lai…
Theo báo cáo của Công ty công nghệ địa lý Tom Tom năm 2018, Bangkok là thành phố có tình trạng tắc đường tệ thứ 8 thế giới.
Thành phố này còn được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, bên cạnh Jakarta và Thủ đô Manila. Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 40% Tp.Bangkok sẽ bị ngập lụt vào năm 2030 do mưa cực đoan và những thay đổi về các kiểu thời tiết. Vấn đề càng thêm nghiêm trọng khi Bangkok và Jakarta thuộc số những thành phố đang sụt lún nhanh nhất thế giới. Cư dân tại 2 thành phố này đang đối mặt tình trạng nước biển dâng, ngập lụt kinh hoàng, nhất là vào mùa mưa.
Tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật Bản) dẫn thông tin từ Viện nghiên cứu Deltares của Hà Lan cho biết, thủ đô 10 triệu dân của Indonesia đang sụt lún nhanh nhất thế giới - khoảng 7,5-10 cm/năm. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cảnh báo vấn đề này sẽ còn thêm nghiêm trọng do mưa lớn, sự đình trệ trong các dự án thoát nước và tình trạng bơm nước ngầm mất kiểm soát. Cũng theo JICA, Bangkok đang sụt lún 2 cm mỗi năm.
Trước những thách thức đô thị đang ngày càng gia tăng, việc di dời thủ đô được xem là một lựa chọn đầy hứa hẹn cho thế hệ tương lai.
Tháng 9/2019, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tuyên bố việc di chuyển thủ đô là điều “có thể”. Phát biểu tại Hội nghị Kết nối Thái Lan với thế giới hôm 18/9/2019, ông Prayut nói về 2 lựa chọn cho bước đi tiềm tàng này.
"Phương án thứ nhất là tìm một thành phố không quá xa và chi phí di dời không quá cao. Phương án thứ hai là đưa trung tâm hành chính ra ngoại ô Bangkok để giảm tình trạng quá tải".
Tuyên bố của ông Prayut có thể được lấy cảm hứng từ quyết định xây dựng thủ đô mới thay cho Jakarta của Chính phủ Indonesia. Jakarta cũng phải đối mặt với các vấn đề tương tự Bangkok.
Đây không phải lần đầu tiên Thái Lan tính đến việc chuyển thủ đô. Chính phủ của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra từng tính tới phương án dời các cơ quan chính phủ tới tỉnh Nakhon Nayok, cách Bangkok khoảng 100 km về phía đông bắc. Tỉnh Chachoengsao, cách Bangkok khoảng 80 km về phía đông, cũng từng được tính đến.
Tuy vậy, sau hơn 2 năm kể từ tuyên bố của ông Prayut, dường như Chính phủ Thái Lan không có động tĩnh gì về một kế hoạch “dời đô”. Thậm chí, ông Prayut còn không yêu cầu các cơ quan thực hiện nghiên cứu một cách nghiêm túc về vấn đề này, theo Tổng thư ký Hội đồng Kinh tế và Phát triển xã hội Quốc gia Thái Lan Thosaporn Sirisamphand.
“Chuyển thủ đô là vấn đề lớn, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan”, ông Thosaporn nói, theo Bangkok Post.
Các chuyên gia nhận định, việc giải quyết các vấn đề của Bangkok dễ dàng và tiết kiệm hơn so với việc tìm cách rời đi. Theo ông Issara Boonyoung, Chủ tịch danh dự Liên đoàn Doanh nghiệp Nhà ở Thái Lan, việc dời thủ đô khỏi Bangkok là “không thể”.
“Xây dựng một thủ đô mới là điều dễ dàng”, ông nói. “Nhưng Bangkok là trung tâm của quá nhiều thứ. Câu nói “Bangkok là Thái Lan, Thái Lan là Bangkok” không hề sai. Đây là nơi có cung điện, các cơ quan hàng đầu, bệnh viện đẳng cấp quốc tế và các trường đại học tốt nhất. Di chuyển tất cả về thủ đô mới sẽ khó khăn”.
Nhiều thủ đô ở khu vực Đông Nam Á cũng đang đối mặt với những thách thức về môi trường và giao thông tương tự Bangkok. Do đó, kế hoạch “dời đô” được xem là một lựa chọn đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, việc từ bỏ những địa điểm gắn liền với lịch sử và hình ảnh đất nước vốn không phải điều dễ dàng, đòi hỏi nhiều chi phí, nguồn lực và thời gian.
Minh Hoa (t/h theo Zing, Người Lao Động)