Thái Lan đề xuất ASEAN họp kín
Theo thông báo của Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkaew, các bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã đồng ý họp kín để thống nhất lập trường về tranh chấp Biển Đông trước khi bước vào cuộc gặp với Trung Quốc dự kiến vào tháng 8 tới đây. Cũng trong thông báo, cuộc họp kín sẽ được tổ chức vào khoảng cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 để thành lập một mặt trận thống nhất về vấn đề "nóng" hiện nay.
Philippines tin vào "chiến thắng của luật pháp" Nói về vụ kiện Trung Quốc của Philippines, Tổng biện lý Philippines Francis Jardeleza tuyên bố: "Philippines đang tìm kiếm một chiến thắng của luật pháp chứ không phải là một thắng lợi tinh thần. Philippines tin tưởng, cộng đồng quốc tế sẽ thuyết phục Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết vì việc không công nhận chỉ làm tổn thương hệ thống pháp luật quốc tế mà tất cả các quốc gia, bất kể mạnh hay yếu đều phải dựa vào". |
Được biết, Thái Lan đã đưa ra đề xuất về cuộc họp cấp bộ trưởng Ngoại giao này ngay tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 diễn ra trong hai ngày 24/4 - 25/4 vừa rồi tại thủ đô của Brunei.
Nói về mặt trận thống nhất này, ông Phuangketkaew giải thích, ASEAN không có ý định đối đầu với Trung Quốc mà muốn đàm phán trong hòa bình, nhưng ASEAN cũng cần có lập trường chung để giữ mối quan hệ mang tính xây dựng.
Nhân dịp này, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines cũng bác bỏ lời kêu gọi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu Philippines rút hết dân cư và các trang thiết bị khỏi tám điểm đảo thuộc các hòn đảo và bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham - khu vực tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc để "trả cho Trung Quốc".
Phát ngôn viên này cũng cho biết thêm, trong khi chờ đợi phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines về tranh chấp chủ quyền này, Philippines sẽ duy trì thực thi chủ quyền ở các khu vực Philippines vẫn quản lý từ trước đến nay.
Tổng biện lý Philippines Francis Jardeleza.
Cũng trong thời gian này, tờ Phil Star của Philippines đưa tin, Tư lệnh hải quân Philippines Jose Luis Alano đã có cuộc hội đàm với Tư lệnh tác chiến của hải quân Mỹ Jonathan Greenert tại Lầu Năm Góc để thảo luận về tình hình an ninh biển Đông và hợp tác hải quân.
Trong cuộc hội đàm, Tư lệnh Jose Luis Alano đã lên tiếng chỉ trích việc hải quân Trung Quốc thực hiện các cuộc tập trận hồi tháng trước trên Biển Đông, đồng thời phản đối việc triển khai các tàu tuần tra ở Biển Đông của Trung Quốc. Theo tư lệnh, đó là một hành động gây hấn và hết sức quá đáng đối với các nước có chủ quyền trong khu vực này.
Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc?
Đối thoại an ninh quân sự Trung Quốc - Philippines Tờ China Daily của Trung Quốc cho hay, vừa qua, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines đã sang Trung Quốc, tham dự cuộc đối thoại quốc phòng an ninh Trung Quốc - Philippines tại lầu Bát Nhất - trụ sở Bộ Quốc phòng Trung Quốc tại Bắc Kinh. Cuộc đối thoại do Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Thích Kiến Quốc chủ trì. Hai bên cùng trao đổi nhiều vấn đề về tình hình an ninh khu vực, an ninh biển, quan hệ giữa quân đội hai nước và những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Cuộc đối thoại này là một cuộc họp khá hiếm hoi trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước liên tục căng thẳng sau những động thái "ngang nhiên" của Trung Quốc tại biển Đông, nhất là từ sau khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham hồi năm ngoái. Thông tin chi tiết về cuộc đối thoại an ninh quân sự không được tiết lộ nhưng theo một số thông tin từ báo giới, ông Thích Kiến Quốc nhấn mạnh quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Manila đang ở trong "thời kỳ và bối cảnh cực kỳ đặc biệt". |
Cũng như vấn đề Biển Đông, vùng biển Hoa Đông đang khá "nóng" về việc tranh chấp chủ quyền trong thời gian gần đây. Tờ Jiji Press của Nhật đưa tin, tại một cuộc họp báo ngày 26/4 ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là "vấn đề về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc nên quần đảo này là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc".
Theo tờ Jiji Press, đây cũng là lần đầu tiên phía Trung Quốc công khai khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc một cách "thẳng thừng" đến thế.
Cùng ngày, ông Hideshi Tokuchi, Cục trưởng Cục Chính sách quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật đã có cuộc hội đàm với Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Trung Quốc Quan Du Phi.
Đây là cuộc gặp quan chức quốc phòng cao cấp đầu tiên diễn ra giữa hai nước kể từ khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012.
Trong cuộc hội đàm, hai bên đã thảo luận các biện pháp cải thiện và nâng cao phương thức trao đổi thông tin giữa hai nước, để phòng tình huống khẩn cấp xảy ra khi có cuộc đối đầu ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhằm tránh gây ra thiệt hại cho cư dân sống tại đó.
Nội dung cuộc họp không được công khai chi tiết nhưng một quan chức trong phái đoàn Nhật tiết lộ, Cục trưởng Hideshi Tokuchi đã đưa ra lời kêu gọi Trung Quốc cần sớm xây dựng cơ chế liên lạc song phương trên biển nhằm kiểm soát và quản lý khủng hoảng an ninh hàng hải.
Còn tờ Asahi Shimbun của Nhật lại đưa tin, trước đó, nội các Nhật đã thông qua kế hoạch năm năm chính sách đại dương. Theo đó, Nhật sẽ tăng cường giám sát các vùng biển bằng cách tổ chức lại và trang bị máy bay, tàu cho lực lượng phòng vệ và cơ quan tuần duyên.
Bên cạnh đó, nước này cũng cải thiện việc chia sẻ thông tin và tăng cường tập luyện giữa hai lực lượng này. Hơn nữa, lực lượng an ninh hàng hải được phép xử lý “thích đáng” đối với tàu nước ngoài đi vào và neo đậu trong lãnh hải Nhật mà không có bất kỳ lý do khẩn cấp nào.
An Mai (Theo Bangkok Post/GMA News)