Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã không vượt quá giới hạn nhiệm kỳ theo Hiến pháp Thái Lan là 8 năm, vì thời gian ông là lãnh đạo chính phủ quân sự sau cuộc chính biến năm 2014 không được tính, Tòa án Hiến pháp của quốc gia Đông Nam Á đã ra phán quyết hôm 30/9.
Tòa án Hiến pháp, trong bản phán quyết dài 25 phút hôm 30/9, cho biết nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Prayuth sẽ được tính từ năm 2017, khi Hiến pháp mới của Thái Lan được ban hành.
Trước đó, tòa án này đã đình chỉ công tác của ông Prayuth, 68 tuổi, trong thời gian chờ phán quyết.
Phe đối lập đã đệ trình vụ việc, đặt câu hỏi liệu thời gian của ông Prayuth trên cương vị người đứng đầu quân đội có được tính vào tổng số năm cầm quyền của ông hay không.
Ông Prayuth chính thức trở thành người đứng đầu chính phủ quân sự Thái Lan vào tháng 8/2014 và được bổ nhiệm làm Thủ tướng một lần nữa sau cuộc bầu cử năm 2019.
Thủ tướng Prayuth và những người ủng hộ ông cho rằng nhiệm kỳ của ông chỉ bắt đầu được tính khi Hiến pháp Thái Lan hiện hành, vốn đã thiết lập giới hạn nhiệm kỳ Thủ tướng, có hiệu lực vào tháng 4/2017. Trong phán quyết của mình, hội đồng tòa án gồm 9 thành viên đồng tình với đánh giá đó.
Điều đó sẽ cho phép ông Prayuth tiếp tục công tác cho đến năm 2025 nếu ông tái đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của quốc gia Đông Nam Á.
Trước khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết, ông Mark Cogan, phó giáo sư nghiên cứu về hòa bình và xung đột tại Đại học Kansai Gaidai ở Nhật Bản, nhận định rằng một kịch bản có thể xảy ra là phán quyết của tòa án rằng nhiệm kỳ của ông Prayuth bắt đầu vào năm 2017.
“Đó có lẽ là giải pháp khả dĩ nhất”, ông Cogan nói, và cho biết thêm rằng kết quả như vậy sẽ gây ra “ít thiệt hại nhất về mặt chính trị” và cho phép “một quá trình chuyển giao suôn sẻ” cho ông Prayuth.
Minh Đức (Theo DW, Al Jazeera)