Sáng 28/12, thông tin với phóng viên Người Đưa Tin, ThS. BS. Đặng Quang Dũng, Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức, bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết, vào khoảng hơn 18h ngày 27/12/2019, Khoa Cấp Cứu đã tiếp nhận 4 trường hợp do bị chó tấn công.
Các nạn nhân trú tại TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Trong đó, cháu N.T B. (4 tuổi) bị nặng nhất, cháu nhập viện trong tình trạng rách vùng cổ ngực, cánh tay trái chảy nhiều máu. Vết thương ngang vùng cổ hở khí quản là nặng nhất .Được bác sĩ chẩn đoán vết thương đứt khí quản, đa vết thương.
Ngoài ra mẹ của cháu bị chó cắn khiến vùng mặt bị thương nặng, 2 người bác là chủ của con chó vào can cũng đều bị chó cắn dẫn đến bị thương. Sau khi được điều trị, tình hình sức khoẻ của 3 người này đã ổn định.
"Về cháu bé, sau khi mổ cấp cứu khâu lỗ thủng khí quản, khâu cầm máu các vết thương đầu, mặt và tay cháu đã qua được cơn nguy kịch. Hiện tại cháu có thể nghe và phản ứng lại được nhưng vẫn đang thở máy và được các bác sĩ tích cực theo dõi", bác sĩ Dũng cho hay.
Trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm về trường hợp người lớn và trẻ em bị chó cắn, để lại hậu quả rất nghiêm trọng như vụ cháu bé 7 tuổi bị đàn chó của hàng xóm cắn tử vong tối 3/4/2019, tại thôn Đồng Lý, thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, Hưng Yên.
Hôm 19/4/2019, tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cũng đã xảy ra vụ việc một bé trai 7 tuổi bị chính con chó của gia đình mình nuôi tấn công. Sau khi được đưa xuống bệnh viện Việt Đức cấp cứu cháu cũng không qua khỏi.
Bởi vậy, những gia đình có con nhỏ nên hạn chế nuôi chó. Mặt khác, các hộ nuôi chó phải chấp hành đầy đủ việc tiêm phòng dại, rọ mõm cho chó khi thả rông, đặc biệt cần cách ly với trẻ nhỏ.