Như Người Đưa Tin đã phản ánh qua bài viết Thái Nguyên: Người dân chịu khổ với mỏ khai thác đất, phản ánh về việc mỏ khai thác đất tại tỉnh Thái Nguyên hoạt động có nhiều dấu hiệu sai phạm như không lắp đặt trạm cân, gây ô nhiễm và xe tải cơi nới thành thùng, tiềm ẩn mất an toàn giao thông.
Để làm rõ những thông tin phản ánh, PV đã liên hệ tới chính quyền địa phương nhưng không nhận được phản hồi. Để làm rõ những phản ánh nêu trên, góp phần giúp chính quyền nắm bắt những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, cũng như tuân thủ theo quy định về cung cấp thông tin theo Luật báo chí, đề nghị chính quyền địa phương sớm có thông tin để rộng đường dư luận.
Trước đó, chúng tôi nhận được phản ánh từ người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên về tình trạng một công ty khai thác khoáng sản có dấu hiệu khai thác vượt quá mức cho phép, nhiều xe trọng tải lớn có dấu hiệu quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng được sử dụng trong quá trình vận chuyển đất ra khỏi mỏ.
Những phương tiện này chạy suốt ngày đêm, không những làm vương vãi đất gây bụi mù mịt, ô nhiễm môi trường mà nhiều xe phóng nhanh vượt ẩu, chèn ép người đi đường, gây mất an toàn giao thông. Tình trạng này diễn ra liên tục trong vài tháng gần đây gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, sức khoẻ thậm chí có nguy cơ đe doạ tính mạng của bà con nhân dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỏ khai thác đất này được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1312/GP-UBND với công suất khai thác là 70.000 m3/năm trên trữ lượng khai thác 398.550 m3 trong thời hạn 5 năm 08 tháng kể từ ngày 17/06/2022.
Tuy nhiên, qua nhiều ngày ghi nhận, PV thấy rằng khu vực khai thác mỏ không có trạm cân, cầu rửa, không có camera giám sát. Một số người dân sinh sống gần khu vực khai thác mỏ khoáng sản còn bức xúc khi nhận thấy có dấu hiệu khai thác không đúng với thời gian cho phép theo quy định pháp luật.
Anh T.Q.S - một người dân sống gần đó cho hay: “Theo tôi được biết, thời gian khai thác chỉ trong giờ hành chính từ 7h sáng đến 5h chiều. Nhưng những xe tải trọng lớn này hoạt động không vào giờ giấc nào, lại phóng nhanh vượt ẩu, làm ô nhiễm khói bụi. Việc khai thác phải có kế hoạch, chỉ hoạt động trong một khung giờ nhất định đã được cơ quan chính quyền có thẩm quyền phê duyệt chứ không thể khai thác ngày đêm như vậy được”.
Anh N.V.T - một người dân khác đặt ra câu hỏi: “Nếu công trường khai thác không lắp đặt camera giám sát, không lắp trạm cân, cầu rửa, thì liệu rằng có kiểm soát được lượng khoáng sản khai thác hay không? Nếu khai thác vượt quá trữ lượng cho phép, ảnh hưởng đến tài nguyên thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”.
Tiếp tục ghi nhận phản ánh của người dân sống trong khu vực, phóng viên đã có mặt tại hiện trường và nhận thấy, nhiều xe trọng tải lớn hoạt động trong khu vực khai thác khoáng sản này có dấu hiệu quá khổ quá tải. Những phương tiện này được cho là của đơn vị vận tải Nam Phong, có tần suất chạy dày đặc và lấy đất, đá từ mỏ khai thác đất để vận chuyển san lấp cho các công trình xung quanh trên địa bàn.
Trả lời về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, GĐ Công ty Luật TNHH Quốc tế nhận định, công ty này có dấu hiệu vi phạm về quản lý khai thác khoáng sản. Theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết việc thi hành một số điều của Luật khoáng sản Điều 42 “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan”. Như vậy, việc lắp đặt trạm cân giúp cho việc xác định sản lượng khoáng sản khai thác được chặt chẽ, tránh để thất thoát tài nguyên.
Theo Điều 41 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, Công ty khai thác khoáng sản sẽ chỉ có quyền khai thác trong phạm vi công suất, khối lượng được cấp phép tại Giấy phép khai thác khoáng sản. Nếu khai thác vượt quá phạm vi công suất, sẽ bị xử phạt tùy theo khối lượng đã khai thác vượt quá công suất cho phép. Mức tiền phạt có thể từ 10.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.
"Ngoài ra tùy vào mức độ nghiêm trọng mà đơn vị vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản trong trường hợp vi phạm nhiều lần với mức phạt từ 1 đến 6 tháng. Đồng thời, đơn vị vi phạm có thể bị buộc phải thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra, hoặc buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh nếu hành vi vi phạm thuộc các trường hợp có quy định", Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết.
Ngoài ra, theo luật sư Hà, việc cơi nới thay đổi kết cấu thành xe là hành vi vi phạm về Luật Giao thông đường bộ. “Hành vi chở quá tải trọng cho phép có thể bị phạt tiền với mức phạt cao nhất là 50.000.000 đồng, tước GPLX đến 5 tháng và chủ công ty này có thể phải tiến hành biện pháp khắc phục hậu quả và phải khôi phục lại tình trạng xe trước khi vi phạm. Bên cạnh đó, công ty có thể bị xử phạt từ 12.000.000 - 16.000.000 đồng đối với hành vi cơi nới thùng xe, thay đổi kích thước thùng xe không đúng quy định pháp luật", Luật sư Nguyễn Thanh Hà thông tin thêm.