Các nghiên cứu mới đây của nhiều chuyên gia tại Anh cho thấy, trẻ sơ sinh có nguy cơ bị "tiền ô nhiễm" bởi chất độc trong các vật dụng gia đình hàng ngày.
Các chất độc này được tìm thấy trong đồ nội thất và đồ điện tử gia đình. Điều đáng lo ngại là những độc chất trên có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh thông qua sữa mẹ, thậm chí tác động đến cả thai nhi.
Ủy ban Kiểm toán môi trường ở Anh thông tin, các nghị sĩ nghe bằng chứng từ các chuyên gia và nhận 64 bản đệ trình cho một cuộc điều tra về hóa chất được sử dụng hàng ngày.
Các báo cáo cho thấy, sữa mẹ ở Anh có chứa chất làm chậm cháy cao thứ hai thế giới. Chất này có thể gây ung thư và phá vỡ nội tiết tố.
Trong báo cáo về danh sách các chất độc hại có mặt trong cuộc sống hằng ngày của mình, các nghị sĩ của ủy ban kêu gọi lệnh cấm các hóa chất nguy hiểm nhất trong bao bì thực phẩm, có liên quan đến tổn thương ung thư và DNA.
Các nghị sĩ cũng cho rằng, một chiến dịch thông tin công cộng là cần thiết để cảnh báo công chúng về "gánh nặng hóa học" và cách giảm thiểu chúng. Những người này cũng yêu cầu chính phủ giảm thiểu việc sử dụng chất chống cháy trong đồ nội thất trong nước.
Thông tin về các báo cáo trên, bà Mary Creagh, thành viên Công đảng Anh nói: "Mọi người đang hít phải những hóa chất độc hại này mỗi ngày tại nhà riêng, nơi họ luôn mong muốn được cảm thấy an toàn".
"Việc ngày càng có nhiều bằng chứng về những rủi ro mà một số chất chống cháy gây ra cho sức khỏe con người là tình huống đáng lo ngại. Hầu hết mọi người cho rằng họ không có nguy cơ từ các hóa chất độc hại nhưng thực tế thì khác. Các bà mẹ ở Anh có một số chất làm chậm cháy trong sữa mẹ cao nhất thế giới. Thậm chí, có cả một số chất đã bị cấm", bà Mary Creagh thông tin thêm.
Cũng theo vị này, hiện nay, chất chống cháy hóa học vẫn đang được sử dụng rộng rãi hàng ngày trong đồ đạc của người Anh từ nệm trẻ em đến ghế sofa.
Trong các nghiên cứu của mình, nhiều chuyên gia phát hiện, các chất làm chậm cháy được tìm thấy trong sữa mẹ và máu cuống rốn của trẻ sơ sinh phần lớn đã bị cấm.
Tuy nhiên, các độc chất này phân hủy chậm trong môi trường và tiếp tục gây ra mối đe dọa, chủ yếu là trong bụi và thực phẩm.