Một tuần vụ sau thảm án chấn động xảy ra tại Quảng Ninh khiến 4 bà cháu bị giết trong đêm, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng, khiếp đảm về sự man rợ, máu lạnh của kẻ sát nhân. Tiếng khóc ai oán tiễn 4 bà cháu về nơi chín suốt vẫn ám ảnh những người ở lại.
Khi thông tin vụ án được lan truyền trên phương tiện truyền thông, dư luận đặt ra hàng ngàn dấu hỏi, ai là hung thủ, động cơ nào khiến người lạ mặt đột nhập vào nhà nạn nhân sát hại một người phụ nữ và ba đứa trẻ tội nghiệp?...
Và rồi, những uẩn khúc về vụ án dần được làm rõ. Dư luận thêm một lần bàng hoàng, sửng sốt khi hay tin kẻ sát nhân lại chính là đứa cháu rể của nạn nhân. Có tội ác nào khủng khiếp hơn khi chính người thân thiết với gia đình lạnh lùng xuống tay tàn độc mà không ghê tanh mùi máu.
Những lời khai lạnh lùng của nghi can Doãn Trung Dũng (SN 1971, ở phường Trưng Vương, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) khiến nhiều người cảm thấy lạnh sống lưng. Chỉ vì trốn nợ, chỉ vì lên cơn nghiện mà Dũng đã trở thành con thú đội lốt người giết cả người thân.
Không dừng ở lại ở đó, theo lời khai, Dũng còn lên kế hoạch giết thêm một số người nữa rồi mới chịu buông tay… tử tử. Thế nhưng, “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”, tên sát thủ đã bị bắt trước khi tự cho mình cái quyền định đoạt mạng sống của người khác!
Có ai ngờ, từ ý định ban đầu sang nhà nạn nhân vay nợ, Dũng đã chuyển kế hoạch xin ngủ nhờ và giết người, cướp của. Vì là cháu rể, nạn nhân không hề mảy may nghi ngờ. Mà ở đời, ai lại nghi ngờ…tình thân?
Rồi đây Dũng- kẻ gây án sẽ phải chịu bán án thích đáng của luật pháp. Song hành vi mà đối tượng này đã gây ra sẽ để lại những hậu quả khó thể bù đắp nổi. Bởi những người thân của họ, những người còn sống phải chứng kiến 1 gia đình không còn “trọn vẹn”, những vết thương lòng vẫn từng ngày rỉ máu...
Khi vụ án xảy ra, người ta mới chợt nhận ra cái “gốc rễ” của gia đình truyền thống. Vì sao có những gia đình mà “tứ đại đồng đường” cùng chung sống hạnh phúc? Đó là khi gia đình được coi là nền tảng, là nơi để bảo vệ mỗi con người trước những bất ổn và mối hiểm họa của đời sống. Nơi tình yêu thương không bao giờ cạn kiệt.
Vậy nhưng, vì sao ngày càng nhiều bi kịch xảy ra? Phải chăng, đó là khi con người ta bị khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng về giá trị sống. Nhiều thanh niên hiện nay không tìm được giá trị sống đích thực cho mình. Trong một phút không kiểm soát được hành vi, phần “con” lấn át phần “người”, họ đã cầm dao sát hại chính những người thân thiết…
Phía sau những vụ thảm án, người ta phải thốt lên rằng, phần nhiều do giáo dục mà ra. Gia đình là môi trường đầu tiên mà một đứa trẻ ra đời được tiếp xúc và bị ảnh hưởng. Cha mẹ là tấm gương của con cái, khi con cái mất niềm tin vào cha mẹ và sự giáo dục của gia đình thì nhân cách cũng bị ảnh hưởng.
Thế nhưng, với trường hợp sát thủ máu lạnh Doãn Trung Dũng kia, nếu đổ lỗi cho sự giáo dục của gia đình thì có công bằng cho người mẹ tội nghiệp? Dũng sinh ra trong một gia đình gia giáo, mẹ là một cô giáo “ươm” biết bao “mầm xanh” cho cuộc đời.
Vậy nhưng, bà đã “chết đứng” khi con từng ngày sa ngã rồi trở thành sát thủ máu lạnh. Bà đã tự oán trách bản thân là một nhà giáo mà không thể dạy được con. Nỗi đau người mẹ sát thủ này, ai thấu?
Thế mới hay, có môi trường gia đình tốt, nhưng khi gặp tác động xấu của xã hội như bạn bè lôi kéo, rủ rê tiếp xúc với những tệ nạn xã hội, những yếu tố phản văn hóa trên mạng xã hội… cũng có thể khiến thế hệ trẻ đi sai đường, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Để rồi, có những vụ án cha giết con vì bất lực trong việc dạy dỗ con cái.
Thật đau lòng! Cái ác giờ đây không còn là chuyện ngoài đường, ngoài xã hội mà nó đã xuất hiện, đã len lỏi vào trong mỗi gia đình… Dường như, nguyên nhân của những cơn cuồng sát là do các thiết chế gia đình hiện nay đang bị rạn nứt, xuống cấp. Trong nhiều gia đình hiện đang dần mất đi những nề nếp, truyền thống đạo lý, nhân văn, văn hóa… Và đó chính là môi trường để tội ác nảy sinh và phát triển.
Khi một vụ án mà những người thân trong gia đình sát hại lẫn nhau xảy ra, hậu quả của nó để lại sẽ là không lường. Bởi nó sẽ phản bác lại phương châm sống gia đình là bình yên, là tổ ấm.
Và điều nguy hại nhất, xã hội sẽ đầy rẫy sự nhiễu nhương và cảm thấy sự bất ổn ở bất cứ chỗ nào. Chỉ khi, thiết chế gia đình được duy trì, hàn gắn được các chức năng của nó thì những “mầm ác” mới bị triệt tiêu.
Diệp Chi