Theo chính sử Việt Nam, vào một ngày tháng 7/1442, vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quan ở thành Chí Linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Sau đó ít lâu, vua về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định. Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã vào tuổi 40.
Nguyễn Thị Lộ nổi tiếng là người rất đẹp, văn chương rất hay. (Ảnh minh họa)
Thị Lộ được vua Lê Thái Tông yêu quý vì sắc đẹp, văn chương hay nên luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ. Đến sáng hôm sau toàn thể văn võ bá quan nhận được tin vua băng hà. Lúc này Lê Thái Tông mới 20 tuổi.
Triều đình lúc đó đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua, dẫn đến việc Nguyễn Trãi và gia đình bị án tru di tam tộc. Đây chính là vụ thảm án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
Sau này Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tông rửa oan. Nhưng sử sách không đề cập gì tới việc điều tra cái chết, nguyên nhân tử vong hay thủ phạm sát hại vua Lê Thái Tông.
Theo ý kiến của một số nhà sử học sau này, chủ mưu của vụ ám sát vua lê Thánh Tông là Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh, mẹ vua Lê Nhân Tông.
Lý do là Nguyễn Thị Anh rất căm giận Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ vì đã giúp bà phi Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ Lê Thánh Tông) thoát khỏi âm mưu sát hại của bà ta. Ngoài ra vào thời đó, nhiều người trong triều dị nghị rằng bà Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ (Lê Nhân Tông) không phải là con vua Thái Tông, nên nhân lúc vua về thăm Nguyễn Trãi, sợ Nguyễn Trãi gièm pha đã sai người sát hại vua Thái Tông, rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi.
Bên cạnh đó, vụ thảm án Lệ Chi Viên có thể còn là do sự ghen ghét, đố kỵ của một bộ phận không nhỏ quan lại trong triều lúc bấy giờ trước tài năng lỗi lạc và tính tình ngay thẳng, cương trực của Nguyễn Trãi – điều luôn cản trở những việc làm mờ ám của họ.
Nguyễn Thị Lộ (1400 -1442), quê làng Hải Hồ, sau đổi là làng Hải Triều, tên nôm là làng Hới (làng nghề dệt chiếu nổi tiếng), tổng Thanh Triều thuộc huyện Ngự Thiên phủ Tân Hưng (ngày nay thuộc xã Tân Lễ huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Nguyễn Thị Lộ sinh trưởng trong một gia đình nhà nông, làm ruộng và dệt chiếu, nhưng khá giả, cha là ông Nguyễn Mỗ[cần dẫn nguồn]. Nguyễn Thị Lộ sinh ra khi đất nước bị nhà Minh đô hộ, ông Nguyễn Mỗ, cha bà bị bắt đi phu dịch xa nhà, khổ cực, bị bệnh mất sớm. Ngoài nghề dệt chiếu ông Nguyễn Mỗ còn có thêm nghề bốc thuốc, và để truyền dạy nghề thuốc cho con, ông đã cho Nguyễn Thị Lộ ăn học tử tế các sách kinh thư, y dược,... Nhờ đó Nguyễn Thị Lộ còn biết bốc thuốc, làm thơ. Bà nổi tiếng là người rất đẹp, văn chương rất hay. Sau khi cha chết, bà phải cùng mẹ tần tảo nuôi dạy các em, phải đem chiếu đi bán và trong một lần lên kinh thành bán chiếu bà đã gặp Nguyễn Trãi, rồi trở thành người bạn đời của Nguyễn Trãi, cùng Nguyễn Trãi vào Lam Sơn tụ nghĩa. Tại Lam Sơn, Nguyễn Thị Lộ là trợ thủ đắc lực cho ông mọi công việc. Từ thời ở Lam Sơn bà đã làm thày dạy con em thủ lĩnh và nghĩa quân. Thái Tông lên ngôi bà được tuyển vào cung, phong làm Lễ nghi học sĩ. Bà là người phụ nữ đầu tiên ở chức vụ này. Ở cương vị Lễ nghi học sĩ “Bà soạn thảo và cho chẩn chỉnh nhiều phong tục từ trong cung ra đến ngoài triều… xin chỉ dụ vua cho mở mang nền học vấn dân tộc khuyến khích phụ nữ học chữ thánh hiền.” Không chỉ là một nhà giáo, Nguyễn Thị Lộ còn là một nhà thơ “Văn thơ của bà đã thất truyền nhiều, chỉ còn mấy vần thơ xướng hoạ khi gặp Nguyễn Trãi (và một bức hình thư gửi Nguyễn Trãi), nhưng tên tuổi đã gắn liền vào văn học sử nước nhà từ thời ấy và trở thành một giai thoại văn học để lại cho đời”. Đại Việt Sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép rằng "...Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị..." hay "...ngày đêm cho hầu ở bên, nhân đó, sàm sỡ với Thị Lộ..." nên nguyên nhân cái chết của vua Lê Thái Tông thực sự là gì cho tới nay vẫn chưa rõ, do cả 2 quyển sử nói trên đều chép rằng bà có vào hầu vua suốt đêm 4 tháng 8 âm lịch năm Nhâm Tuất 1442, hôm ông vua này mất, mặc dù Khâm định Việt sử cho rằng ông bị sốt rét còn Đại Việt Sử ký toàn thư thì nói là bị bạo bệnh. Bà bị giết vào ngày 16 tháng 8 âm lịch cùng năm. |
N.Linh (t/h)