Chuyến bay hạ cánh ở sân bay quốc tế Athens vào giữa trưa khi nhiệt độ ngoài trời tới 40 độ. Ra khỏi sân bay, du khách cảm nhận ngay sức nóng của tiết hè tại Athens. Do sân bay xây dựng cạnh quần thể di tích liên quan đến thời kỳ Byzantine và được bao quanh bởi những quả đồi trọc nên sức nóng như được tăng lên vì thiếu cây xanh. Du khách theo bảng chỉ dẫn đến ga metro để về trung tâm thành phố, nhưng vào ga mới vỡ lẽ, metro đóng cửa nghỉ lễ Phục sinh. Người Hy Lạp phần lớn theo Chính thống giáo nên đón lễ Phục sinh trễ hơn Công giáo La Mã cả tháng trời.
Một không gian gần gũi
Càng đến gần trung tâm Athens, sự gần gũi, quen thuộc càng thể hiện rõ. Những căn nhà hai ba tầng khối hộp xây san sát nhau như muốn vươn ra sát lề đường. Hầu hết mặt tiền của các ngôi nhà đều được dùng để kinh doanh. Các biển hiệu treo trước nhà hoặc dựng trên vỉa hè với đủ thông tin dịch vụ, giá cả càng khiến tôi có cảm giác như đang đi trên một đường phố nào đó ở đô thị Việt Nam. Đây là thủ đô một nước châu Âu đầu tiên có cái không khí văn hoá, kiến trúc và quy hoạch khác hẳn với những thành phố châu Âu khác tôi đã ghé thăm.
Ở trọ nhà nghỉ trên đường Eumor, kề đồi cổ Acropolis, nhân viên ở đây chào đón du khách như họ là người quen biết từ lâu. Nước da ngăm đen, dáng vóc và khuôn mặt gần với Tây Á, người Hy Lạp luôn niềm nở, nhiệt tình và sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào của du khách. Hỏi vài thông tin cơ bản, chuẩn bị ra đường, Xenia, cô tiếp tân cầm dây đeo máy ảnh vòng qua đầu tôi nhắc: “Giữ đồ đạc cẩn thận, giỏ xách hay máy ảnh phải đeo phía trước và giữ chắc. Cảnh sát đi đầy đường nhưng họ chẳng giúp được gì nếu du khách bị cướp đồ đâu nhé! Thêm nữa, ở đây có đủ các băng nhóm tội phạm, từ mafia Ý, Trung Quốc, châu Phi đến đông Trung Đông. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là mafia Nga. Họ làm những thứ mà mình không thể tưởng tượng ra. Tốt nhất là đừng dính líu vào bất cứ vụ rắc rối nào”.
Người dân ở đây cũng đi xe gắn máy dù không nhiều. Nhưng cách chạy xe hơi, xe máy hay thậm chí là đi bộ tại Athens thì đối với du khách Việt, nó chẳng khác gì như ở quê nhà. Chỗ nào đường trống, không xe thì đi hoặc sang đường, chẳng cần vạch vẽ hay đèn hiệu dù những thứ đó vẫn hiện diện trên đường phố.
Lang thang ở khu chợ đi bộ, hay khu phố quanh ngọn đồi Acropolis, tất cả các hàng quán đều bán với giá rất mắc và cần được trả giá thật tỉnh táo. Dù là một thành viên của một liên minh khá nghiêm khắc về bản quyền, nhưng băng đĩa lậu tại Athens vẫn được bày bán đầy. Rất nhiều người dân nhập cư, phần lớn là dân gốc Phi, bày bán đủ các loại hàng hoá trên vỉa hè dành cho người đi bộ.
Các quán ăn luôn có người phục vụ đứng ngoài cửa hoặc đường đi, tay cầm thực đơn mời chào, du khách có thể coi giá trên thực đơn trước khi quyết định ghé vào. Tất nhiên, ở các quán này, du khách không chỉ trả tiền cho thức ăn mà còn phải trả chi phí cho vị trí vừa có thể ăn uống vừa ngắm đền đài ngàn năm tuổi nằm trên ngọn đồi gần kề. Nhưng chỉ cần ra xa phố cổ khoảng 1km, du khách sẽ tìm được những quán ăn bình dân với giá chỉ bằng 1/3 giá tiền món ăn tương tự gần trung tâm du lịch.
Dấu ấn khủng hoảng kinh tế
Khi lên kế hoạch đến Hy Lạp, bạn bè tôi can ngăn, vì đây là thời điểm kinh tế Hy Lạp đang khó khăn, mọi thứ đắt đỏ và xã hội thì không ổn định. Tuy nhiên, tôi vẫn đến thăm xứ sở của các vị thần, không chỉ đơn thuần là du lịch mà còn hy vọng tận mắt nhìn thấy những thách thức mà người dân tại đất nước gặp khó khăn nhất Liên minh châu Âu đang đối đầu.
Buổi sáng cuối cùng ở Athens, khi ngồi chờ ly càphê Cappuccino Freddo (loại cappuccino lạnh phổ biến ở Hy Lạp), Vasiliki – quản lý nhà nghỉ đến hỏi thăm quãng thời gian tôi du lịch ở Athens. Cô cho biết, hầu hết các ngành nghề tại Hy Lạp hiện đang gặp khó khăn trừ ngành du lịch. “Lượng du khách đến đây vẫn đều, đặc biệt là cuối tuần. Sự thu hút của các di tích tại Hy Lạp cũng như cách đón tiếp du khách của chúng tôi đã khiến ngành du lịch đến nay vẫn ổn định. Nhưng chi tiêu của khách giảm đáng kể”.
Con đường Ermou nổi tiếng là phố mua sắm nối quảng trường trung tâm Syntagma với ga Monastiraki cạnh phố cổ Athens, ngay dưới chân đồi Acropolis vắng người qua lại. Bụi phủ đầy các cửa hàng, trung tâm mua sắm. Người dân vô gia cư nằm ngủ cạnh lề đường, dưới nhiều toà chung cư, toà nhà văn phòng, trong khi phía trên là những căn phòng bỏ trống, nhiều cánh cửa sổ rớt khỏi bản lề một nửa. Đưa vài tấm hình cho Xenia, cô lắc đầu: “Athens hiện nay là thế đấy. So với vài năm trước thu nhập tháng của chúng tôi giảm từ 800 euro xuống 400 euro. Tệ nạn xã hội thì tăng, chưa bao giờ đường phố Athens có nhiều người vô gia cư, thất nghiệp, đi lang thang xin ăn như hiện nay”. Tôi thắc mắc Liên minh châu Âu đã cho Hy Lạp vay tiền để thúc đẩy kinh tế. Xenia chau mày: “Khoản vay đó chỉ béo bở cho một số ngân hàng, rồi người dân lại lãnh hậu quả. Chính phủ bòn rút hết máu của người dân khi nghĩ ra đủ loại thuế để thu tiền. Đó là lý do suốt ngày người dân biểu tình và đình công”.
Câu nói của Xenia khiến cổ họng tôi đắng ngắt suốt chặng đường từ Athens về Việt Nam. Tôi thấy hình ảnh của bản thân đâu đó giữa những người dân thường tôi gặp ở Athens, mặc dù hai nước thuộc hai lục địa cách nhau cả chục giờ bay.
Theo Sài Gòn tiếp thị