Ở thôn Văn Thai xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương có một ngôi đền mang tên: Đền Bia. Tấm bia đá được người dân ở đây coi như bảo vật thờ phụng suốt mấy trăm năm là câu chuyện xúc động liên quan đến cuộc đời của vị đại danh y được người đời xưng tụng - “vị thánh thuốc nam”, đó chính là thiền sư Tuệ Tĩnh.
Theo sử liệu, Danh y Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh năm 1330 tại làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông có pháp hiệu là Tuệ Tĩnh thiền sư, biệt danh là Hồng Nghĩa.
Danh y Tuệ Tĩnh mồ côi cha, mẹ từ lúc 6 tuổi, được sư trụ trì chùa Nghiêm Quang (chùa Giám ngày nay, ở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng) nuôi ăn học, sau đó được sư cụ chùa Giao Thủy ở Sơn Nam (nay là chùa Keo thuộc tỉnh Nam Định) cho tu học.
Vốn là người thông minh, ham học, năm 22 tuổi, Tuệ Tĩnh thi đỗ Thái học sinh đời vua Trần Dụ Tông, niên hiệu Thiệu Phong thứ 12 (1351). Nhưng ông không ra làm quan mà tu ở chùa Nghiêm Quang chuyên tâm nghiên cứu y học giáo lý, lấy vườn chùa làm cơ sở trồng thuốc chữa bệnh.
Trước tình cảnh nhân dân đói nghèo, bệnh tật, ông đã chế tạo được nhiều dược liệu, chữa bệnh không lấy tiền, huấn luyện tăng ni trong chùa trở thành thầy thuốc. Với phương châm “Nam dược trị Nam nhân”, ông chủ động đi tìm nhiều cây thuốc về trồng tại vườn chùa, gây dựng phong trào trồng thuốc trong nhân dân, thu trữ thuốc để kịp thời chữa bệnh.
Bằng việc truyền bá các phương thuốc đơn giản và dược tính bằng thơ chữ Nôm dễ nhớ, dễ hiểu, Danh y Tuệ Tĩnh đã thúc đẩy nguồn dược liệu phát triển, xây dựng quan điểm y học dân tộc.
Năm Giáp Tý (1384), vua nhà Trần phái Danh y Tuệ Tĩnh đi sứ nhà Minh. Theo sử sách Trung Quốc, khi đó Hoàng Hậu nhà Minh đang mắc trọng bệnh, các thầy thuốc đều “lực bất tòng tâm”, nhưng Danh y Tuệ Tĩnh đã dùng thuốc Nam chữa khỏi. Trước tài năng của ông, vua Minh đã phong ông làm “Đại y Thiền sư” và giữ ông ở lại.
Được trọng dụng nhưng người con đất Việt này luôn nhớ về quê hương đất nước, biết số phần mình sống nhờ thác gửi, nên ông đã di ngôn để tạc vào bia mộ dòng chữ “Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”. Một thời gian sau ông mất ở Giang Nam.
Theo điển tích lưu truyền tại địa phương, khoảng gần 300 năm sau khi Danh y Tuệ Tĩnh mất, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638-1699), người cùng làng với Danh y Tuệ Tĩnh đi sứ sang Trung Quốc.
Trên đường đi, ông đã tìm thấy mộ cụ Tuệ Tĩnh. Vì đang trên đường đi kinh lý, nên không thể đưa hài cốt cụ Tuệ Tĩnh về nên sứ thần Nguyễn Danh Nho đã lấy tờ giấy bản ốp vào tấm bia mộ mang về.
Khi về nước, Tiến sỹ Nguyễn Danh Nho cho khắc lại dòng chữ lên bia đá rồi cho chuyển về quê. Tương truyền khi vận chuyển, đến chỗ bây giờ là Đền Bia, lúc này cả vùng quê đang bị ngập nước, bỗng dưng thuyền lật, tấm bia rơi xuống không lấy lên được.
Ít lâu sau, nước cạn, nhân dân tìm lại được bia, thấy doi đất ở đây có hình con dao cầu (dao thái thuốc) nên đã dựng ngôi đền nhỏ để thờ tấm bia, thu hút nhiều người đến thờ cúng xin thuốc.
Đặc biệt, vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), nhà Vua đã phải hạ lạnh cấm việc cúng lễ và xin thuốc mang màu sắc mê tín, mất vệ sinh. Đồng thời, sai người mang tấm bia trong đền cất giữ vào kho của tỉnh Hải Dương.
Thời gian sau đó, có một người của làng Văn Thai (xã Cẩm Văn) làm chức thủ kho đã lấy lại tấm bia đá vàbí mật đem về, nhưng rất đáng tiếc tấm bia đã bị đục hết chữ không còn đọc được nữa.
Ngoài ra, tương truyền vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), ngày mùng 1 tháng 4 Âm lịch xảy ra hiện tượng “Thánh ứng”, người dân khắp nơi tấp nập về Đền Bia lễ bái, xin thuốc rất đông.
Từ đó người dân địa phương lấy ngày mùng 1 tháng 4 Âm lịch hằng năm làm ngày tổ chức lễ hội Đền Bia. Tới năm 1936, nhân dân dựng lên một ngôi đền mới khang trang hơn tại đây như kiến trúc còn lại hiện nay.
Đền Bia là một công trình khang trang bề thế tọa lạc trên một diện tích rộng 4ha, nhìn về tam quan ở hướng bắc qua một hồ nước khá rộng hình chữ nhật, xung quanh là cánh đồng giữa hai làng Văn Thai và Nghĩa Phú.
Nghi môn đền gồm 3 tòa cổng. Tòa cổng chính giữa 3 gian, 2 tầng mái, 8 mái. Hai tòa cổng hai bên, 1 gian, 2 tầng mái, 8 mái. Trước nghi môn là hồ nước rộng, có mặt bằng hình chữ nhật. Trên hồ, phía bên trái là một tòa Thủy đình, mặt bằng lục giác, 2 tầng mái, 12 mái. Qua Nghi môn là hồ nước rộng, ở giữa có Thủy đình. Sau hồ nước là một sân rộng, phía trước đặt bức bình phong đề chữ “Phúc”. Nằm ở giữa hai dãy nhà tả, hữu vu.
Đền Bia có mặt bằng kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”, gồm tòa Tiền đường và Hậu đường. Tòa Tiền đường 5 gian, 2 tầng mái, 8 mái, theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Tòa Hậu đường có mặt bằng hình chữ T (chữ đinh), gồm tòa Bái đường 5 gian và Hậu cung 3 gian.
Ở Hậu cung, trong khám thờ tượng Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh, đó là một bức tượng đúc bằng đồng ngồi trên ngai nhỏ, đầu đội khay, mắt sáng, râu dài, hai tay chắp trước ngực, mặc áo thêu hình rồng. Theo sử sách trong chùa viết lại thì bức tượng này do nhân dân trong làng Văn Thai tự tay đúc để thờ từ những ngày đầu xây dựng đền.
Phía trong cùng của gian hậu cung là tấm bia đá được nhắc đến trong huyền tích lịch sử. Bên ngoài tấm bia trông như cây cột nhỏ, cao khoảng 80cm và rộng khoảng 20cm, đầu được mài nhọn, những chữ khắc trên bia đã mờ và bị đục nham nhở, rất khó đọc.
Khu y xá gồm ba công trình: nhà bắt mạch kê đơn thuốc, nhà bốc thuốc và nhà chẩn trị. Đây là nơi bắt mach, kê đơn và chữa bệnh của các lương y.
Khu vườn thuốc: đây là một vườn thuốc Nam rộng 1.200 m², được chia làm 9 ô tương ứng với 9 bài thuốc là 9 nhóm bệnh phổ biến. Vườn thuốc đền Bia không chỉ là vườn thuốc mẫu, mà nó còn là trường học thực địa cho sinh viên ngành Y dược Việt.
Trong đền Bia hiện nay còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị nghệ thuật và lịch sử, trong đó có một bệ đá thời Nguyễn chạm khắc hình tứ linh tứ quý và một cỗ khám thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng để đặt tượng Tuệ Tĩnh. Chính điện treo bức đại tự ghi 4 chữ “Thánh cung vạn tuế”, nghĩa là “Đức thánh muôn tuổi”.
Lễ hội truyền thống Đền Bia diễn ra trong 2 ngày 30/3 và 1/4 âm lịch hằng năm, có sức hút rất lớn đối với nhân dân và khách thập phương. Du khách đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng cảnh quan của đền mà còn muốn tỏ lòng thành kính và tri ân tới Đức Thánh Tuệ Tĩnh, cầu cho quốc thái dân an, nhân dân ấm no, hạnh phúc.