Ngày 28/3, chiến dịch vận động tranh cử vị trí Tổng thống Pháp đã chính thức khởi động và sẽ kéo dài đến hết ngày 8/4. Trong giai đoạn này, 12 ứng viên chạy đua đều bình đẳng về cơ hội như thời gian diễn thuyết, thời lượng và khung giờ xuất hiện trên truyền thông.
Theo thông tin từ TTXVN tại Paris, kết quả của 2 cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy nhà lãnh đạo cánh hữu kỳ cựu của Pháp Marine Le Pen đang thu hẹp dần khoảng cách với Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron, báo trước một cuộc chạy đua tranh cử quyết liệt có thể xảy ra giữa hai nhân vật này vào tháng tới.
Nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng ngoại giao do vấn đề Ukraine gây ra được coi là cơ hội giúp ông Macron nhận được sự ủng hộ cao và hiện là ứng cử viên hàng đầu cho 2 vòng bầu cử Tổng thống Pháp vào ngày 10 và 24/4 tới.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa ông Emmanuel Macron thuộc đảng Cộng hoà tiến bước (REM) và bà Marine Le Pen thuộc đảng Mặt trận quốc gia (RN) đang bị thu hẹp mạnh khi cuộc bầu cử ngày càng đến gần.
Kết quả của một cuộc thăm dò của nhóm Ifop-Fiducial công bố hôm 28/3 cho thấy, nếu 2 ứng cử viên này đối đầu với nhau ở vòng bầu cử thứ hai thì ông Macron sẽ có thể giành được chiến thắng với tỉ lệ phiếu bầu đạt mức 53%, so với 47% của bà Le Pen - người đã giành đến 3 điểm phần trăm chỉ trong vòng một tuần qua.
Trong khi đó, một cuộc thăm dò khác do Ipsos Sopra-Steria thực hiện trong ngày 29/3 cho thấy, ông Macron có thể giành chiến thắng với tỉ lệ phiếu bầu 56%, và một lần nữa bà Le Pen cũng đã giành thêm khoảng 3 điểm phần trăm trong một tuần để có được 44% ý kiến ủng hộ.
Giáo sư chính trị Hugo Drochon tại Đại học Nottingham nhận định: “Dù ông Emmanuel Macron đang nắm lợi thế lớn từ tác động của cuộc chiến tại Ukraine, nhưng thời gian qua người dân đánh giá cao Tổng thống đương nhiệm trong cách xử lý đại dịch và việc ông đã giúp nền kinh tế Pháp ko chệch hướng. Rõ ràng, đó là người biết xoay xở trong các cuộc khủng hoảng”.
Về phía bà Marine Le Pen, trong cuộc tranh cử lần này, bà đã nỗ lực để xoá bỏ hình ảnh của đảng RN cực hữu chống nhập cư. Hiện bà đang vận động theo đường lối truyền thống mềm mỏng hơn đó là kiềm chế nhập cư và giữ nước Pháp cho người Pháp. Bà Le Pen khẳng định sẽ làm mọi thứ để nước Pháp trở nên tự chủ hơn.Trả lời phỏng vấn trên kênh tin tức BFM, bà Le Pen còn cho biết thêm, ngay từ đầu bà đã phản đối mọi lệnh trừng phạt vào Nga, có ảnh hưởng tới Pháp.
“Tôi phản đối không phải bởi những tin đồn về việc Moscow ủng hộ phe cực hữu. Thực tế là một đề xuất cấm vận hoàn toàn nhập dầu, khí đốt từ Nga sẽ ảnh hưởng tai hại đến người tiêu dùng Pháp. Tôi sẽ không hi sinh lợi ích của người dân Pháp, nền kinh tế Pháp với những đề xuất trừng phạt vô trách nhiệm”, bà Le Pen nhấn mạnh thêm rằng cách tốt nhất để giúp Ukraine là phải đạt được hòa bình.
Được biết, năm 2017, trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng thứ nhất, ông Emmanuel Macron đã dẫn đầu với 24,01% số phiếu ủng hộ và bà Marine Le Pen bám đuổi với tỉ lệ ủng hộ đạt 21,3%. Tuy nhiên, ông Christophe Castaner, cựu Bộ trưởng Nội vụ Pháp và hiện là Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng REM khẳng định: “Một điều chắc chắn là cuộc bầu cử Tổng thống năm nay hoàn toàn chưa ngã ngũ. Không có một cuộc bầu cử nào có kết quả trước khi diễn ra. Luôn luôn là sai lầm nếu như nói với người dân Pháp rằng việc họ đi bỏ phiếu là chẳng thay đổi được điều gì.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Công an Nhân Dân)