Trong một động thái chắc chắn khiến Bình Nhưỡng bực tức, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho hay ông Fred Warmbier, cha của sinh viên Mỹ Otto Warmbier đã từng bị tống giam ở Triều Tiên, sẽ tới dự lễ khai mạc Thế vận hội tại Hàn Quốc.
Về phần mình, Bình Nhưỡng sẽ cử ông Kim Yong-nam, người đứng đầu Quốc hội, một trong những quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên, tới Hàn Quốc. Bên cạnh đó, hãng thông tấn Yonhap cho hay, Triều Tiên thông báo với Hàn Quốc rằng bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sẽ có mặt trong đoàn đại biểu cấp cao tới dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang.
Thậm chí, trước khi diễn ra Olympic một ngày, Bình Nhưỡng còn tiến hành cuộc diễu binh lớn với hàng trăm tên lửa, rocket nhằm gửi thông điệp rõ ràng rằng không nên đánh giá thấp tiềm lực quân sự của Triều Tiên, theo CNN.
Các chuyên gia quốc tế nhận định, việc giành điểm chính trị qua lại giữa Triều Tiên và Mỹ trước thềm Olympic được thể hiện rất rõ.
Mới đây, trong bài phát biểu về Thông điệp Liên bang trước lưỡng viện và người dân Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã trực tiếp lên án giới lãnh đạo Triều Tiên, cho rằng chính quyền Bình Nhưỡng “hoàn toàn đàn áp công dân của chính mình một cách tàn bạo”.
Cũng trong bài phát biểu, người đứng đầu nước Mỹ bác bỏ những nỗ lực ngoại giao gần đây, cho rằng mối đe dọa từ Bình Nhưỡng vẫn luôn hiện hữu. “Những kinh nghiệm trong quá khứ đã dạy chúng ta rằng sự tự mãn và nhượng bộ sẽ chỉ nhận về sự hung hăng và khiêu khích. Tôi sẽ không lặp lại những sai lầm của các chính quyền tiền nhiệm, những người đã đẩy chúng ta vào vị thế nguy hiểm này”, ông Trump nói.
Cuối tuần trước, một trợ lý của ông Mike Pence cũng khẳng định Phó Tổng thống Mỹ sẽ phản bác bất kỳ quan điểm nào về việc bình thường hóa quan hệ giữa Triều Tiên và thế giới bên ngoài khi ông tham dự Olympic tại Hàn Quốc.
“Chúng tôi sẽ không cho phép chiến dịch tuyên truyền của Triều Tiên gây tác động tới thông điệp của Olympic”, trợ lý của ông Mike Pence nói.
Ông Rodger Baker, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu chiến lược của Trung tâm Stratfor (Mỹ), cho rằng cách tiếp cận gần đây của Triều Tiên không phải là sẵn sàng đối thoại mà là trì hoãn và thay đổi chiến thuật khiến quan hệ Mỹ-Hàn trở nên yếu đi.
Quan điểm của Triều Tiên đã nêu rõ rằng những cuộc đối thoại liên Triều gần đây không phải bước đệm giúp Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục thảo luận với Bình Nhưỡng về vấn đề phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, theo ông Baker, Washington luôn muốn chứng minh rằng cách tiếp cận của họ đối với vấn đề này không thay đổi.
“Mỹ đang nỗ lực hết sức để nhấn mạnh rằng sẽ không có điểm tạm dừng hay trì hoãn đối với chiến lược ngăn chặn của nước này”, ông Baker nhận xét. Chuyên gia lưu ý, các cuộc tập trận quân sự giữa Washington và Seoul chỉ tạm hoãn trong thời gian diễn ra Olympic, và sẽ được khởi động lại ngay sau đó.
Trong khi đó, theo bà Anwita Basu, chuyên gia phân tích từ Trung tâm tình báo knh tế (EIU), trong bối cảnh hiện tại, việc quan hệ giữa hai miền Triều Tiên được cải thiện đang khiến Mỹ cảm thấy không thoải mái.
“Kỳ Thế vận hội này đang được coi như một nền tảng để Mỹ và Triều Tiên thực hiện cuộc đấu trí trên mặt trận ngoại giao. Kết quả chắc chắn sẽ gây ra những căng thẳng mới”, bà Basu nói.
Theo CNN, trong Thế vận hội lần này, nơi Mỹ-Triều thực hiện “cuộc chơi chính trị”, chỉ có Hàn Quốc là có nguy cơ bị lu mờ. Việc Triều Tiên tham dự Olympic đã trở thành câu chuyện lớn nhất phủ bóng toàn bộ các hoạt động khác liên quan đến Thế vận hội, khiến một bộ phận người dân Hàn Quốc cảm thấy Seoul đang bị lãng quên ở thời điểm lẽ ra họ được tận hưởng những khoảnh khắc mang tính quốc tế.
Liên quan tới việc bà Kim Yo-jong, em gái của ông Kim Jong-un, tới Hàn Quốc, giới quan sát cho rằng đây là động thái đáng kể cho thấy tham vọng của Bình Nhưỡng trong việc cải thiện quan hệ liên Triều.
Theo ông Leonid Petrov, nhà nghiên cứu tại Trường châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Australia, khi ông Kim Jong Un không thể đến Hàn Quốc, ông gửi đến em gái - người mình tin tưởng nhất, để mang thông điệp gửi tới Seoul. Theo giới quan sát, đó là một hành động khôn ngoan trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang gần như bị dồn vào bước đường cùng, trước những lệnh trừng phạt từ Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh.
Bình Nhưỡng cử bà Kim Yo-jong tới dự lễ khai mạc Olympic còn đưa Hàn Quốc vào thế khó khi phải sắp xếp chỗ ngồi cho cả Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, dù họ không hề có ý gặp nhau. Việc sắp xếp chỗ ngồi giữa hai nhân vật gần như đối lập này gây áp lực lớn cho công tác đón tiếp, lễ tân của nước chủ nhà, các chuyên gia nhận xét.
Nhìn chung, Thế vận hội mùa Đông PyeongChang diễn ra tại Hàn Quốc dù là một sự kiện thể thao nhưng chính những diễn biến hiện tại khiến những người theo dõi tình hình quốc tế không thể làm ngơ trước những yếu tố chính trị trong đó.
Từ trước tới nay, Olympic luôn là ngày hội đối với các vận động viên và người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới, nhưng nay tại PyeongChang, nó đang vô tình biến thành một đấu trường nơi các quốc gia như Mỹ và Triều Tiên muốn “ghi điểm” và đạt được những ưu thế về chính trị.
Xem thêm: Cố vấn quân sự Nga thiệt mạng do Mỹ không kích tại Đông Syria