“Đại sứ”, hay"nữ hoàng" scandal?
Ngay khi Lý Nhã Kỳ trở thành đại sứ du lịch của Việt Nam, cho đến một năm sau khi cô tuyên bố xin rút khỏi vị trí này đã gây không ít tranh cãi trong dư luận. Người khen và đồng thuận thì ít, kẻ chê và phản đối thì nhiều. Dù không ai phủ nhận Lý Nhã Kỳ là một người nổi tiếng có, đủ tiềm năng kinh tế và mối quan hệ rộng để đáng ứng được phần nào vai trò của một đại sứ.
Nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ, khi tên tuổi của cô cũng gắn với không ít điều tiếng. Cái tên Lý Nhã Kỳ có thể gây bão trên những trang báo lá cải, có thể có tầm ảnh hưởng vượt khỏi phạm vi Việt Nam, nhưng không hẳn có thể quảng bá tốt một hình ảnh của du lịch Việt Nam ra thế giới.
Diễn viên đóng phim khiêu dâm Maria Ozawa sắp sang VN với danh nghĩa “đại sứ” cho một trò game?
Nhắc đến Lý Nhã Kỳ, người ta sẽ biết đến cô là một kiều nữ chẳng từ chiêu nào để tự PR cho mình, chuyên "khoe" hàng hiệu, khoe ngực trên sân khấu kịch, “nổ” quá mức cần thiết, gần đây nhất là chui vào buồng lái máy bay để chụp ảnh, hơn là hình ảnh của một diễn viên, một nhà hoạt động xã hội.
Bởi vậy mà sau một năm ở cương vị đại sứ du lịch, hình ảnh của Việt Nam chưa biết đến được với bao nhiêu vị khách nước ngoài, mà chỉ thấy người đẹp lúc nào cũng rất xa xỉ. Không gần gũi với đại đa số người dân Việt Nam.
Mới đây, thông tin về cô diễn viên chuyên đóng phim 18+ Maria Ozawa sắp sang Việt Nam với vai trò đại sứ cho một trò chơi game online lại khiến không ít người hốt hoảng. Bởi không ai không biết cô này từng là một "nữ hoàng" phim cấp 3 của Nhật Bản.
Theo thông tin từ nhiều nguồn thì hiện cô này đã hết thời sau 10 năm tung hoành, bị rớt hạng thê thảm trong top 10 ngôi sao đóng phim khiêu dâm của đất nước "mặt trời mọc". Nhưng nữ diễn viên mà bất kỳ một bậc phụ huynh nào cũng không muốn con mình là "fan" hâm mộ này, vẫn được một công ty game ở Việt Nam chào mời sang làm đại diện game và giao lưu với người hâm mộ?!.
Nhiều người cho rằng mời một diễn viên đã hết thời thật sự không khó, và cũng chẳng mất đến 5 tỷ đồng như thông tin úp mở của công ty game này. Nhưng có một điều chắc chắn, là game mà công ty này sắp tung ra sẽ được biết đến rộng rãi.
Còn các bậc phụ huynh thì mất ăn mất ngủ vì lỡ đâu con cái mình lại trở thành một trong những con nghiện game mà cô diễn viên này làm đại diện, hoặc nguy hiểm hơn là sẽ trở thành một con nghiện của phim sex không biết chừng?.
Đây không phải là lần đầu tiên các công ty của Việt Nam chọn hình ảnh đại diện cho mình từ những người nổi đình nổi đám sau scandal. Sau “sự cố phòng the”, Hoàng Thùy Linh được mời làm hình ảnh đại diện cho game Linh Vương và không ít ví dụ khác. Thực chất chỉ là chiêu trò đánh tráo khái niệm, tung hỏa mù để PR cho các công ty này.
Bởi một đại sứ, đại diện hình ảnh đúng nghĩa có thể từng là một cô gái nổi loạn, nhưng ở thời điểm hiện tại ở họ phải hội tụ những điều tốt đẹp.
Cựu đại sứ du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ.
Không đơn giản chỉ dựa vào sắc đẹp
Chính vì quá nhiều danh xưng đại sứ nên hàm chứa trong đó nhiều hậu quả khôn lường, nhà văn Bùi Anh Tấn bày tỏ: "Nếu loạn đại sứ như thế dứt khoát ảnh hưởng đến xã hội, bởi dù gì những danh hiệu đại sứ ấy, những con người mang danh hiệu ấy cũng đại diện cho một ngành, nghề nào đó của chúng ta. Nếu không cẩn thận sẽ làm xấu hình ảnh đất nước ta trước bạn bè quốc tế. Là tấm gương xấu cho các thế hệ trẻ nhìn vào học theo.
Tôi trân trọng những đại sứ của chúng ta và đặt niềm tin vào họ, nhưng xin đừng biến danh hiệu này thành trò hề, PR cho chính bản thân mình, để kiếm tiền, để khoe khoang quần áo giày dép, kim cương. Đất nước không cần bạn, dứt khoát là vậy. Như vậy có nghĩa chuyện "phong" đại sứ của chúng ta đã bị "lệch chuẩn" ngay từ khi có danh hiệu này. Dẫn đến "loạn" phong như hiện nay và rõ ràng việc chọn phong đã bỏ qua những yếu tố quan trọng như trí tuệ, năng lực...
Dù quy định của bô VH-TT&DL cũng nêu khá chi tiết việc chọn lựa, tiếc rằng ngay việc chọn đại sứ du lịch đầu tiên của Bộ đã gây quá nhiều tai tiếng. Đáng lẽ người được chọn phải là những nhà khoa học lớn, văn nghệ sỹ tên tuổi, kể cả nhà kinh doanh thành đạt chứ không đơn giản chỉ dựa vào sắc đẹp, dù tôi không phủ nhận điều này".
"Doanh nhân showbiz" Hùng Cửu Long, Giám đốc công ty vàng bạc đá quý Cửu Long chia sẻ: "Nếu bản thân những người lựa chọn là những người nghiêm túc, họ sẽ biết việc chọn đại sứ sẽ biểu trưng cho hình ảnh của mình và không lựa chọn những người đầy scandal, chỉ biết ăn chơi nhảy múa".
Nhà văn Bùi Anh Tấn cũng nhấn mạnh thêm: "Cá nhân tôi ủng hộ việc chúng ta có các danh hiệu đại sứ, ví dụ quốc tế cũng có những danh hiệu đại sứ như: Đại sứ thiện chí của tổ chức UNICEF, Đại sứ thiện chí của Cao ủy người tị nạn LHQ (UNHCR), đại sứ thiện chí của Tổ chức chống tội phạm và ma túy của LHQ (UNODC) đại sứ thiện chí Quỹ từ thiện trẻ em và phòng chống HIV/AIDS...
Thực tế danh từ đại sứ là rất đáng trân trọng bởi là đại diện cho hình ảnh và quyền lợi một quốc gia này tại quốc gia khác (đại sứ ngoại giao), còn với các danh hiệu đại sứ khác là theo tôi hiểu cũng là đại diện cho ngành nghề nào đó, ví dụ: Du lịch, văn hóa, ẩm thực...
Thế nên để tránh tình trạng lộn xộn "loạn" xưng danh, loạn phong danh hiệu đại sứ như hiện nay, có lẽ Nhà nước nên có quy định xuyên suốt, nêu rõ những tiêu chí khi được phong danh hiệu đại sứ ngành, nghề, Tâm-Tầm-Tài đặt ra với người được nhận danh hiệu này (nếu có thêm sắc đẹp thì tốt quá). Không thể để cho ngành ngành tự phong danh hiệu đại sứ của ngành mình, theo tiêu chí riêng của mình sẽ dẫn đến loạn phong như vừa qua".
Hương Lam - Hợp Phố