Thảm họa từ vụ đầu độc 300 voi rừng bằng xyanua

Thảm họa từ vụ đầu độc 300 voi rừng bằng xyanua

Thứ 6, 29/11/2013 17:36

Theo báo chí nước ngoài, vụ thảm sát tồi tệ nhất ở miền nam châu Phi trong vòng 25 năm qua vừa xảy ra tại vườn quốc gia Hwange, Zimbabwe. Có khoảng 300 con voi đã chết do uống nguồn nước bị những kẻ săn bắn bất hợp pháp pha chất độc xyanua.

Các loài động vật khác như linh dương và trâu rừng cũng chết do uống nguồn nước nhiễm độc xyanua này. Các động vật ăn thịt khác như sư tử, linh cẩu và kền kền ăn xác chết của chúng cũng bị nhiễm độc. Cho đến nay, số lượng loài động vật bị chết được phát hiện không ngừng tăng cao.

Liên tiếp xảy ra những vụ voi bị đầu độc bằng xyanua

Hwange - công viên quốc gia lớn nhất của Zimbabwe, là nơi sinh sống của các loài động vật hoang dã, với diện tích hơn 14.000km2. Hình ảnh mà các thợ săn hợp pháp trong khu bảo tồn ghi lại cho thấy một cảnh tượng thật hãi hùng. Rất nhiều xác voi đang trong quá trình phân hủy, bên cạnh đó cũng có xác chết của nhiều loại động vật khác. "Chúng tôi không thể tin vào mắt mình nữa", một thợ săn hợp pháp nói với tờ Telegraph. "Từ trên trực thăng, chúng tôi thấy xác những con voi với bộ ngà đã biến mất". Ông này cũng cho hay nhóm của ông phát hiện một người đàn ông đi bộ vào công viên mang theo một thùng bốn lít, một gói xyanua và pha chất độc thành các hồ nước trong khu bảo tồn.

Chủ tịch Công tác bảo tồn Zimbabwe, Johnny Rodrigues nói với Discovery News rằng “Những kẻ săn trộm đã đặt muối tẩm với xyanua quanh những hố nước nơi đàn voi uống. Chúng ăn muối và chết vì bị ngộ độc”. Ông nói thêm rằng có 8 thợ săn và 3 trong số đó đã bị bắt và kết án: Robert Maphosa, 42 tuổi, đã bị kết án 15 năm tù giam cùng lao động khổ sai. Thabani Zondo, 24 tuổi và Deanie Tsuma, 25 tuổi, cùng chịu án tù 15 năm và được yêu cầu trả tiền phạt cho công viên quốc gia trong tháng mười hai năm nay.

Rodrigues nói: “Một vấn đề khác nữa là khi các loài động vật và chim ăn thịt rữa trên xác voi, chúng cũng sẽ chết vì ngộ độc. Hàng trăm loài động vật hiện đang nằm trong vòng nguy hiểm. Cảnh sát cũng nghi ngờ có thể có nhiều xác voi vẫn còn trong công viên mà chưa được phát hiện”. Thật đau lòng, kịch bản đầu độc bằng xyanua đã từng diễn ra tại chính công viên Hwange. Vụ gần nhất xảy ra vào cuối tháng 9 năm nay.

AFP ngày 25/9 dẫn kết luận điều tra từ một nhóm chuyên gia chính phủ, cho biết những kẻ săn trộm đã đầu độc đến 81 con voi và nhiều loài thú khác bằng chất độc xyanua. Tạp chí Time dẫn lời các quan chức bảo vệ động vật hoang dã cho biết kẻ ác đã bỏ chất độc xyanua vào các hố nước quanh vườn quốc gia. Còn ông Gotora - thành viên ban giám đốc cơ quan quản lý động vật hoang dã và các vườn quốc gia Zimbabwe nói với AFP chất độc được bỏ ở nơi đàn voi thường gặm cỏ.

Việt Nam Xanh - Thảm họa từ vụ đầu độc 300 voi rừng bằng xyanua

Ảnh minh hoạ

Chín nghi can đã bị bắt sau khi nhân viên kiểm lâm phát hiện ra chỗ giấu ngà voi trộm được của những người này, theo Time. Vào thời điểm đó, chỉ có 50 nhân viên kiểm lâm để quản lý toàn bộ vườn quốc gia rộng đến 14.650km2 này, trong khi cần phải có lượng nhân viên gấp 10 lần số này mới đảm bảo an toàn cho các sinh vật tại đây, theo các quan chức bảo vệ động vật hoang dã.

Còn trước đó chưa đầy một tháng, ngày 6/9, vườn quốc gia Hwange cũng thông báo có 41 con voi đã chết vì chất độc xyanua, theo BBC. Hai năm trước, chất độc này đã giết chết 9 con voi, 5 con sư tử và 2 con trâu rừng tại vườn quốc gia này.

Zimbabwe được biết đến như một đất nước nghèo trên thế giới. Do lợi nhuận lớn của việc buôn bán ngà voi, trong thời gian gần đây nhiều người dân tại các làng xung quang khu bảo tồn thường giết hại voi để lấy ngà của chúng bán cho các thương lái với giá 300 bảng Anh một cặp. Sau đó những cặp ngà này sẽ được bán lại với giá 10,000 bảng Anh tại Nam Phi và một số nước khác. Có những nguồn tin cho biết, ở Zimbabwe tồn tại những đường dây mua bán ngà voi trái phép, với số tiền lên đến 10 tỷ USD mỗi năm. Các nhà lãnh đạo Zimbabwe yêu cầu chính quyền địa phương phải kiểm soát chặt chẽ thói quen săn bắt của người dân trong làng.

Sát hại voi lấy ngà - nỗi nhức nhối của nhiều quốc gia ở châu Phi

Hồi tháng 3, Guardian dẫn lời Quỹ Phúc lợi Động vật Quốc tế (IFAW) thông báo việc tìm thấy những xác voi đã bị cưa ngà gần Fianga, một thành phố sát biên giới giữa Chad và Cameroon. Những kẻ săn trộm giết hại ít nhất 86 con voi, bao gồm 33 con đang mang thai, trong vòng chưa đầy một tuần. Fianga gần ranh giới của công viên quốc gia Sene Oura tại Chad và công viên quốc gia Bouba N'Djida của Cameroon. Những đàn voi thường tới hai công viên này vào mùa khô trước khi mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 hàng năm. Nhà chức trách nhận định rất có thể những kẻ giết voi là người Chad và Sudan. Chúng cưỡi ngựa và mang theo súng tiểu liên AK, cưa. "Chúng hạ sát những con voi mang thai và toàn bộ voi con. Trong điều kiện thuận lợi nhất, một đàn voi phải chờ tới hơn 20 năm mới đạt tới số lượng như thế", Celine Sissler-Bienvenu, một nhà bảo tồn của IFAW, phát biểu.

Vụ thảm sát chấn động này là một tổn thất nặng nề đối với một trong những đàn voi rừng còn lại của châu Phi. SOS Elephants, một tổ chức phi chính phủ tại Chad, nói rằng khoảng 650 con voi trong công viên quốc gia Bouba N'Djida của Cameroon đã bị giết chỉ trong vài ngày vào tháng 2/2012. Xung đột vũ trang liên miên và khả năng quản lý kém tại khu vực Trung Phi trong nhiều năm qua khiến nạn săn trộm bùng nổ tới mức các chính phủ không thể kiểm soát.

Còn tại Gabon, nơi từng được coi là thiên đường của voi rừng châu Phi, từ năm 2004 tới nay, bọn săn trộm đã giết hơn 11.000 con voi để lấy ngà. Ngà của voi tại Gabon là thứ hấp dẫn đối với bọn săn trộm vì chúng rất cứng và có sắc hồng. Cơ quan quản lý các vườn quốc gia Gabon (ANPN), quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) và Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên (WCS) đã thực hiện một nghiên cứu nhằm đánh giá tình trạng săn trộm voi ở Gabon, BBC đưa tin. "Kết quả của nghiên cứu cho thấy từ 44 - 77% số lượng voi tại Gabon, tương đương với hơn 11.000 con, đã bị giết trong khoảng thời gian từ năm 2004 tới nay", tiến sĩ Fiona Maisels, một chuyên gia của WCS, phát biểu.

Trước đây Cộng hòa Dân chủ Congo, nước láng giềng của Gabon, là điểm nóng về nạn săn trộm voi. Nhưng do nhu cầu mua ngà voi tăng vọt ở châu Á nên bọn săn trộm từ Congo tràn sang cả những vạt rừng trong vườn quốc gia Minkebe của Gabon để tìm voi. Chính phủ Gabon đã tăng cường các biện pháp chống săn trộm voi, song Bas Huijbregts - một nhà bảo tồn của WWF - nhận định rằng những biện pháp đó không phát huy tác dụng. "Diện tích vườn quốc gia Minkebe vào khoảng 30.000km2, tương đương với diện tích nước Bỉ. Đường mòn không tồn tại trong vườn quốc gia Minkebe nên nhân viên bảo vệ rừng không thể phát hiện và theo dõi những kẻ săn trộm", Huijbregts nói. Nhà chức trách thừa nhận khoảng 50 tới 100 con voi bị hạ sát mỗi ngày trong vườn quốc gia Minkebe vào năm 2011.

Sôi động thị trường mua bán ngà voi trái phép

Trong tháng 10, các quan chức Uganda đã bắt giữ gần hai tấn ngà voi săn bắn bất hợp pháp. Đây là lần thu giữ ngà voi trái phép số lượng lớn nhất tại nước này trong nhiều năm qua. Hiệp hội Động vật hoang dã Uganda (UWA) cho biết, 832 chiếc ngà voi, ước tính trị giá khoảng 6,7 triệu USD, bị thu giữ khi đang được vận chuyển đến cảng Mombasa ở Kenya. Một số ngà voi bị vỡ được đựng trong các chai nhựa và bỏ vào trong thùng dán nhãn là vật liệu tái chế. Các chuyên gia cho biết số ngà voi này được săn bắn ở bên ngoài Uganda. Những năm gần đây, nơi này được coi là điểm trung chuyển trong các đợt vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp của những tay săn bắn ở miền nam Sudan hay ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Ông Takore -  một thành viên của Lực lượng bảo vệ động vật hoang dã Kenya (KWS) đã làm việc ở công viên quốc gia Tsavo vào những năm 80. Những câu chuyện của ông cho thấy một xu hướng bao quát hơn: khắp châu Phi, tình trạng săn bắt voi đang lên tới mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Trong những năm 80, hơn một nửa số voi châu Phi đã bị xóa sổ. Hầu hết chúng chết do những kẻ săn trộm voi lấy ngà. Nhưng vào tháng 1/1990, nhiều nước trên thế giới đã ký một lệnh cấm quốc tế về việc buôn bán ngà voi. Nhu cầu sử dụng ngà voi trên thế giới giảm nhờ một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng trên toàn thế giới. Số lượng voi đã bắt đầu tăng trở lại.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những tiến triển này đã bị đảo ngược. Giới bảo tồn ước tính 25.000 con voi đã bị sát hại trong năm 2011. Người ta vẫn đang đối chiếu số liệu năm 2012, tuy nhiên chắc chắn con số này sẽ cao hơn. Những người vận động cho hoạt động bảo vệ voi đang đổ lỗi cho Trung Quốc. “Trung Quốc là nước tiêu thụ ngà voi lớn trên thế giới”, tiến sĩ Esmond Martin, một chuyên gia nghiên cứu và bảo tồn đã theo dõi hoạt động buôn bán ngà voi bất hợp pháp trên toàn thế giới trong hàng chục năm, nhận định.

Gần đây, ông đã quay trở lại Nigeria, nơi ông tiến hành một chuyến thị sát việc buôn bán ngà voi tại thành phố Lagos. Những phát hiện của ông thật đáng giật mình. Martin và những người cộng sự đã đếm được hơn 14.000 ngà voi hoặc các sản phẩm từ ngà voi tại khu chợ Lekki, thành phố Lagos. Trong lần khảo sát trước đó vào năm 2002 tại khu chợ ấy, họ phát hiện khoảng 4.000 vật phẩm từ ngà voi. Như vậy, con số này đã tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm. Kết quả của cuộc điều tra cho thấy Nigeria là trung tâm trong hoạt động buôn bán trái phép ngà voi châu Phi.

Năm 2011, chính phủ Nigeria đã ban hành lệnh cấm nghiêm ngặt nhằm kiểm soát hoạt động buôn bán ngà voi. Việc trưng bày, quảng cáo, mua hoặc bán ngà voi đều là hành vi bất hợp pháp. Song, theo tiến sĩ Martin, Lagos đã trở thành thị trường bán lẻ ngà voi bất hợp pháp lớn nhất ở châu Phi. “Ngà voi được vận chuyển bằng nhiều con đường từ Đông Phi, từ Kenya tới Nigeria. Người dân Nigeria xuất khẩu ngà voi sang Trung Quốc. Các quốc gia láng giềng xuất khẩu nhiều loại mặt hàng từ ngà voi sang Nigeria. Do vậy, đây là một trung tâm tập trung và phân phối ngà voi cũng như các sản phẩm từ chúng”, ông cho biết.

Theo CITES, một cơ quan quốc tế về các vấn đề liên quan đến bảo vệ các động vật hoang dã, trong năm 2011, ít nhất 17.000 con voi châu Phi bị giết để lấy ngà. Các chuyên gia động vật hoang dã của Liên hợp quốc nói rằng việc buôn bán ngà voi bất hợp pháp tăng gấp đôi kể từ năm 2007. Các nhà bảo tồn cho rằng voi châu Phi đang phải đối mặt với việc mất môi trường sống, xung đột với con người và bị săn bắt bất hợp pháp. Với tốc độ như hiện này thì cá thể voi cuối cùng sẽ biến mất trong vòng 50 năm tới. Các nhà lãnh đạo của sáu quốc gia: Châu Phi, Uganda, Burkino Fasco, Gabon, Ivory Coast và Tanzania đã gặp gỡ đại diện của nước Mỹ để bàn bạc và kết thúc vấn đề này.

Tê giác châu Phi cũng đang đối mặt với hiểm nguy

Thông tin từ Chính phủ Nam Phi ngày 10/1/2013 cho biết trong năm 2012, số lượng tê giác bị săn trộm tại quốc gia này đã lên đến con số kỷ lục là 668 con trong bối cảnh bùng nổ nhu cầu đối với sừng tê giác tại thị trường chợ đen châu Á do nhiều người châu Á cho rằng sừng tê giác có nhiều tác dụng thần kỳ với sức khỏe. Sừng tê giác thường được nghiền thành bột và sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc để chữa trị chứng sốt và co giật (chứ không phải là một loại thuốc kích dục người ta đôi khi nói). Quan điểm đó không được giới khoa học đồng tình. Bất chấp như vậy, số lượng tê giác bị săn trộm ở Nam Phi tăng chóng mặt từ 13 con trong năm 2007 lên 448 con trong năm 2011 và năm 2012 là 668 con. Mỗi kg sừng tê giác được bán với giá khoảng 4.700 USD vào năm 1993, nhưng đã tăng lên 65.000 USD vào năm 2012.

Hơn 60% số tê giác bị săn trộm để lấy sừng là từ khu Công viên Quốc gia Kruger, khu bảo tồn động vật hoang dã lớn nhất của Nam Phi và cũng là điểm săn bắn hàng đầu. Nam Phi là nơi tập trung khoảng 75% trong tổng số 20.000 con tê giác trắng ở châu Phi cũng như 4.800 con tê giác đen, nhóm đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn trộm lấy sừng. Trước tình trạng đó, giới chức bảo vệ môi trường Nam Phi đã phát động nhiều chiến dịch ngăn chặn. Binh sĩ quân đội cùng trực thăng giám sát được triển khai ở Công viên Quốc gia Kruger. Việc cấp giấy phép săn tê giác cũng được siết chặt hơn và điều đó thể hiện ở số lượng đơn xin cấp giấy phép đã giảm mạnh từ 222 trong năm 2011 xuống còn 90 trong năm 2012.

 Để đối phó với tình trạng trên, ngày 18/3/2013, 110 sừng tê giác ở trang trại Sabi Sand, Nam Phi đã bị tiêm một lượng ký sinh trùng tổng hợp và nhuộm hồng nhằm đấu tranh chống những kẻ săn bắn trái phép. Andrew Parker, Giám đốc điều hành Hiệp hội Sabi Sand Wildtuin, một nhóm các chủ sở hữu tư nhân trang trại tê giác ở tỉnh Mpumalanga khẳng định: “Những người sử dụng sừng tê giác ở châu Á sẽ cảm thấy bất an khi sử dụng một loại dược phẩm chứa những hợp chất hóa học gây tử vong”.

Các cá thể tê giác được khoan một lỗ trên sừng và tiêm một lượng ký sinh trùng tổng hợp thường được sử dụng để đánh dấu ở động vật như ngựa, gia cầm và cừu. Sừng tê giác làm bằng chất keratin, giống móng tay chúng ta, và tê giác không cảm thấy đau trong toàn bộ quá trình can thiệp. Ngoài ra, thuốc nhuộm không gây các phản ứng bất lợi đối với sức khỏe của tê giác. Tuy nhiên, nó rất độc đối với người. Parker khẳng định: “Nó sẽ làm suy kiệt thể lực thông qua các triệu chứng buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy dẫn đến tử vong. Chất độc này có thể nhìn thấy và thật là ngu ngốc nếu ai đó sử dụng nó”.

Khi được hỏi liệu việc này có gây hại cho những người tiêu thụ bản địa, Parker cho biết: “Đây là hoạt động hợp pháp. Chất độc này được phổ biến cho tất cả thợ săn. Chúng tôi tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và làm các biển chỉ dẫn trên các hàng rào trang trại. Nếu ai đó sử dụng, họ sẽ tử vong và hy vọng không ai trong số các bạn phải sử dụng sừng tê giác”. Cách làm này khiến cho sừng tê giác không còn có thể dùng làm vật trang trí được nữa và thậm chí khi được nghiền thành bột mịn, nó vẫn dễ dàng bị máy quét của sân bay phát hiện.

Parker cho rằng việc tiêm độc là cần thiết: “Mặc dù các cơ quan thực thi đã tăng cường kiểm soát song việc săn bắn tê giác trái phép ngày càng tăng. Mọi thứ dường như không được như ý. Và đối với các tay săn trộm thì đây là công việc ít nguy hiểm và lợi nhuận cao. Với việc tiêm độc, chúng ta sẽ ngăn chặn được các hoạt động bất hợp pháp và sừng tê giác trở nên vô dụng”.

Các vườn quốc gia ở Nam Phi đều tán thành sáng kiến trên nhưng người phát ngôn Ike Phaahla thừa nhận “Điều này khó khả thi để có thể áp dụng với tất cả tê giác ở các vườn quốc gia do thiếu nhân lực”.

Chính phủ Nam Phi cho biết từ đầu năm đến nay, đã có 203 cá thể tê giác bị giết hại, trong đó có 145 cá thể ở Vườn quốc gia Kruger. 60 đối tượng bị tình nghi là săn trộm đã bị thẩm vấn. Dự đoán, sẽ có 1.000 cá thể tê giác chết trong năm nay.

Bắt giữ nhiều tấn ngà voi trái phép ở Việt Nam

Chiều 21/10/2013, cục Hải quan Hải Phòng phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (công an Hải Phòng) kiểm tra lô hàng khai báo trên vận đơn là vỏ ốc nhập khẩu, được tàu của Singapore vận chuyển từ Malaysia về cảng Nam Hải (Hải Phòng) từ hơn 10 ngày trước. Theo vận đơn khai báo Container 40 feet qua cảng Hải Phòng của Công ty Cổ phần Hoàng Gia Exim, có trụ sở tại số 5 Lý Tự Trọng, quận Hồng Bàng Hải Phòng là vỏ ốc biển. Qua kiểm tra, PC49 Hải Phòng và Hải quan Hải Phòng phát hiện trong các bao chứa vỏ ốc biển có nhiều bao gai nhỏ chứa ngà voi. Toàn bộ số hàng gần 500 bao vỏ ốc biển hầu hết đều có lõi là ngà voi đã được cắt gọn để cất giấu (khối lượng khoảng 2,4 tấn). Đây là loại hàng hóa nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán theo công ước quốc tế CITES.

Đây không phải là lần đầu tiên một lượng lớn ngà voi được nhập lậu về cảng Hải Phòng, trước đó hơn một tuần, Hải quan Hải Phòng cũng đã bắt giữ một lô hàng 2,1 tấn ngà voi được nhập lậu vào cảng Hải Phòng cũng với hình thức vỏ ốc nhập khẩu. Số lượng ngà voi được phát hiện là 1.167 khúc ngà voi cùng 145kg vảy đồi mồi và gần 2,4 tấn nhuyễn thể biển khô. Số ngà voi nhập lậu này được tàu biển Vinashin Marier chở từ Tanzania, châu Phi cập cảng Hải Phòng ngày 19/8. Số hàng này là loại hàng tạm nhập tái xuất đi nước thứ ba.

Trước đó, ngày 4/9, cơ quan CSĐT bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án hình sự vận chuyển buôn bán hàng cấm, chuyển hồ sơ tới viện KSND Tối cao đề nghị truy tố bị can Phạm Mạnh Hùng (29 tuổi) về tội danh Buôn bán hàng cấm. Theo kết luận điều tra, ngày 31/3, cơ quan CSĐT bộ Công an phối hợp với Đội kiểm tra An ninh sân bay soi chiếu ga quốc nội sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất kiểm tra phát hiện 3 chiếc valy hành lý của hành khách có tổng trọng lượng 95,2kg là các vật phẩm chế tác từ ngà voi có nguồn gốc từ châu Phi không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Số hành lý của 3 hành khách Phạm Mạnh Hùng, Phạm Hồng Thắng và Lê Quốc Khánh trên chuyến bay VN1178 từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Hà Nội. Theo tài liệu điều tra, năm 2010, Hùng đi xuất khẩu lao động tại Angola. Đến ngày cuối tháng 1/2013, Hùng được một đối tượng tên Quang, đang làm việc ở Angola thuê vận chuyển số sản phẩm chế tác từ ngà voi chứa trong 3 valy hành lý từ Angola về Việt Nam và trả công 2.000 USD. Để việc vận chuyển trót lọt, Quang mua vé máy bay cho Hùng về Việt Nam. Khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất để tiếp tục ra Hà Nội thì Hùng bị bắt giữ.                               

Thu Hà- Linh Lan (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.