Ông Ngọ nay đã qua đời, còn bà Hằng cũng không đủ điều kiện kinh tế và cả trí lực để sang tận Trung Quốc xa xôi hòng tự tìm kiếm những chứng lý có lợi. Nhưng vẫn còn chút may mắn cho bà khi trong quá trình xác minh thông tin tại địa phương, nhiều người dân được hỏi đã khẳng định trong khoảng thời gian ấy, họ không thấy bà Hằng ở nhà. Hầu hết đều nghĩ người đàn bà phát bệnh thần kinh rồi bỏ đi biệt xứ...
Bi kịch của một gia đình
Chúng tôi đến TP. Bắc Giang khi trời đã quá trưa. Đứng trước căn nhà nhỏ, lạnh lẽo, LS. Phạm Thanh Bình thở dài, nói: “Cả gia tài của bà Hằng chỉ có bấy nhiêu, thêm mấy đứa con tù tội nữa. Đã thế, căn nhà còn bị ngân hàng xiết nợ từ lâu, nhưng vì cảm thương hoàn cảnh cùng quẫn nên cứ cho ở vậy...”.
Căn nhà xập xệ cũ nát với toàn bộ tường gạch đã mủn vỡ, bong tróc rêu phong, hở toang hoác với những khoảnh vữa nham nhở... LS. Bình còn cho biết, dù vậy, căn nhà này còn đẹp đẽ hơn gấp nhiều lần chốn cũ của mấy mẹ con, nơi chỉ như một túp lều tạm chênh vênh bên bờ kênh đen ngòm hôi hám. May sao khi làm đường, căn nhà cũ được đền bù giải tỏa nên bà Hằng cùng các con mới có dịp dọn đến một nơi ở tươm tất hơn.
Trong căn nhà tồi tàn ấy, ngay giữa nhà là một thân thể đầy mụn nhọt, lở loét tanh hôi vì căn bệnh thế kỷ đã vào giai đoạn cuối. Theo lời bà Hằng, đó là cô con gái thứ 3 của bà, chị Ngô Thị Huệ (SN 1979), người được coi là bi kịch lớn nhất, đại diện đớn đau cho nỗi “tiền oan nghiệp chướng” mà bà phải gánh chịu.
Bà Hằng bên tờ giấy viết tay của chị Liễu, xác nhận bà Hằng không phải là người bán chị qua Trung Quốc.
Bà Hằng tâm sự, khi bà bị bắt, chị Huệ mới 19 tuổi, xinh đẹp, nết na có tiếng ở thị xã. Chính vì vậy, tuy là con nhà khó lại học hành dang dở nhưng chị vẫn được một sĩ quan quân đội đóng tại Lạng Sơn hết mực yêu thương. Tuy nhiên, khi nghe tin dữ về mẹ người yêu, chàng quân nhân này đã nói lời từ biệt. Rồi đến khi bố chết tức tưởi dưới ao, mẹ vào tù, phải bươn ra đời để mưu sinh, cô gái “sắc nước hương trời” chấp nhận phận làm “gái” ở Lạng Sơn.
Nỗi đau tinh thần và thể xác cùng cực đã kéo chị Huệ đến với ma túy và cũng bởi nó mà năm lần bảy lượt Huệ phải “xộ khám”. Ở thời điểm hiện tại, chị Huệ đang trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, nhưng vẫn nghiện nặng, gia đình phải bán đủ mọi thứ có thể để phục vụ nhu cầu chích hút.
Ngoài Huệ, 4 người con khác của bà Hằng đều dính vòng lao lý. Thiếu vắng bố mẹ ở đúng giai đoạn bản lề hình thành nhân cách, những đứa trẻ không được giáo dục cứ lang thang đầu đường xó chợ rồi dần dần hỏng cả. “Đứa con lớn là Ngô Thiên Hương, SN 1975, chỉ sau khi tôi đi tù vài tháng thì cũng bị bán sang Trung Quốc, hiện đang thụ án 15 năm tù bên ấy vì buôn bán ma túy. Hai đứa con trai cũng đều ra tù vào tội vì đâm thuê chém mướn. Giờ một đứa đang ở trại giam Bắc Giang, một vừa mãn hạn tù nhưng tính tình vẫn còn rất ương bướng. Cũng may bọn chúng đều rất thương mẹ”, bà Hằng buồn tủi cho biết.
Sa chân vào “động quỷ”
Việc xác minh thông tin “bà Hằng ở đâu, làm gì?” trong khoảng thời gian bà nói bị Ngọ bán sang Trung Quốc mất của chúng tôi nhiều công sức hơn dự tính, vì đã quá lâu, không còn nhiều người nhớ chính xác. May mắn thay, với những người biết chuyện, họ xác nhận rằng trong khoảng thời gian ấy không thấy bà Hằng có mặt ở địa phương.
“Thời ấy, căn nhà chỉ có mấy bố con ông Mỹ sống với nhau. Ai cũng tưởng bà Hằng phát bệnh thần kinh rồi bỏ đi biệt xứ. Mãi sau này mới nghe nói bà ấy bị ông Ngọ bán đi Trung Quốc. Nhưng cũng không biết thực hư thế nào vì ông Ngọ chết rồi, chẳng có ai để đối chứng”, một người dân giấu tên cho biết.
Bà Hằng kể với chúng tôi, trước khi bị ông Phạm Văn Ngọ lừa bán sang Trung Quốc vào dịp giáp Tết Nguyên đán năm 1992, giữa bà và gia đình người đàn ông này có mối quan hệ khá tốt vì vợ ông Ngọ thường làm lễ tại gia, còn bà Hằng là con nhang đệ tử năng qua lại hương khói. Thấy hoàn cảnh tàn tạ của gia đình 7 miệng ăn, ông Ngọ đã chủ động đề nghị bà Hằng phụ giúp trong việc đánh hàng từ Lạng Sơn về Bắc Giang để buôn bán.
Trong ký ức đớn đau, bà Hằng nhớ rất rõ lần thứ 3 bà cùng ông Ngọ đi lấy hàng sau 2 chuyến đầu thuận lợi và được trả công hậu hĩnh. “Lần đó ông Ngọ bảo tôi cần phải vào sâu hơn trong lục địa để lấy hàng. Đến Bằng Tường (địa phận Trung Quốc giáp Lạng Sơn – PV), ông Ngọ giao tôi cho một người Trung Quốc rồi dặn đừng nói năng gì cả, ai bảo gì làm nấy và tôi đã một mực nghe theo. Chỉ đến khi bị đưa vào một khu nhà chứa ở tận đảo Hải Nam tôi mới biết mình đã bị bán rồi”, bà Hằng kể lại.
Tuy nhiên, vì đã gần 40 tuổi, nhan sắc không còn mặn mà nên bà đã may mắn thoát được kiếp “đi khách” như các cô gái trẻ khác. Thay vào đó, bà Hằng bị ép bán cho một người đàn ông bản địa, câm điếc và kém bà tới 16 tuổi với đúng một nhiệm vụ duy nhất là phải đẻ con cho hắn. Sau hơn một năm làm dâu xứ lạ, nằm gai nếm mật trong tuyệt vọng, cuối cùng, ánh sáng cũng lóe sáng cuối đường hầm khi vào đúng ngày 22 Tết âm lịch năm 1993, công an Trung Quốc bất ngờ đi kiểm tra hộ tịch rồi đưa bà Hằng trả về Việt Nam.
Căn nhà rêu mốc này đã phải đem cầm cố để phục vụ những tháng ngày đi kêu oan của bà Hằng.
Kiên tâm đi đòi công lý
Bà Hằng kể tiếp: “Khi về Việt Nam, biết tôi có ý định tố cáo tới cơ quan công an, Ngọ đã gặp tôi rồi thuyết phục rằng nếu bỏ qua, gia đình ông ấy sẽ đền tiền. Còn nếu tôi làm căng, cùng lắm ông ấy đi tù thì tôi cũng chẳng được gì cả. Lúc ấy vừa về nước, thấy cảnh chồng con nheo nhóc quá nên tôi cũng đành nhắm mắt đồng ý, mong có chút tiền về trang trải nợ nần”.
Đúng trong lúc đang mòn mỏi chờ đợi tiền “bồi thường” từ gia đình ông Ngọ, tai ương bỗng ập đến khi căn bệnh thần kinh của bà Hằng bất ngờ tái phát khiến bà lại bỏ đi biệt xứ. Cũng giống như lần trước, lần này, sau một thời gian dài lê lết khắp nơi, bà Hằng lại lần tìm được về chùa Quán Sứ và nhờ thế mà hồi tỉnh được. Ở lần tái ngộ này, tuy sư Thích Thanh Phương không còn ở chùa nữa nhưng sư trụ trì mới cũng rất yêu mến bà, tỏ rõ tâm nguyện mong bà ở lại.
Và một lần nữa, sau thời gian dài gắn bó, bà Hằng lại quyết định dứt duyên với cửa chùa để về quê với chồng con vào một đêm trường giá lạnh. Khi thấy trong căn nhà rách nát đã có ban thờ mình, bát hương dưới di ảnh mình đã chật kín chân nhang, người đàn bà khốn khổ đã không thể kìm được nước mắt. Bà ôm cả 6 tấm thân gầy gò vào lòng rồi nghẹn ngào khóc: “Bố con ông thắp hương sống tôi, tôi nóng ruột quá nên trở về đây”.
Thế nhưng như một sự sắp đặt nghiệt ngã của số mệnh, niềm vui đoàn viên chưa kịp trọn vẹn thì ngày 16/10/1997, cả gia đình sửng sốt khi thấy rất nhiều công an ập vào nhà, đọc lệnh bắt bà Hằng theo lệnh truy nã. Lúc ấy, mặc dù đã tra tay vào còng số 8 và bị đưa ra xe nhưng bà Hằng vẫn rất vững tâm, cho rằng có sự nhầm lẫn vì trong xóm cũng có một người phụ nữ tên Hằng, đã có tiền án về tội “mua bán phụ nữ”.
Vững tin vào sự công minh của pháp luật, bà Hằng nhìn thẳng về phía các con rồi dõng dạc nói: “Mẹ bị oan, mẹ sẽ sớm được về với các con thôi!”. Thế nhưng, bà Hằng đâu thể ngờ rằng đó cũng là lần cuối cùng bà nhìn thấy chồng và bà cũng chỉ được về sau khi chấp hành xong xuôi án phạt tù, một án phạt mà suốt 16 năm qua bà luôn kêu oan và đến thời điểm hiện tại vẫn kiên tâm đi đòi công lý...
Long Nguyễn