Theo Reuters, Triều Tiên đã bác bỏ mọi lời phản đối, thậm chí từ Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Bình Nhưỡng và tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa. Bình Nhưỡng gọi đây là chương trình tự vệ hợp pháp.
Triều Tiên được cho là đã và đang phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công đến Mỹ và các chuyên gia nói rằng cuộc thử nghiệm tên lửa vào hôm 14/5 là một bước quan trọng hướng tới mục tiêu đó.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis nói rằng: "Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này. Nếu dùng một giải pháp quân sự, thì đó sẽ là một thảm họa với quy mô không thể ngờ tới. Do đó, nỗ lực của chúng tôi là phối hợp với Liên Hợp Quốc, với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để tìm ra giải pháp cho tình hình này".
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho rằng Mỹ và các nước đang tiếp tục các biện pháp gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tìm kiếm nhiều giải pháp khác nhằm giải quyết tình hình căng thẳng tại khu vực.
"Chúng ta đều đã thấy được những hành động khiêu khích mà họ thực hiện và các nước đã có những cảnh báo đối với họ. Rõ ràng là họ không lắng nghe", Bộ trưởng Mattis cho biết khi nhắc đến vụ Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo hôm 14/5.
Triều Tiên tuyên bố vụ thử nghiệm tên lửa hôm 14/5 thành công và khẳng định đã bắn tên lửa bay theo một góc cao nhằm tránh gây ảnh hưởng đến an ninh của các nước lân cận. Tên lửa đạt độ cao 2.111 km và bay xa 787 km.
Tuy vậy, theo nhận định của giới chuyên gia, nếu bắn với góc thông thường tên lửa này có thể bay đến 4.500-6.000 km, đủ để đe dọa các căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Guam ở Thái Bình Dương.
Mỹ có 28.500 lính đóng quân tại Hàn Quốc để chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên và đã kêu gọi Trung Quốc hợp tác nhiều hơn để kiềm chế láng giềng.
Ông Mattis cũng lên tiếng bảo vệ những nỗ lực gần đây nhất của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng thừa nhận Bình Nhưỡng có thể đã tích lỹ thêm nhiều điều từ vụ thử tên lửa gần đây nhất. Các quan chức Mỹ nói rằng đó là tên lửa KN-17 và Hàn Quốc thừa nhận đây là một vụ thử thành công ở một mức độ nào đó.
Tuy nhiên, hôm 19/5, phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc chỉ trích chính sách thù địch của Mỹ là nguyên nhân dẫn tới mọi sự bất ổn trên bán đảo Triều Tiên và tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ năng lực hạt nhân của nước này.
“Mọi người đều biết người Mỹ muốn đối thoại. Nhưng điều quan trọng hơn cả đó là hành động, chứ không phải lời nói. Chấm dứt chính sách thù địch chống Triều Tiên là điều kiện tiên quyết để giải quyết mọi vấn đề trên bán đảo Triều Tiên… Do đó, vấn đề khẩn cấp bây giờ để có thể bình ổn bán đảo Triều Tiên là đặt dấu chấm hết cho chính sách thù địch của Mỹ nhằm vào Triều Tiên, vốn là gốc rễ của mọi vấn đề”, phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, Kim In Ryong cho biết.
“Mỹ nên lưu ý rằng năng lực tấn công hạt nhân của Triều Tiên sẽ tiếp tục được tăng cường và phát triển với tốc độ nhanh chóng chừng nào Mỹ còn kiên quyết theo đuổi chính sách chống Triều Tiên và tiếp tục những lời đe dọa hạt nhân, hăm dọa, trừng phạt cũng như gây áp lực”, ông Kim cho hay.
Xem thêm >> Máy bay Mỹ dội bom đoàn tăng của Syria: Thông điệp cảnh cáo đa chiều
Đào Vũ