"Giải thoát" cho cháu?
Trước đó, ngày 15/7, bệnh viện Nhi Thái Bình tiếp nhận ca cấp cứu bệnh nhân Lê Trần Dương M. (SN 2019 do gia đình ở xã Tân Bình, TP.Thái Bình) chuyển đến trong tình trạng nguy kịch.
Từ khi mới lọt lòng, cháu M. đã không may bị đa dị tật bại não, hở hàm ếch. Thời gian gần đây, cháu được bố mẹ đẻ (hiện sinh sống tại Hà Nội) gửi về quê nhà ở xã Tân Bình cho bà nội là Chử Thị Mỹ Lệ (SN 1969, trú thôn Tú Linh, xã Tân Bình) chăm sóc.
Sau thời gian điều trị tại bệnh viện Nhi tỉnh Thái Bình, cháu M. được chuyển lên cấp cứu tại bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán cháu bé bị đầu độc nên đã báo sự việc cho công an quận Đống Đa (Hà Nội) vào cuộc điều tra.
Sau khi xác định cháu bé bị trúng độc, Công an quận Đống Đa đã phối hợp với Công an TP.Thái Bình tạm giữ, đồng thời khám xét nơi ở của bà Lệ. Tiến hành khám xét, cơ quan công an thu giữ 1 lọ thuốc chuột dạng nước đang sử dụng dở mà đối tượng khai đã dùng để đầu độc cháu bé.
Ngày 2/8, cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ đối với Chử Thị Mỹ Lệ để điều tra hành vi giết người. Các quyết định và lệnh nêu trên đã được VKSND TP.Thái Bình phê chuẩn.
Ngày 3/8, bệnh viện Đa khoa Vũ Thư nhận được thông báo của cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình về việc bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp vì có hành vi giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự đối với Chử Thị Mỹ Lệ. Thời điểm đó, bà Lệ đang công tác tại khoa Sản, bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư.
Đại diện bệnh viện Đa khoa Vũ Thư cho biết thêm, hành vi giết người không xảy ra tại bệnh viện nơi bà Lệ công tác. Tuy nhiên, sau khi nắm bắt được nội dung sự việc, bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư đã báo cáo sự việc lên cấp trên. Đồng thời, chỉ đạo Trưởng khoa Sản bố trí bác sĩ thay thế nhiệm vụ chuyên môn của bà Lệ.
Tại cơ quan CSĐT, bước đầu đối tượng Chử Thị Mỹ Lệ thừa nhận đã 2 lần bơm chất độc (thuốc diệt chuột) 1 lần ở nhà và 1 lần ở bệnh viện Nhi Thái Bình vào sữa cho cháu uống, phần còn lại của ống thuốc diệt chuột dạng nước hiện bị can đang cất giữ ở nhà.
Ngoài ra, bà Lệ cũng khai rằng, vì thấy cháu nội bị ốm đau bệnh tật liên miên, hằng ngày nhìn thấy cháu khổ sở do các chứng tật bẩm sinh hành hạ nên trong lúc nông cạn đã muốn giải thoát cho cháu để cả cháu và bố mẹ đỡ khổ.
Hành vi tàn nhẫn
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật liên quan đến tình huống pháp lý trong vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, từ lời khai ban đầu của bà Lệ cũng nhưng đánh giá từ vụ án rất có thể đúng vì thấy cháu nội từ khi sinh ra không bình thường do sinh non, bị bệnh bại não, hở hàm ếch, thường xuyên ốm yếu nên đã tìm cách sát hại cháu để giải thoát khỏi những gánh nặng cho gia đình, giải thoát cuộc đời khổ cực sau này.
Để thực hiện hành vi phạm tội, nghi phạm đã mua thuốc thuốc diệt chuột, pha vào sữa cho cháu ăn để nhằm mục đích cho cháu tử vong. Rất may, do được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên cháu bé mới không nguy hiểm đến tính mạng.
Dưới góc độ pháp luật, trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sống đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Cháu bé sinh ra đã bị thiệt thòi khi không hoàn thiện về thể chất và tinh thần. Đáng lẽ, với lương tâm trách nhiệm của người bác sĩ là cứu người và là bà nội của cháu bé thì nghi phạm phải hết sức thương yêu, chăm sóc và chữa trị cho cháu nội. Nhưng đáng tiếc, nghi phạm lại ra tay sát hại cháu vì cho rằng sẽ cứu giúp các con thoát khỏi gánh nặng phải chăm sóc trẻ không hoàn thiện về thể chất và tinh thần và đó là cách giải thoát cho cuộc đời cháu.
Kết quả giám định chất độc thuốc diệt chuột trong cơ thể cháu bé nếu có khả năng nguy hiểm đến tính mạng cháu bé thì nghi phạm sẽ phải đối mặt với tội danh Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp cháu bé không chết do được cấp cứu kịp thời thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (hoàn thành về hành vi nhưng chưa đạt về hậu quả) với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù.
Đánh giá về vụ án trên, luật sư Đặng Văn Cường, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, trong những vụ đầu độc xảy ra thời gian gần đây thì 2 vụ đầu độc gây rúng động dư luận đều xảy ra tại Thái Bình, đó là vụ việc do đối tượng Lại Thị Kiều Trang thực hiện và vụ việc bà nội đầu độc cháu bé.
“Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân, làm rõ hành vi và hậu quả để xử lý theo quy định pháp luật. Bà Lệ là bác sĩ, Phó Trưởng khoa Sản, lại là bà nội của cháu bé nên hành vi của người phụ nữ này quá nhẫn tâm”, vị luật sư cho hay.
Đặng Thuỷ-Minh Sơn