Thống kê của British Airways cho biết, hơn 100 túi hành lý đã bị ngập chìm trong nước thải và rác rưởi, khi một đường ống trong hệ thống xử lý nước thải tại khu vực nhà ga số 5 bị vỡ, xối thẳng xuống băng chuyền trả hành hành lý bên dưới. Vì sự cố kinh khủng này, nhiều hành khách buộc phải lưu lại sân bay để chờ nhận lại hành lý của họ, trong khi chúng được gửi đi làm sạch trong nỗi bức xúc.
Sân bay Heathrow
Trả lời báo giới về sự cố, người phát ngôn viên của hãng điều hành sân bay BAA Airports cho biết: "Chúng tôi ý thức được tính nghiêm trọng của sự việc. Các túi hành lý nhiễm bẩn đã được đưa đi làm sạch ngay sau khi sự cố xảy ra và chúng tôi cố gắng để có thể trao trả chúng về với chủ nhân trong thời gian sớm nhất. Hãng British Airways cũng chính thức đưa ra lời xin lỗi các hành khách của mình về vụ việc. Đại diện của hãng cũng khẳng định hệ thống ống xả thải gặp sự cố sẽ được khắc phục ngay trong 24h và cam kết không bao giờ để lặp lại chuyện tương tự.
Thực tế, thảm kịch vỡ ống xả vừa xảy ra không phải là lần đầu tiên hãng hàng không British Airways gặp rắc rối với nhà ga số 5 của sân bay này. Trị giá 9,4 tỷ USD và được British Airways bao trọn từ khi còn đang xây dựng, nhưng ngay trong ngày khai trương vào tháng 3/2008, nhà ga số 5 đã gặp sự cố khiến British Airways mất mặt với hành khách. Các trục trặc của dây chuyền vận chuyển hành lý khiến trong 3 ngày đầu tiên, đã có tới 208 chuyến bay đến và đi đã bị hủy bỏ. Vụ bê bối này đã khiến British Airway bị báo giới khi đó chỉ trích nặng nề.
Trở lại với thảm kịch vỡ ống xả vừa xảy ra, dù hãng hàng không nổi tiếng này đã đưa ra lời xin lỗi, thì họ có khả năng phải đối mặt với khoản bồi thường lớn. Hiện tại, hàng trăm hành khách có vali bị nhấn chìm trong nước thải vẫn chưa nhận lại được hành lý. Trong khi đó, một nhân viên sân bay Heathrow dự báo: "Chúng tôi không dám chắc mọi tài sản bên trong các vali hành lý đều ở trạng thái như chưa hề có sự cố. Việc bị nhiễm bẩn và quá trình làm sạch có thể khiến nhiều thứ đồ trong hành lý bị hư hỏng, một phần hoặc hoàn toàn".
Trước khả năng này, ban lãnh đạo British Airway đã tổ chức họp khẩn để tính tới phương án xấu nhất. Một vài nguồn tin cho biết British Airway đã xác định tinh thần phải đối mặt với các yêu cầu đòi đền bù, thậm chí kiện tụng nếu không được thỏa mãn các đòi hỏi từ phía khách hàng bị ảnh hưởng. "Dù xảy ra bất kì tình huống nào, thì hãng sẽ thiệt hại khoản chi phí khổng lồ, chưa kể đến uy tín trong ngành vận chuyển hàng không bị giảm sút".
Heathrow là một trong số các sân bay quốc tế bận rộn nhất thế giới khi trung bình mỗi ngày phải đón tiếp khoảng 190.000 lượt hành khách. Đây cũng là sân bay có lượng hành khách quốc tế lớn nhất. Theo sách kỷ lục thế giới Guiness, năm 2011 sân bay Heathrow đón hơn 64,7 triệu lượt khách đến từ khắp các quốc gia khác nhau. Ngày 16/7/2012 là ngày mà làng VĐV Olympic chính thức mở cửa đón các đoàn thể thao trên khắp thế giới đến London tranh tài ở Olympic 2012. Trong ngày này, Heathrow đã đón số lượng hành khách lên đến 236.955 người, vượt qua con số kỷ lục 233.562 người được xác lập vào ngày 31/7/2011. |
Thanh Tùng (theo The Sun và MyFox)