Chiếc hang của tình hữu nghị Việt - Lào
Theo lời giới thiệu của đồng chí trưởng đoàn, chúng tôi được dẫn đến hang Hoàng thân Xuphanuvông. Đây là một hang đá tự nhiên ăn sâu vào lòng núi, bên trong là một hệ thống khổng lồ các phòng ốc đầy đủ với những ngách hang dẫn tới những hướng khác nhau. Từ phòng họp, phòng tác chiến, phòng ăn, nhà nghỉ, nhà bếp..., đều được xây dựng một cách chắc chắn. Trong mỗi phòng vẫn còn sắp xếp đồ đạc giống như ngày còn kháng chiến, từ cái ca-lông nước, cái bàn, cái ghế, tấm bản đồ... Càng đi sâu vào trong, những ngách hang càng rẽ theo những hướng khác nhau, nhiều ngã rẽ có đề biển cấm, không có đèn đóm, nếu không đi theo sự hướng dẫn của đoàn, rất dễ bị lạc. Người hướng dẫn viên còn cho biết, anh cũng không biết chính xác hết tất cả các ngách hang sẽ dẫn đi về đâu. Thời kháng chiến, những điều này là tuyệt đối bí mật để đảm bảo an toàn cho những người lãnh đạo cách mạng.
Đi hết những đoạn hang ngoằn ngoèo trong lòng núi đá, chúng tôi đến một khoảng rộng ngoài trời, nằm giữa mấy quả núi cạnh nhau, trước kia chỗ này là nơi nấu ăn cho cả trung ương Lào. Đứng bên cạnh chiếc bếp Hoàng Cầm đã rêu mốc xanh rì vì nước mưa và thời gian, mọi người tranh nhau chụp ảnh.
Hang Hoàng thân Xuphanuvông vẫn còn giữ nguyên bối cảnh trong thời kháng chiến.
Hang Hoàng thân Xuphanuvông là một trong những địa điểm quan trọng hàng đầu của cách mạng Lào nói riêng và cách mạng Đông Dương nói chung. Từ trong hang có các đường ngách bí mật dẫn sang khu vực đóng quân của các nước anh em; một ngách dẫn sang trụ sở của Trung Quốc; một ngách dẫn sang trụ sở của Việt Nam, Campuchia... Là hang đá tự nhiên, có những đoạn ăn sâu xuống lòng đất nên cho dù bên trên bom đạn của Mỹ trút xuống như rải thảm, bên dưới vẫn an toàn. Điều quan trọng hơn cả là công trình này lại do chính những người bộ đội công binh Việt Nam làm nên theo sự hợp tác của hai dân tộc Việt - Lào. Hiện nay, công trình đã được tu sửa đi để tiện cho việc tham quan nhưng về cơ bản, kiến trúc ban đầu của hang không thay đổi nhiều.
Tuần không giờ, ngày không thứ
Lục tìm các hồ sơ, qua các kênh khác nhau, chúng tôi được dẫn đến nhà ông Nguyễn Văn Thi, nguyên là tiểu đội trưởng một đơn vị công binh thuộc C3, tiểu đoàn 1, trung đoàn 217. Ông Thi đã về hưu, sống một cuộc sống đạm bạc cùng vợ con ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Thi trông vẫn còn khoẻ mạnh, hoạt bát như mới ngoài 50. Ông Thi cười xuề xoà, chính ông cũng không ngờ lại có ngày mình được kể cho những người khác nghe về những chiến công thầm lặng mà ông và đồng đội đã làm trong những năm tháng trên đất Lào.
Đầu năm 1961, theo yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đơn vị công nhân 217 của ông chuyển sang hoạt động ở khu vực biên giới Lào, từ Na Mèo sang thị xã Sầm Nưa với chiều dài khoảng hơn 80 cây số toàn đường đèo cua tay áo. Đến năm 1966, đơn vị ông mới chính thức chuyển sang quân sự. Nhiệm vụ chủ yếu của họ vẫn là làm đường, vận chuyển vật liệu xây dựng cho công nhân tại chỗ, một phần trong công việc của họ là cải tạo những chiếc hang đá để làm chỗ trú quân cho bộ đội.
Một ngày đầu tháng 9/1967, khi đang là trung đội trưởng một đơn vị công binh, ông Thi nhận được lệnh trực tiếp từ đại đội trưởng Lê Nho Cân đến thị sát một chiếc hang ăn sâu vào lòng núi. Nhiệm vụ của đơn vị ông là cải tạo cái hang từ tình trạng nguyên sơ và còn nhiều nguy hiểm để có thể ở và sinh hoạt bên trong. Vì nguyên tắc bí mật, ông Thi cũng không dám hỏi là làm cho ai, cho đơn vị nào, chỉ biết đây là nhiệm vụ quan trọng đánh dấu mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào.
Trung đội chỉ có 39 người, toàn lính trẻ nhiệt huyết và đầy lý tưởng, ông Thi phải trực tiếp hướng dẫn và chỉ đạo anh em. Trong hang đầy những nhũ đá lớn, có những cái do chấn động bom mìn đã trở nên lung lay, có thể rụng xuống đầu bất cứ lúc nào. Việc đầu tiên của công binh là nổ mìn làm cho mặt thoáng trở nên bằng phẳng cả trên trần hang và dưới hang. Việc này phải hết sức cẩn thận vì nếu sơ suất sẽ phải trả giá bằng cả tính mạng. Tiếp đó mới đến công đoạn đổ bê tông cửa. Cửa hang được làm cẩn thận với 3 lớp chống đạn, chống nóng, chống hơi độc và giảm thanh. Cửa hang được đổ một lớp cát dày, sau đó đến một hào nước rồi mới đến các lớp chống ồn. Lớp bảo vệ này bao gồm cát, nước và chất xốp.
Sau khi làm công tác mặt bằng ở phía dưới, bộ binh tiếp tục làm những nhánh thoát hiểm mới theo chỉ đạo của cấp trên. Dựa vào bản vẽ có sẵn, họ chỉ việc làm theo mà không được phép tò mò xem đường mình làm sẽ rẽ đến đâu. Khi cái hang đã "sạch sẽ" về cơ bản, bộ đội mới bắt đầu xây phòng riêng...
Những ngày tháng đó đơn vị công binh phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt và nhiều nguy hiểm, phía trên đỉnh núi, máy bay giặc vẫn ném bom ầm ầm, bên dưới anh em vẫn cặm cụi đào hang. Họ gọi đùa với nhau về những ngày tháng này là: "Tuần không giờ, ngày không thứ". Dụng cụ chỉ có đục, bộc phá, thuốc nổ, cuốc, xẻng, công việc của họ ròng rã trong 3 tháng trời. Mỗi ngày, chỉ tính riêng khối lượng đất đá cho vận chuyển ra bên ngoài cũng phải lên tới hàng tấn.
Mỗi ngày, công việc của trung đội ông Thi bắt đầu từ sáng sớm đến đêm khuya, cứ mỗi 1 giờ làm việc, họ lại có 10 phút nghỉ giải lao. Ấn tượng của ông Thi và các đồng đội rõ nhất vẫn là sự có mặt thường xuyên của phu nhân Hoàng thân Xuphanuvông. Sự có mặt của bà là một nguồn động viên lớn đối với anh em trong quá trình đào hang.
Ông Thi kể, khi đơn vị ông đến nơi thì gia đình Hoàng thân đã có mặt ở đó từ trước, ở cách chừng khoảng 2 cái hang. Hang gia đình Hoàng thân ở là một cái hang nhỏ, tạm bợ nên về lâu dài không thể chống đỡ nổi sức ép của bom đạn. Mặt khác do yêu cầu tập trung của cơ quan đầu não cách mạng, cần có một nơi kiên cố và tiện bề những lúc hội họp cấp bách nên trung ương bạn mới bàn với ta làm một chiếc hang rộng lớn hơn, vững chãi hơn, đáp ứng đủ yêu cầu của một "thủ đô cách mạng" thu nhỏ...
Trong suốt hơn 3 tháng trời đào hang, Hoàng thân chỉ xuất hiện đôi ba lần, lần nào cũng đi theo đoàn đến khảo sát tình hình thi công hang. Đơn vị của ông Thi không được trực tiếp trao đổi với Hoàng thân mà phải thông qua cấp trên. Họ chỉ được trò chuyện trực tiếp với phu nhân Hoàng thân khi bà đến động viên anh em làm việc.
Ông Thi nhớ rõ, phu nhân Hoàng thân vốn người Huế, dung mạo hiền hoà, tính tình dịu dàng và dễ chịu. Lúc ấy, bà mới chừng 32-33 tuổi, thường ăn vận theo đúng trang phục truyền thống của dân tộc Lào. Mỗi lần sang, phu nhân Hoàng thân thường mang theo ít trà thuốc, bánh kẹo để động viên tinh thần anh em. Phu nhân nói giọng Huế trong khi phần lớn anh em đều là người Bắc nhưng vẫn dễ nghe, dễ hiểu. Mỗi lần đi xem xét trong hang, bà thường dặn dò: "Các em làm chỗ công tác cho anh (tức Hoàng thân) và các đồng chí thì phải làm cho cẩn thận nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn nghe!".
Những lúc có thời gian riêng, bà thường hỏi anh em về chuyện nhà cửa, chuyện vợ con, chuyện cấy hái, ân cần và tận tình như người trong nhà. Thi thoảng, có chiến sĩ không cẩn thận bị thương nhẹ thì bị bà "trách", tận tay băng bó như em út trong nhà. Nghĩ lại những giờ phút ấy, nhiều người vẫn không giấu được sự xúc động. Sống trong chiến tranh, đối mặt với sự sống và cái chết nhiều, sự có mặt của phu nhân hoàng thân trong cảnh khốc liệt ấy như một thứ gì đó làm mát tâm hồn những người lính.
Trước đây, trong khu vực đóng quân của Trung ương cách mạng Lào có một cây bưởi lạ mà theo những nhân chứng kể lại, mỗi năm cây bưởi chỉ ra 3 quả mọc sát cạnh nhau. Quả bưởi to, tròn trịa và có mùi thơm. Bộ đội vẫn thường bảo với nhau: 3 quả bưởi tượng trưng cho tình hữu nghị của cách mạng 3 nước anh em Việt Nam -Lào- Campuchia. |
Đỗ Huệ