Đường đến nhà ông Trần Đức Tiến của câu chuyện 5 năm về trước phải trải qua nhiều ngõ ngách ở khu vực tổ 12A, phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Nhà ông Tiến có địa chỉ 31 - tổ 12A, nhưng nếu ai đến đây lần đầu không biết, chắc hẳn sẽ là lẫm vô cùng bởi cho dù tìm cả ngày cũng không thể thấy được. Đơn giản bởi gia đình ông Tiến phải đi nhờ qua sân và cổng nhà ông Lê Phàn, mà nhà ông Phàn thì có địa chỉ số 29.
Phóng viên phải đứng bên hông nhà ông Tiến để gọi cửa, cách qua một bức tường. Giữa trưa hè nắng, phải một lúc lâu, ông già 70 tuổi mới mở được cổng phía nhà ông Phàn cho chúng tôi vào.
Cổng nhà ông Phàn ra đường.(Ông Tiến đang mở cửa)
Sau khi câu chuyện ông già “gõ cửa” các cơ quan chính quyền "tìm lối đi" xảy ra vào năm 2005 kéo dài suốt hơn 1 năm trời, đến ngày 20/10/2006, ông Phàn mới mở cửa trở lại đối với ông Tiến. Và từ đó đến nay, ông Tiến cho biết mối quan hệ bình thường giữa hai gia đình đã trở lại như xưa - ông có phần bùi ngùi nhớ lại chuyện 5 năm về trước.
Quan sát khắp ngôi nhà, chúng tôi gặp lại bức tường xưa, nơi mà ông Tiến đã từng phải bắc thang trèo qua đi nhờ sân và cổng người hàng xóm- ông Khôi. Bức tường gạch rào quanh nhà, không có cổng. Khi muốn đi đâu, ông Tiến từ cửa nhà rẽ phải, qua một lần cổng rào giáp ranh nhà ông Phàn, đi tiếp qua sân nhà ông Phàn rồi mới đến cổng ra đường.
Bức tường kỷ niệm một thời được ông Tiến bắc thang trèo qua.
Tuy nhiên ông cho biết, hiện giờ ông vẫn đang tiếp tục gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị giải quyết lối đi cho nhà ông. Bởi ông cho rằng, ông phải được mở lối đi trực diện ra con ngõ đi chung của xóm ngay trước nhà chứ không phải là đi nhờ, vòng qua nhà hàng xóm. Ông Tiến vẫn cho rằng con ngõ đi chung đó bị nhà ông Hùng Vũ chiếm làm đất riêng chứ không có giấy tờ sở hữu gì.
Vậy nhưng, ông Trần Đức Tiến cũng thể hiện sự mệt mỏi và chán nản trong việc đi đòi quyền lợi này. Ông không muốn báo chí viết về việc này giống như sự việc cách đây 5 năm về trước nữa. Lý do ông cho biết, bởi sự việc các báo nêu ngay đó mà ông bị người ta quy kết là lợi dụng báo chí làm phức tạp hóa vấn đề, gây dư luận không tốt. Từ đó ông sợ khi báo chí nêu, sẽ khiến việc khiếu nại của ông càng khó giải quyết.
Quan sát, PV nhận thấy, trước mặt nhà ông Tiến cách bức tường là một con ngõ đi qua, dài khoảng hơn 30m. Đây là ngõ cụt và dành cho 3-4 gia đình. Được biết những gia đình này là anh em họ hàng với nhau. Họ nhất quyết không cho ông Tiến mở cổng trực diện ra đây để đi chung vì cho rằng ngõ này là thuộc đất của họ. Phía ngoài bức tường này, còn được họ gia cố bằng một hàng rào thép rất chắc chắn để ngăn ông Tiến mở lối ra.
Sân và lối đi nhờ từ nhà ông Tiến sang nhà ông Phàn.
Câu chuyện con ngõ này không biết sẽ được các cơ quan chức năng phân xử ra sao? Nhưng chỉ thấy rằng, nếu giả sử con ngõ đó thuộc đất riêng, theo quy định“quyền về lối đi qua bất động sản liền kề”, khi chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sử hữu khác mà không có lối đi ra, thì có lẽ việc ông Tiến mở lối đi trực tiếp ra ngõ sẽ hợp lý hơn cả. Bởi lối đi này sẽ không ảnh hưởng đến ai, còn qua sân nhà ông Phàn còn ảnh hưởng đến chuyện riêng tư cá nhân của cá nhân gia đình này.
Được biết ở phường Thanh Lương này, cũng có nhiều con ngõ đi lại được cho là của riêng một số hộ gia đình. Có thể trước đó, một mảnh đất lớn do cha mẹ để lại cho các anh em trong gia đình, sau đó họ chia thửa xây nhà riêng rồi trừ ra một lối để đi chung.
Chỉ biết rằng, suốt những năm tháng qua ông Tiến và hàng xóm chẳng quan hệ qua lại gì với nhau, ông như là người bị cô lập. Ở đâu có tranh chấp là vậy, chỉ vì câu chuyện của những con ngõ, bức tường, lối đi mà khiến họ nhìn nhau như kẻ thù, tình làng nghĩa xóm nơi đây trở thành điều có lẽ là không tưởng.
Bức tường được gia cố hàng rào thép để ngăn ông Tiến.
Con ngõ đi chung nhìn từ ngoài vào và từ trong ra.
Quyết Lam