Trai tài gái sắc cũng... vỡ đôi
Chúng tôi tìm về miệt sông Chà Là (xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), nơi mà người dân truyền miệng là xứ sở của "trai lỡ bước, gái nạ dòng". Cuộc sống nơi đây vẫn êm đềm trôi đi, ngoại trừ những câu chuyện gia đình tan vỡ như một vấn nạn bao ám ảnh. Ông Lê Xuân Bình, chủ kinh doanh tạp ở chợ Chà Là, là người lớn tuổi, sinh ra và lớn lên ở miệt sông Chà Là nên những câu chuyện nơi đây ông đều tỏ tường. Khi chúng tôi đề cập đến "lời nguyền ly tán", cũng như bao người dân khác, ông Bình trăn trở bằng những băn khoăn chưa lời giải: "Nói thiệt với chú em, những thứ khác thì Chà Là có thể thua, chứ nói về sắc đẹp con gái, thì Chà Là phải đứng hàng số một ở Cà Mau. Không những đẹp người, đẹp nết mà còn giỏi kinh doanh. Duy chỉ có điều, không hiểu vì sao trong duyên phận họ đều trắc trở, để có hạnh phúc bền chặt thì buộc phải sang hai lần đò".
Ông Bình lại nói bằng giọng phiền muộn: "Ở cái miệt sông nhỏ bé này có được mấy con đường đâu, đi chưa mỏi chân thì đã hết. Trong năm qua (2012) có 10 cái đám vu quy, toàn những thiếu nữ mười tám đôi mươi xinh hết nổi, thế mà hạnh phúc chưa đơm hoa thì đã tan vỡ". Nhiều cô gái trở về nước mắt ngắn dài than phiền với cha mẹ rằng, sống chung thời gian thì thấy không hợp hoặc bị chồng đánh đập đối xử thậm tệ. Chỉ tay về phía cuối con đường, ông Bình dẫn chứng với tôi câu chuyện một cặp vợ chồng vừa ký đơn ly hôn chưa ráo mực.
Rằng, có cô Lan là con gái của ông Minh làm nghề bán thịt heo ngoài chợ Chà Là. Lan dáng người cao ráo, nước da trắng hồng, gương mặt trái xoan, lại rất giỏi buôn bán. Hàng ngày Lan phụ mẹ ra sạp bán thịt heo, với vẻ xinh xắn nên hàng quán lúc nào cũng nườm nượp người mua không ngớt. Nhiều chàng trai giàu có, đẹp mã còn lấy cớ đến mua vờ ngả giá để tán tỉnh, cô đều nguây nguẩy lắc đầu. Thế rồi một ngày Lan phải lòng với một chàng trai cùng xóm, nhà ở cách nhau chưa đầy mười căn. Đó là Quân, con của một chủ tiệm vàng lớn, rồi một đám cưới linh đình nhất miệt Chà Là được tổ chức. Ngày vu quy, Quân thề nguyện với Lan rằng sẽ sống đến ngày đầu bạc răng long, và không bao giờ để Lan phải khổ. Nhìn đôi uyên ương, bên sắc bên tài, ai ai cũng trầm trồ...
Một góc miệt Chà Là - nơi có nhiều cặp vợ chồng đứt gánh giữa đường (Ảnh Kỳ Anh).
Lan vốn được sinh ra và lớn lên trong gia đình có nền nếp, cộng thêm bản tính khôn khéo, nên khi về nhà chồng, Lan nhanh chóng làm hài lòng cha mẹ chồng. Cô được gia đình chồng giao cho phụ giúp quản lý tiệm vàng, còn chồng Lan thì làm thợ gia công bạc tại gia, cuộc sống vật chất đầy đủ, hạnh phúc vợ chồng Lan càng nhân lên gấp bội khi bé gái đầu lòng ra đời, nội ngoại ai nấy hài lòng với hi vọng đôi trẻ sẽ chung sống êm đềm trong hạnh phúc. Nhưng đúng ba tháng sau, Lan đột ngột bế con về nhà mẹ ruột trong sự ngỡ ngàng của hàng xóm láng giềng. Nguyên nhân là Lan không chịu được tính cách thất thường của chồng, và chính chồng cô cũng công nhận khi chung sống với Lan mới thấy những cái không thể hòa hợp. Và, cuộc hôn nhân chóng vánh ấy kết thúc bằng phiên tòa ly hôn. Lan lủi thủi bế con về lại nhà cha mẹ ruột sống. Cô coi cuộc hôn nhân tan vỡ ấy như một chuyến đò bị "lỡ" trong chặng đường đi đến bến bờ hạnh phúc của mình.
"Mất cả chì lẫn chài" vì chồng mê gái
Ông Bình bảo, ở Chà Là chuyện như cô Lan thì không hiếm. Lại nữa, câu chuyện hạnh phúc tan vỡ của chị Ngọc như một minh chứng "không bước qua lời nguyền". Ngọc vốn sinh ra và lớn lên tại xứ sở sông nước này, mồi côi mẹ khi 11 tuổi, mấy chị em Ngọc phải nương tựa vào cha. Bốn chị em Ngọc lớn lên trong sự túng bấn của nghèo khó. Ngọc luôn ám ảnh sau này lớn lên sẽ có một tấm chồng đàng hoàng, ít ra cũng hơn hẳn những gì mà cô đã phải trải qua. Điều đáng nói, dù phải cơ cực mưu sinh nhưng ngay từ nhỏ đã là cô bé xinh xắn, và lớn lên thành một thiếu nữ xinh xắn nhất nhì trong vùng, khiến trái tim bao chàng trai phải xao xuyến.
Năm 18 tuổi Ngọc chính thức sang sông, chồng cô quê mãi Bến Tre, gia đình cũng không khấm khá là bao, nhưng cả hai đã thề non hẹn biển đồng cam cộng khổ cho đến ngày bạc tóc, răng long. Tưởng đâu chuyện tình của Ngọc sẽ không bước theo "vết xe đổ" của những người đi trước. Không ngờ chỉ hơn một năm chung sống thì tình cảm vợ chồng rạn nứt. Cả hai có quá nhiều điểm bất đồng không thể dung hợp, thế rồi cô quyết định ly thân. Ngọc kể lại: "Do còn trẻ người non dạ, suy nghĩ bồng bột nên em phải lòng anh ấy (chồng). Ngày chúng em thành thân biết gia đình anh ấy cũng nghèo khó, thấy vậy nên em quyết định không về xứ chồng mà ở quê nhà để lập nghiệp. Mỗi ngày em đi làm móng dạo quanh khu vực chợ, còn ông xã em thì mở tiệm sửa đồng hồ, vợ chồng biết phận ai làm việc nấy. Cuộc sống tuy chật vật nhưng hai vợ chồng sống rất hạnh phúc. Cho tới ngày em sinh đước con đầu lòng thì mọi chuyện bắt đầu thay đổi, đó là khi chồng em sa vào nạn cá cược bóng đá".
Thói nghiện cá độ bóng đá khiến chồng Ngọc bỏ bê công việc, mọi chi tiêu sinh hoạt gia đình đều đặt cả vào thu nhập ít ỏi từ nghề làm móng của Ngọc. Cô làm chưa đủ ăn, còn phải dùng những đồng tiền chắt chiu ấy trả nợ cho chồng. Tiệm đồng hồ của gia đình vì không có vốn đành phải sang chủ. Chồng cô bảo nghề đồng hồ miền sông nước không có người sửa nên chơi nhiều hơn làm mới sinh ra... cá độ, chi bằng chuyển qua nghề chạy xe ôm thì chồng cô sẽ "tu". Nghe lời chồng Ngọc lại đi vay mượn hàng xóm để mua chiếc xe máy cho chồng hi vọng đó là chiếc cần câu cơm của gia đình. Nhưng chồng cô chỉ chạy xe ôm chưa đầy hai tháng thì sinh tật bồ nhí, thế rồi anh ta đi biệt tích, để lại cô và đứa con thơ dại chưa biết gọi cha. Mất cả chì lẫn chài, Ngọc chỉ biết ngậm ngùi hết than trời cao, lại trách đất dày, sống hết mực vì chồng để rồi có ngày phải chuốc cay đắng.
Ngọc cho biết, những người bạn rơi vào hoàn cảnh tương tự như cô ở Chà Là thì không thiếu. Trong số rất ít phải đắn đo suy nghĩ khi quyết định "đi bước nữa" ở lần hai, thậm chí lần ba mới đến được bến bờ hạnh phúc. Còn phần lớn mặc cảm, tự ty đều rời xứ dẫn con nhỏ xa quê, đến những thành phố lớn làm mướn nuôi con. Không những chị Ngọc mà rất nhiều phụ nữ khác nữa đều không giải thích được, mặc dù họ có sắc, đảm đang, thương yêu chồng con hết mực... nhưng không hiểu sao hạnh phúc đều sớm bị tan vỡ.
Những câu chuyện thoạt nghe thì giản đơn nhưng không dễ lý giải ấy tựa hồ như "lời nguyền" của sự tan vỡ mà những cặp vợ chồng trẻ ở miệt Chà Là không thể bước qua.
Hồi chuông báo động Theo ông Lê Minh Đồng, chánh án TAND huyện Đầm Dơi thì thời gian gần đây tỷ lệ án ly hôn tăng một cách đột biến. Cụ thể năm 2012, toà án thụ lý 208 vụ án liên quan đến hôn nhân gia đình. Nguyên nhân tựu chung là các đôi trai gái đến với nhau quá vội vàng, về sống chung sớm nảy sinh những khác biệt, đó là ngọn nguồn của những mâu thuẫn vợ chồng dẫn đến sự tan vỡ. Hệ lụy của những câu chuyện hạnh phúc đổ vỡ này là những đứa trẻ sinh ra thiếu tình cảm của mẹ, hụt tình thương của cha. Mai này chúng lớn lên mang theo những mặc cảm, tự ti trong cuộc sống và rất dễ sinh ra hư đốn. Đây cũng là một hồi chuông cảnh báo đối với lối sống thực dụng mà quên đi những tình cảm đạo đức, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. |
Phóng sự của Phạm Vũ – Kỳ Anh
* Một số nhân vật trong bài đã được đổi tên.