Cả khu rừng có diện tích rộng hơn 8.000 ha này đã được công nhận là Khu bảo tồn thiên nhiên. Thế nhưng, vì cái lợi trước mắt từ rừng đem lại, người dân đã tiếp tay cho việc buôn lậu gỗ và chính họ cũng tham gia vào việc chặt gỗ trái phép.
Những "lâm tặc" này lại chính là người địa phương, sống ở trong vùng lõi của khu rừng nên rất khó xử lý. Cuộc chiến gay go và phức tạp để giữ rừng suốt mấy chục năm nay vẫn chưa thôi "đổ máu".
Nghênh ngang như... chở gỗ lậu
Theo quan sát của PV Người Đưa Tin, con đường nối quốc lộ 1A qua xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) đến xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) chỉ dài hơn 20 km này chính là tuyến đường "độc đạo" vận chuyển gỗ lậu được khai thác từ rừng đặc dụng Hữu Liên.
Dọc tuyến đường này, thỉnh thoảng chúng tôi phát hiện có những chiếc xe Minks, Win chở đầy gỗ, phóng vùn vụt về hướng quốc lộ 1A. Dò hỏi người dân, chúng tôi biết được những xe chở gỗ này được chuyển đến bán cho chủ đầu nậu ở thị trấn Mẹt để chuyển về Bắc Ninh.
Gỗ lậu được tuồn ra bìa đường để chở đến các đầu nậu.
Khi thấy có người lạ thì cánh "chim lợn" sẽ bám đuôi. Ở đầu đường vào xã Yên Thịnh, đoạn giao với quốc lộ 1A có mấy quán nước được canh bởi những ánh mắt liếc ngang, liếc dọc, dè chừng. Khi có người lạ rẽ vào lối Yên Thịnh, chúng lại nhấc điện thoại để gọi cho ai đó. Chúng tôi vào đến trung tâm xã Yên Thịnh nhưng vẫn thấy có người "bám đuôi". Chúng tôi vờ hỏi dân làng đường về huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), chúng (tức những đối tượng "hành nghề chim lợn") mới "buông tha".
Theo quy luật đối tượng buôn gỗ lậu thường hoạt động vào buổi trưa, chiều tối hay đêm khuya và rạng sáng. Chiều xuống, chúng tôi đi xe máy dạo qua khu vực rừng Hữu Liên. Dọc hai bên đường, số lượng xe máy xuất hiện càng nhiều. Những chiếc xe chở gỗ lậu nặng chình ình lao từ những bụi rậm, bìa rừng ra đường lớn với tốc độ chóng mặt. Khi đến trạm kiểm lâm thì chúng đi chậm lại dò xét cẩn thận. Chỉ cần qua được chặng này, cánh cửu vạn sẽ phóng thẳng ra hướng quốc lộ 1A.
Khoảng 20h, chúng tôi đến trạm Kiểm lâm rừng đặc dụng Hữu Liên. Đứng quan sát từ xa, chúng tôi thấy cánh cửu vạn vẫn chở gỗ phóng vù vù qua trước trạm. Chỉ khi biết có nhà báo đến tìm hiểu thông tin, các anh mới bắt đầu hạ tấm barie xuống và lái chiếc "u oát" ra trực chốt. Tuy nhiên, khi thấy barie chặn lại, "lâm tặc" bèn quay xe máy ngược lại hoặc phóng qua con đường mòn phía sau trạm kiểm lâm.
Ông Chu Xuân Ngọc, tổ trưởng tổ trực chốt trạm Kiểm lâm rừng đặc dụng Hữu Liên cho hay: Cánh cửu vạn rất liều lĩnh, họ sẵn sàng chống trả với lực lượng kiểm lâm. Khi bị chặn bắt, nhiều trượng hợp còn quay lại chống trả. Lực lượng chúng tôi quá mỏng, rất khó quản lý và xử lý".
Chúng tôi tận mắt chứng kiến cánh cửu vạn trốn chạy kiểm lâm vô cùng liều lĩnh. Khi bị tổ trực chốt chặn xe lại, chúng vội vàng quay xe rồi rú ga bỏ chạy. Chúng tôi vẫn ám ảnh với một cặp vợ chồng đèo thêm con nhỏ đi chở gỗ lậu.
Khi gặp cánh kiểm lâm, họ hét toáng lên: "Có con nhỏ, chết con tôi các ông đền đấy!". Vừa hô hét, họ vừa quay xe bỏ chạy. Lực lượng kiểm lâm không dám đuổi theo, vì sợ nếu sơ suất sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của đứa trẻ.
Chỉ vì lực lượng kiểm lâm quá mỏng?
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Lương Long Hải, hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng cho biết: "Sở dĩ chúng tôi không thể xử lý dứt điểm nạn "lâm tặc" là do việc khai thác và buôn gỗ lậu diễn ra chủ yếu ở vùng lõi của rừng Hữu Liên.
Mọi sinh hoạt của lực lượng kiểm lâm cũng gắn với người dân trong khu vực này. Vì thế, khi cán bộ xuống bản lấy đồ ăn thức uống hoặc mua nhu yếu phẩm như gạo, mắm muối, thuốc thang… vẫn phải "chạm mặt" bà con".
Phương tiện chở gỗ lậu bị bắt giữ.
Trên địa bàn huyện Hữu Lũng có 7 dân tộc anh em sinh sống, gồm Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ... vốn có phong tục tập quán làm nhà bằng gỗ nên khu vực xung quanh rừng Hữu Liên có hàng trăm ngôi nhà dựng bằng gỗ.
Anh Đàm Văn Đại - một người dân ở xã Hữu Liên than: "Để đủ số lượng gỗ dựng nhà cũng cần hàng chục khối gỗ đấy. Ngày trước, rừng còn nhiều gỗ nên kiếm gỗ làm nhà dễ lắm, giờ gỗ rừng sắp hết rồi, mà cán bộ lại cấm khai thác để dựng được ngôi nhà cũng phải chặt gỗ để dành cả tháng trời mới đủ...".
Việc bà con sống trong vùng lõi của rừng Hữu Liên gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Người dân đi lên nương rẫy lấy củi, làm nương cũng diễn ra ở khu vực lõi của rừng. Trong khi đó, "lâm tặc" lại thường chọn thời gian bà con đi rừng về mới vận chuyển gỗ lậu.
Con đường xuyên qua xã Hữu Liên đã được mở rộng thêm, trải dọc bìa rừng có đến hàng chục tốp xe Minks dựng lấp ló sau những bụi cây nên không thể phân biệt được đâu là xe của "cánh" cửu vạn, đâu là xe của người dân bình thường.
Sau khi khai thác được gỗ, "lâm tặc" sẽ chờ trời tối để tuồn gỗ ra bìa rừng và chuyển ra ngoài cho các đầu nậu. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm chỉ được vây bắt ở ngoài bìa rừng, khi chúng vào vùng lõi thì phải liên lạc với Ban quản lý rừng mới có quyền bắt giữ.
Tuy nhiên, trong vùng này, sóng điện thoại chập chờn nên rất khó cho công tác phối hợp thực hiện. Trong khi đó, "lâm tặc" lại được sự tiếp tay của người dân, nếu gặp phải sự kiểm tra của cơ quan quản lý thì chúng sẽ phát tán gỗ vào các hộ dân trong xã hoặc giấu ở bìa rừng.
Tình trạng buôn lậu ở khu vực đèo Nhừ, giáp ranh huyện Bắc Sơn diễn ra rất phức tạp. Do khu vực đèo Nhừ đang làm đường nối giữa huyện Hữu Lũng và huyện Bắc Sơn nên đội quân "lâm tặc" lại càng được thể hoành hành vì đường vận chuyển rất thuận lợi.
Theo quan sát của chúng tôi, những khúc gỗ có đường kính khoảng 40 - 80cm nằm rải rác suốt khoảng 1km theo sườn dốc của đèo. Đi lên đỉnh đèo, rẽ vào vạt rừng, những khúc gỗ lớn đã được "lâm tặc" xẻ ra từng đoạn vuông vắn dài khoảng 2m - 3m, có khúc chưa kịp xẻ vẫn còn nằm ngổn ngang chờ bốc đi. Chúng xẻ gỗ ngay ở mép đường cái phía trên đỉnh đèo và lấy xe máy chở ra hướng quốc lộ 1A, một số kẻ còn phóng vùn vụt về hướng Bắc Sơn.
Nhìn những mảnh rừng bị cắt nát, những khúc gỗ nằm chỏng chơ bên vệ đường, chúng tôi không khỏi xót xa, khi không biết đến bao giờ, những cung đường gỗ lậu này mới "bình yên"…
Đã từ lâu, rừng đặc dụng Hữu Liên vẫn là “điểm nóng” về nạn buôn gỗ lậu. Nơi đây từng được mệnh danh là "thủ phủ" của rất nhiều gỗ quý như: Nghiến, lim, sến, gụ… Vì cái lợi trước mắt, nhiều người dân đã tiếp tay cho "lâm tặc" tàn sát rừng. Chính họ cũng vào rừng xẻ gỗ và buôn lậu gỗ. Điều đó khiến cho cuộc chiến giữ rừng thêm cam go.
Theo dõi nhất cử nhất động của kiểm lâm Một cán bộ kiểm lâm cho biết thêm, ở đây, kiểm lâm rình "lâm tặc", nhưng "lâm tặc" thì theo dõi "nhất cử nhất động" của lực lượng kiểm lâm. Chỉ cần thấy người của kiểm lâm hay ban quản lý thì "lâm tặc" sẽ cử người theo dõi. Biết chúng tôi đi về hướng nào thì cánh "chim lợn" sẽ thông báo cho đồng bọn tẩu thoát theo hướng khác hoặc "nằm im bất động". Thậm chí, "lâm tặc" còn đợi khi trời tối, chúng sẽ vác gỗ men theo hai bên sườn núi qua trạm và tập kết dọc hai bên bìa rừng hoặc gửi vào các hộ dân xung quanh. Sau đó, chúng phóng xe qua trạm rồi lại nhấc gỗ lên xe và phóng thẳng ra trung tâm huyện, qua được trạm kiểm lâm coi như đã an toàn!?. |
Thế Hoàng
(Còn nữa)