Giá đắt nhường nào, người Việt Nam cũng có thể tìm mua với mong muốn chữa khỏi bệnh. Thế nhưng công dụng của sừng tê giác trong chữa bệnh vẫn chỉ là ẩn số và sừng tê giác thật - giả lại càng là ẩn số hơn.
Người quen cũng bị lừa
Ông Nguyễn Hồng M.- Giám đốc một công ty bất động sản tầm cỡ ở Hà thành được một người quen là Việt kiều Lào rỉ tai: "Em có mối chuẩn, sừng tê giác nguyên sinh". "Ok- bao nhiêu?". "230 triệu". "Được". Cuộc mua bán chóng vánh, ông Minh tin cậy người quen cũng chẳng cần liếc qua món hàng. Ông M. cầm sừng khấp khởi mừng thầm: "Có hàng quý tặng lãnh đạo rồi đây". Lãnh đạo bận đi công tác nước ngoài, chưa kịp tặng. Trong một ngày trời mưa, ông M. mang chiếc sừng tê giác vừa mua được ra xem. Ông trầm trồ: "Đẹp thật. Nó trong suốt, còn cả lông mượt mà".
Sừng tê giác này là giả nhưng vẫn được mua bán trên thị trường
Ông M. cho biết: "Nó nuột nà quá làm người ta nghi ngờ". Là người có chút hiểu biết về động vật hoang dã, ông M. sử dụng hai ngày để tra cứu, gọi điện thoại hỏi người bạn là chuyên gia giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, rất chuyên nghiệp về các loại sừng, ngà động vật quý hiếm... Ông bạn chuyên gia phán ngay: "Sừng giả rồi. Giờ bói đâu ra hàng đẹp thế. Hàng thật quý và hiếm lắm, khó mua hơn lên giời!".
Ông M. khẳng định: "Đệ" của tôi ở bên Lào giới thiệu, nó chịu ơn tôi mà, không thể là hàng giả được". Ông bạn chuyên gia cười bảo rằng: "Đệ của ông cũng bị lừa. Có thể người này không có ý lừa ông nhưng anh ta mua phải sừng giả, cũng bị lừa mà không biết nên vô tình lừa lại người khác thôi". Để chắc ăn, ông M. mang sừng tê giác đến giám định. Quả thực không sai, đích thị là sừng giả. Ông bạn chuyên gia khẳng định sừng tê giác của ông M. chỉ là sừng... trâu nước.
Trong cuộc trò chuyện với PV, ông M. phân trần: "Tôi được nghe nhiều về công dụng của sừng tê giác. Nó được sử dụng làm thuốc cường dương, giảm sốt... ở Đông Á và làm chuôi dao ở Trung Đông. Việc phối giống ngẫu nhiên của loài tê giác thường kéo dài trong thời gian từ 2 - 4h/ lần nên được người đời rất khâm phục. Do đó, giá trị của sừng bị đẩy lên cao, còn quí hơn vàng. Mà theo tài liệu về các loài động vật học mà tôi đã tham khảo thì tê giác đã gần như bị tuyệt diệt ở nước ta từ nhiều thế kỷ trước”.
Ông M cũng cho biết: “Hiện nay, ở nước ta, sừng tê giác có được là của gia bảo của những dòng họ giàu có nhiều đời truyền lại hoặc do nhập lậu từ nước ngoài. Người ta vẫn ví, ai sở hữu được sừng tê giác như sở hữu vật báu, thuốc chữa bách bệnh trong nhà. Tôi cũng cố nhờ người quen lùng mua giúp. Ai ngờ, nghĩ là sừng tê giác "xịn" lại mua phải sừng trâu nước".
Sừng giả vẫn đắt khách
Tê giác 2 sừng được đánh giá là thần dược hơn tê giác 1 sừng
Cùng với ông M., ông Nguyễn Tiến T.- đại gia của ngành xây dựng cũng ăn phải quả đắng mà không hề hay biết. Tin vào công dụng của sừng tê giác, nhờ vả mãi, tốn cả ngàn đô tiền môi giới, ông T. mới mua được 2 cục sừng tê giác có trọng lượng 5,9 lạng. Như một chiến tích, ông T. rỉ tai nhiều bạn hàng về mối làm ăn này. Thế nhưng, sau khi nhận lời "mua giúp", ông T. đã không thể tìm được hàng, dù đã chi 2.000 đô cho cuộc tìm kiếm.
Sau một thời gian nhờ vả "anh em xã hội", ông T. được tiếp xúc với một người tên Đạt ở quán cà phê trên đường Nguyễn Du (Hà Nội). Rất nhanh gọn, Đạt hất hàm hỏi: "Bao nhiêu? Xịn thật, xịn vừa, hay... xịn giả?" Rồi phán giá luôn: “Xịn thật- kim cương, xịn vừa-vàng, xịn giả - đô la". (Tức là sừng tê giác thật thì giá trị tiền tương đương với mua kim cương...)
Đạt thẳng thắn: “Nếu mua bằng "xèng" (tức đô la) thì 10 ngàn đô, hai lạng sừng nhân tạo hoặc sừng trâu nước. Giá kim cương cũng có hai loại. Sừng của tê giác một sừng và sừng của tê giác hai sừng. Tê giác hai sừng chất lượng hơn. "Nghĩ kĩ đi, trả lời trong 2 tiếng. "Hàng" rất khan", Đạt nhát gừng, rồi ra về. Sau lần gặp đó, ông T. trở nên hoang mang trước thông tin thật- giả lẫn lộn. Ông đành bấm bụng mất tiền môi giới dắt hàng chứ không dám đứng ra đảm bảo hàng "xịn", tê giác Châu Phi thứ thiệt.
Câu chuyện tin vào khả năng sừng tê giác có khả năng chữa bách bệnh của ông T. khiến tôi giật mình nhớ lại cảnh báo của Tổ chức Bảo vệ các loài hoang dã quốc tế (CWI) cách đây không lâu. Theo CWI, sừng tê chủ yếu được cấu tạo bởi chất sừng, cũng như thành phần của tóc và móng tay con người.
Tuy nhiên lâu nay nhiều người châu Á vẫn tin sừng tê giác dạng bột có thể chữa bất cứ bệnh gì từ đau đầu tới bệnh gút. Thậm chí ở Việt Nam còn có tin đồn rằng sừng tê giác chữa khỏi bệnh ung thư. Vì thế, nhu cầu sử dụng sừng tê giác như một loại thuốc đông y ngày càng tăng. Tổ chức CWI cho biết, giá 1kg sừng tê giác dạng bột ở Việt Nam là 60.000 USD, mức giá này không phải cố định mà liên tục thay đổi.
So về trọng lượng thì nó còn đắt đỏ hơn cả vàng và giá bán cocaine trên thị trường chợ đen châu Âu. Đa số sừng tê giác đều có nguồn gốc từ Nam Phi. Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan là thị trường chủ yếu buôn bán sừng tê giác dạng bột. Nhưng thông thường, những kẻ buôn lậu thường vận chuyển gián tiếp sừng tê giác qua các nước ở châu Á, hoặc châu Âu để lách luật trước khi đến nơi tiêu thụ chính.
Hoạt động buôn lậu động vật hoang dã (trong đó có chế phẩm từ động vật hoang dã) được nhiều nước xem là buôn lậu lớn thứ ba thế giới sau ma túy, vũ khí. Tuy nhiên, những năm gần đây bọn buôn lậu đã chuyển sang kinh doanh qua mạng, vừa tiện lợi, nhanh gọn lại vừa bí mật.
Trên các mạng Trung Quốc chẳng hạn, vẫn có thể tìm thấy nhiều động vật quý hiếm, chế phẩm động vật quý hiếm được rao bán trên các mạng mua sắm, trong đó có cả những loài quý hiếm như hổ cốt, ngà voi, râu hổ, sừng tê giác. Điều đáng nói là chúng thường được đưa vào danh mục hàng lưu niệm, với các tên như tây giác, sừng trâu châu Phi chỉ sừng tê giác; còn ngà voi gọi là vật liệu ngà, điêu khắc ngà; đồi mồi gọi là đá quý hải dương, hải kim...
Hoàng Ngân