- Trước kia các cơ quan chức năng thường né tránh những vấn đề liên quan đến tham nhũng, nếu có xử lý bao giờ cũng là “lỗi tập thể”. Hiện nay, một số vụ án tham nhũng như Vinalines, bầu Kiên… đã đưa ra công luận một cách công khai và đã quy trách nhiệm cụ thể tới từng cá nhân, được dư luận đánh giá cao. Theo ông, cơ quan PCTN phải làm gì để tạo ấn tượng, niềm tin trong quần chúng nhân dân?
- Theo quan điểm cá nhân tôi, trên thực tế công cuộc PCTN chưa bao giờ có sự né tránh. Có điều chúng ta cần nhìn thẳng nói thật rằng, trước kia chưa có sự chỉ đạo đến nơi đến chốn, chưa quyết liệt. Từ khi luật PCTN ra đời, hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng, chống tham nhũng. Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về công tác PCTN.
Đặc biệt là Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, do đó các cơ quan chức năng cũng quan tâm hơn, các ngành cùng triển khai đồng bộ các giải pháp PCTN, có xác định trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn. Đặc biệt là đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong công tác PCTN.
Ông Lê Hồng Lĩnh.
Hiện nay một số vụ án tham nhũng đã đưa ra công luận một cách công khai, xử lý từng cá nhân cụ thể, từng tội danh, điều đó thể hiện sự đấu tranh kiên quyết của các cơ quan chức năng, cũng như việc thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ. Theo Bộ luật Hình sự thì dù người đó là bất cứ ai, nếu họ có vi phạm thì đương nhiên vẫn phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Để tạo niềm tin và hiệu ứng tốt của dư luận về công cuộc PCTN cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương tới địa phương. Phải xử lý nghiêm minh đúng người đúng tội, đúng pháp luật đối với bất cứ ai, nếu họ có hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn. Mặt khác, phải quan tâm tới việc bảo vệ những người dám đứng ra tố cáo về tham nhũng, tiêu cực, có sự động viên và cần khen thưởng, nhằm khích lệ động viên đối với họ.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; có chính sách truyền thông đúng đắn về tình hình tham nhũng và công tác PCTN; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, không để tình trạng thông tin sai sự thật, tạo dư luận không đúng về tình hình và những nỗ lực PCTN của Việt Nam.
- Tham nhũng, lãng phí hiện tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp Nhà nước… và gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chưa rõ ràng trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Hiện nay, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực, tham nhũng trên một số lĩnh vực quản lý Nhà nước đã từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước. Trong đó một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, đây là một lĩnh vực nóng, được dư luận đặc biệt quan tâm. Một số vụ án mà cơ quan chức năng phát hiện và xử lý cho thấy dạng tham nhũng chủ yếu: Thỏa thuận trái pháp luật, ép buộc khách hàng phải cắt lại phần trăm cho vay (thực chất là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ); nhận hối lộ của khách hàng để hợp thức hóa hồ sơ xin vay không đúng quy định như không có tài sản thế chấp. Hay tài sản không đủ đảm bảo, những sai phạm này thường là khó phát hiện bởi họ có sự thông đồng giữa người có trách nhiệm và đối tác.
Như tôi đã nói ở trên, cần đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN, nâng cao ý thức tự phê bình và phê bình, sự gương mẫu của cấp trên, của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, đẩy mạnh cải cách hành chính; Sửa đổi, bổ sung Nghị định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Ngoài ra, còn phải tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng cải cách thực chất chế độ tiền lương. Mặt khác, cần có biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tố cáo, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia PCTN.
- Thưa ông, việc PCTN của ngành hiện có rào cản gì không?
- Trên thực tế không có gì là rào cản. Hiện những vụ án tham nhũng lớn liên quan đến những người từng giữ chức vụ cũng đã và đang bị cơ quan chức năng đưa ra truy tố. Việc này đã và đang tạo hiệu ứng tốt trong dư luận.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lương Liễu (thực hiện)